Đến với bài thơ hay: Tết nghèo nhưng ấm tình thân

Cũng vẫn là Tết nhà nghèo của những đứa con hiểu chuyện, của những người làm cha làm mẹ dẫu khó khăn nhưng luôn cố gắng chu toàn.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Tết là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của người Việt. Dù có khi, Tết thật nghèo, thật khó với những gia đình không có điều kiện nhưng chỉ cần có tình yêu thương, sự ấm áp là đã có Tết. Bài thơ “Tết mẹ” của nhà thơ Lê Văn Vỵ cho ta thấm thía hơn điều đó.

Lê Văn Vỵ

Tết mẹ

Khi mẹ không còn trên đời nữa con mới hay mẹ chưa bao giờ có Tết

Tết xanh xao lá dong

tết trắng đầu hoa mận

tết rỗng đêm nghe mọt nghiến nợ nần

Tết mẹ mưa phùn gió bấc ở phía cánh đồng

mười ngón tay mười kim khâu tấm áo xanh non cho cánh đồng mặc Tết

cha lo tảo mộ, dọn dẹp nhà thờ

mẹ lo thịt lợn, dưa hành, mâm cơm cúng tổ tiên trong ba ngày Tết

nhà sáu anh em

nhong nhóng mẹ chợ về

giấc mơ quần mới áo hoa đang ở nong tằm, xanh dâu ngoài bãi…

Mẹ nhắc nhở chúng con

lo rơm cỏ cho trâu bò ăn Tết

và dọn chuồng sạch sẽ tinh tươm.

Đọc bài thơ, ta thấy gia cảnh của mẹ cha thật nghèo. Đã cận Tết rồi, vậy mà mẹ cha còn ngược xuôi tảo tần:

“Tết xanh xao lá dong

tết trắng đầu hoa mận

tết rỗng đêm nghe mọt nghiến nợ nần”

và:

“Tết mẹ mưa phùn gió bấc ở phía cánh đồng mười ngón tay mười kim khâu tấm áo xanh non cho cánh đồng mặc Tết”

Hình ảnh “rỗng đêm nghe mọt nghiến nợ nần” sao chân thực mà chua chát đến vậy! Mọt ăn gỗ, ăn mái nhà là ngoại cảnh, nhưng nỗi lo đang gặm nhấm trong lòng của mẹ mới là điều đáng nói. Ta có thể hình dung, những đêm khuya thanh vắng, khi công việc nhà cửa tạm ổn, mẹ ngả lưng nghỉ ngơi chút ít sau một ngày dài mệt mỏi, nhưng không ngủ được. Mẹ nghĩ suy về những khoản nợ nần đã hết năm cũng chưa giải quyết được. Bao nhiêu thanh âm ken két, ám ảnh khó chịu trên mái nhà kia là bấy nhiêu những trằn trọc của mẹ. Để rồi, sau những “rỗng đêm” như thế, sáng ra, mẹ lại tất bật với ruộng đồng, nhà cửa, vật lộn để lo Tết.

Tết của người ta đến thật gần, nhưng Tết mẹ còn trên cánh đồng. “Mưa phùn gió bấc” khắc nghiệt là vậy, chân mẹ còn lẩm chẩm dưới bùn, “mười ngón tay mười kim khâu tấm áo xanh non cho cánh đồng mặc Tết”. Một hình ảnh liên tưởng thật độc đáo cho thấy sự đảm đang và vất vả của mẹ. Trong thơ ca viết về mẹ, hình ảnh mẹ ngồi vá khâu nhiều lắm. Nhưng những ngón tay là những kim khâu, sản phẩm là tấm áo xanh non của những luống mạ, luống rau, đối tượng chăm chút là cánh đồng thì có lẽ chỉ có trong thơ của Lê Văn Vỵ.

Nhưng có lẽ cái đáng nói ở đây là, tác giả không chú trọng nói cái nghèo, cái khó của gia đình, mà muốn khẳng định, Tết vẫn luôn có nếu cái ấm áp tình thân còn hiện hữu, cả nhà chia sẻ công việc để cùng nhau đón Tết:

“Cha lo tảo mộ, dọn dẹp nhà thờ

mẹ lo thịt lợn, dưa hành, mâm cơm cúng tổ tiên trong ba ngày Tết”

Những công việc cần thiết, những thực phẩm không thể thiếu, mẹ cha vẫn cố gắng chu toàn. Từ đời sống tâm linh, tinh thần đến những món ăn ngày Tết như thịt lợn, dưa hành bao đời nay vẫn thế. Đặc biệt, mẹ không quên niềm vui riêng của những đứa trẻ khi Tết đến, Xuân về, đó là quần áo mới:

“nhà sáu anh em

nhong nhóng mẹ chợ về

giấc mơ quần mới áo hoa đang ở nong tằm, xanh dâu ngoài bãi…”

Đến đây, ta mới hiểu rõ hơn vì sao việc vá khâu của mẹ lại đặc biệt đến thế! Mẹ chịu khó khoác áo cho cánh đồng, để đổi về áo mới cho đàn con đang “nhong nhóng”. Chẳng biết, nong tằm bãi dâu ngoài kia có đủ để đổi áo mới cho nhà đông con hay không, cũng chẳng rõ quần áo mới có thật hay chỉ là giấc mơ, nhưng mẹ biết các con vẫn luôn mong mẹ đi chợ về. Có lẽ, từ “nhong nhóng” ở đây có một phần nghĩa của chữ “ngước”. Trong bài viết “Ngước mẹ”, Lê Văn Vỵ có giải thích: “ngước mẹ nghĩa là đón mẹ… Nhưng ngước đâu chỉ chờ mà còn giúp đỡ, hỗ trợ, san sẻ”. Như thế, mấy đứa con của mẹ là những đứa trẻ nhà nghèo hiểu chuyện. Trẻ con mà, đứa nào chẳng thích có quần áo đẹp để xúng xính trong dịp Tết. Nhưng, trong ý thơ của tác giả, có thể thấy rằng, mấy đứa trẻ này hiểu được hoàn cảnh nhà mình thế nào, hiểu mẹ mình đang đằm mình trên cánh đồng để lo cho gia đình có Tết.

Trong mạch cảm xúc ấy, khổ thơ cuối là một hình ảnh thật đẹp:

“Mẹ nhắc nhở chúng con

lo rơm cỏ cho trâu bò ăn Tết

và dọn chuồng sạch sẽ tinh tươm”.

Cũng vẫn là Tết nhà nghèo của những đứa con hiểu chuyện, của những người làm cha làm mẹ dẫu khó khăn nhưng luôn cố gắng chu toàn. Mẹ cha lo lắng từ cái lớn đến cái nhỏ, từ tinh thần đến vật chất. Các con làm những việc theo bổn phận mình. Đối với những gia đình nông thôn nghèo, trâu bò là cả một gia tài. Thế nên lo Tết, ăn Tết, họ không quên chăm sóc, để ý đặc biệt đến chúng. Sau những ngày phơi mình trên cánh đồng, cùng với con người vì mua vụ, Tết cũng là dịp những người bạn đồng hành của nhà nông có thể nghỉ ngơi, nằm nhai lại. Hình ảnh “chuồng sạch sẽ tinh tươm” sao đáng yêu, đáng quý đến thế! Cùng với chi tiết cha dọn bàn thờ, mẹ lo sắm Tết song song với việc đồng áng, sáu đứa con “ngước mẹ”, ta thấy rất rõ tâm tình mà nhà thơ muốn gửi gắm. Ở đó, ta thấy được sự siêng năng, vâng lời mẹ cha của những đứa trẻ. Ở đó, ta cũng thấy được sự cố gắng, tươm tất, công việc chu toàn của những người làm cha mẹ. Ta cũng thấy ở đó, một gia đình ấm áp tình thân, mẹ cha tảo tần, con cái thảo hiền. Đặc biệt, ta cảm nhận được rất sâu sắc rằng, Tết dù nghèo nhưng ấm áp vô cùng, ấm tình thương mến thương của gia đình.

Với thể thơ tự do, lời thơ giản dị, hình ảnh thơ đầy sức gợi, nhà thơ Lê Văn Vỵ đã dẫn đưa chúng ta đi vào mạch cảm xúc khá đặc biệt về Tết. Độc giả không khỏi có chút ngậm ngùi về một cái Tết nghèo của gia đình nông dân, nhưng quan trọng hơn, ta cảm nhận được cái ấm áp của tình thân trong đó. Chúng ta thấm thía hơn rằng, còn người, còn gia đình là còn Tết, còn niềm vui.

Nguyễn Thị Hà (Giáo viên Trường THCS Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-tet-ngheo-nhung-am-tinh-than-post716550.html
Zalo