Bài tập cho người mắc Hội chứng nghiện giật tóc
Các bài tập có thể giúp quản lý căng thẳng, kiểm soát các hành vi tiềm ẩn ở người mắc Hội chứng nghiện giật tóc, từ đó giúp hỗ trợ điều trị bệnh.
1. Tác dụng của các bài tập với người mắc Hội chứng nghiện giật tóc
Hội chứng nghiện giật tóc là một rối loạn kiểm soát xung động thường do các nguyên nhân rối loạn tâm lý, lo lắng thường xuyên, căng thẳng, áp lực… gây nên. Người mắc Hội chứng nghiện giật tóc thường xuyên phải bứt lông hay tóc ra khỏi các vùng như da đầu, lông mày, lông mi, ảnh hưởng đến ngoại hình, khả năng làm việc của người bệnh.
Nặng hơn, Hội chứng nghiện giật tóc có thể dẫn đến những hậu quả như nhiễm trùng, tổn thương da, có thể ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân, dẫn đến tình trạng tránh giao tiếp xã hội. Người mắc Hội chứng nghiện giật tóc thường cảm thấy căng thẳng hoặc lo âu trước khi giật tóc và hành động giật tóc được sử dụng như một cách giải tỏa.
Việc thực hiện các bài tập giúp người bệnh:
- Thư giãn: Một số bài tập như bài tập thở sâu, thư giãn cơ hoặc yoga giúp cơ thể thư giãn, giảm mức độ kích thích cảm xúc, hạn chế nhu cầu tìm đến hành vi giật tóc để giải tỏa.
- Làm gián đoạn thói quen giật tóc: Các bài tập thay thế hành vi giật tóc, làm gián đoạn thói quen xấu và hình thành thói quen mới không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Nâng cao ý thức: Nhiều người mắc Hội chứng nghiện giật tóc không nhận ra khi nào và tại sao họ giật tóc, nên các bài tập giúp nâng cao ý thức là bước quan trọng để kiểm soát hành vi.
Các bài tập vận động thể chất một mặt giúp kiểm soát hành vi, mặt khác lại giúp cải thiện trạng thái tinh thần và sức khỏe cơ thể, giảm căng thẳng và tạo cảm giác hạnh phúc; tạo cơ hội cho tóc mọc lại và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của hội chứng như rụng tóc từng mảng hoặc viêm da đầu…
2. Một số bài tập cho người mắc Hội chứng nghiện giật tóc
2.1. Bài tập hít thở sâu
Người bệnh nhẹ nhàng, từ từ hít vào sâu, giữ hơi thở rồi sau đó lại nhẹ nhàng thở ra từ từ. Khi tập thở, người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể được thả lỏng, từ đó đạt được trạng thái thư giãn cơ thể.
Trên người bệnh mắc Hội chứng nghiện giật tóc, bài tập hít thở sâu có thể được phối hợp cùng bài tập thư giãn cơ tiến triển bằng cách siết chặt từng nhóm cơ ở tay, chân, vai trong vài giây, rồi thả lỏng ra từ từ theo nhịp điệu hơi thở. Điều này sẽ tăng cường tác dụng thư giãn cơ thể, giảm sự thôi thúc giật tóc của người bệnh.
2.2. Bài tập thiền định
Người bệnh ngồi yên, tập trung vào hơi thở hoặc lặp lại một từ, một câu ngắn có nội dung tích cực. Bài tập này cũng có thể tiến hành kết hợp với bài tập hít thở sâu, vừa giúp thư giãn cơ thể, vừa giúp rèn luyện sự tập trung, từ đó hỗ trợ giảm khả năng tái phát hành vi giật tóc.
2.3. Bài tập thay thế hành vi cho người mắc Hội chứng nghiện giật tóc
Người bệnh mắc Hội chứng nghiện giật tóc có thể thực hiện bài tập thay thế hành vi nhằm tạo thói quen mới thay vì giật tóc. Khi cảm thấy muốn giật tóc, hãy thay thế hành động giật tóc bằng việc bóp quả bóng cao su, chơi với các đồ vật có kết cấu đặc biệt như slime, xoắn dây cao su quanh ngón tay hoặc đơn giản là nắm chặt tay và không duỗi bàn tay dùng để giật tóc để hạn chế hành vi giật tóc.
2.4. Bài tập tăng cường nhận thức
Người bệnh có thể ngồi trước gương mỗi khi có cảm giác muốn giật tóc, giúp tăng cường ý thức về hành động, từ đó giảm tần suất giật tóc của người bệnh.
Bên cạnh đó, để tăng cường nhận thức người bệnh cũng nên có thói quen ghi chép cảm xúc là lý do của mỗi lần muốn giật tóc. Nhận thức được các nguyên nhân như lo lắng, áp lực, buồn chán, mệt mỏi… cũng giúp người bệnh cải thiện hành vi của mình.
2.5. Bài tập rèn luyện sự tập trung
Bên cạnh bài tập thiền định ở trên, người mắc Hội chứng nghiện giật tóc cũng có thể tập các bài tập rèn luyện sự tập trung khác như chơi ghép hình, Sudoku, giải câu đố… Việc tập trung vào các hoạt động sáng tạo khác sẽ giúp chuyển hướng tâm trí, giảm sự thôi thúc thực hiện hành vi giật tóc.
2.6. Các bài tập vận động thể chất
Người mắc Hội chứng nghiện giật tóc có thể tham gia vào các hoạt động vận động thể chất như tập yoga, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đá bóng, các bài tập aerobic…
Khoa học đã chứng minh các hoạt động vận động thể chất giúp làm tăng nồng độ endorphin, một loại hormone giúp giảm căng thẳng và tạo cảm giác hạnh phúc, cải thiện tâm trạng, thông qua đó cũng có thể cải thiện tình trạng muốn giật tóc của người bệnh.
3. Một số lưu ý khi tập vận động ở người mắc Hội chứng nghiện giật tóc
Thời điểm tập tốt trong ngày: Người bệnh có thể lựa chọn bất kỳ khoảng thời gian nào trong ngày để thực hiện các bài tập thể chất. Tuy nhiên, không nên tập khi vừa ăn no hay quá đói hoặc ngay trước khi đi ngủ.
Với các bài tập thay thế hành vi, người bệnh cần luôn ghi nhớ và thực hiện ngay khi có biểu hiện giật tóc.
Cách tập không gây hại sức khỏe
Xây dựng thói quen: Bên cạnh các bài tập, người mắc Hội chứng nghiện giật tóc cũng cần xây dựng cho mình thói quen chăm sóc bản thân, chăm sóc tốt hơn cho tóc và da đầu. Chẳng hạn sử dụng mũ đội đầu hoặc quấn khăn lên đầu, sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc như dầu dưỡng hoặc mặt nạ tóc, một mặt tạo điều kiện cho tóc phục hồi, một mặt giúp bảo vệ tóc và giảm ý muốn giật tóc.
Lựa chọn bài tập phù hợp: Nên chọn các bài tập phù hợp với sở thích và khả năng của người bệnh. Người bệnh có thể mất động lực, thậm chí cảm thấy căng thẳng nếu bài tập quá khó hoặc không hứng thú. Do đó, cần chú ý đến trạng thái cảm xúc khi tập luyện, tránh các bài tập kích thích cảm xúc quá mức, vì trạng thái cảm xúc tiêu cực khi tập luyện có thể khiến hành vi giật tóc trở lại.
Không đặt mục tiêu quá cao: Các bài tập không mang lại hiệu quả tức thì trong việc kiểm soát hành vi, cần thời gian để phát huy tác dụng, vì vậy nên duy trì lịch tập đều đặn và ghi nhận những thay đổi tích cực nhỏ qua từng ngày. Việc đặt mục tiêu cao hoặc quá cứng nhắc cũng có thể gây căng thẳng, làm tăng nguy cơ tái phát hành vi giật tóc.
Tạo môi trường tập luyện phù hợp: Cần tạo cho người bệnh một môi trường luyện tập thoải mái, yên tĩnh, thoáng mát và không có các yếu tố gây phân tâm. Môi trường ồn ào, đông người hoặc nhiều yếu tố kích thích có thể khiến người bệnh khó tập trung và cảm thấy bất an.
Ngừng tập nếu cảm thấy căng thẳng, thay vào đó là thư giãn hoặc trò chuyện với người thân để trấn an. Nếu người bệnh cảm thấy căng thẳng tăng lên khi tập hoặc không thấy hiệu quả, cần có sự can thiệp từ chuyên gia.
Mời bạn xem tiếp video: