Bài tập cho người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann

Người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann tuy có những yếu tố làm ảnh hưởng đến khả năng vận động, thăng bằng và phối hợp động tác, nhưng vẫn có thể thực hiện các bài tập vận động nếu được hướng dẫn đúng cách.

1. Vai trò của các bài tập vận động đối với người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann

NỘI DUNG:

1. Vai trò của các bài tập vận động đối với người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann

2. Các bài tập cho người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann

2.1 Các bài tập vận động cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

2.2 Các bài tập vận động cho trẻ lớn và người trưởng thành

3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann

Hội chứng Beckwith Wiedemann là một rối loạn điều hòa tăng trưởng dẫn đến tăng trưởng quá mức. Người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann có các đặc điểm như phì đại cơ thể, lưỡi to, thoát vị rốn hoặc hở thành bụng, bất thường về một bên cơ thể, có nguy cơ ung thư cao đặc biệt là khối u Wilms, u nguyên bào gan.

Các bài tập vận động giúp người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann cải thiện thăng bằng và điều hòa vận động, giảm tác động xấu của tình trạng bất đối xứng cơ thể.

Các bài tập giúp người bệnh tăng cường sức mạnh cơ bắp, phòng ngừa biến chứng về khớp và cột sống. Người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann thông qua các bài tập có thể cải thiện kỹ năng vận động tinh, điều này hết sức quan trọng với trẻ nhỏ trong các hoạt động hằng ngày.

Các bài tập giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và hô hấp, đặc biệt ở những người có vấn đề đường hô hấp do lưỡi to; giúp trẻ mắc hội chứng Beckwith Wiedemann tự tin hơn khi tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ trẻ phát triển nhận thức và tâm lý.

Trẻ mắc hội chứng Beckwith Wiedemann có thể có lưỡi to, phì đại cơ thể...

Trẻ mắc hội chứng Beckwith Wiedemann có thể có lưỡi to, phì đại cơ thể...

2. Các bài tập cho người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann

2.1 Các bài tập vận động cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

- Bài tập nâng và kiểm soát cổ: Đây là bài tập giúp trẻ trong giai đoạn chuẩn bị tập đi (từ 3-12 tháng tuổi) tăng cường cơ cổ, lưng, hỗ trợ kiểm soát đầu. Đặt trẻ nằm sấp, dùng đồ chơi để thu hút trẻ nâng đầu, giữ tư thế trong 10-15 giây.

Bài tập nâng và kiểm soát cổ cho trẻ mắc hội chứng Beckwith Wiedemann

Bài tập nâng và kiểm soát cổ cho trẻ mắc hội chứng Beckwith Wiedemann

- Bài tập lăn người: Bài tập này cũng phù hợp với trẻ trong giai đoạn chuẩn bị tập đi, giúp trẻ cải thiện khả năng phối hợp thân mình, sẵn sàng cho việc bò và đi. Đặt trẻ nằm ngửa, dùng đồ chơi kích thích để trẻ lăn sang một bên. Có thể hỗ trợ nhẹ nếu trẻ chưa tự xoay được, thực hiện 5-10 lần mỗi ngày.

- Bài tập đứng và giữ thăng bằng: Đây là bài tập thích hợp với trẻ 6-10 tháng tuổi, giúp phát triển cơ chân và làm quen với trọng lượng cơ thể. Đặt trẻ đứng trên mặt phẳng cứng, hỗ trợ bằng tay hoặc dùng thanh vịn giữ tư thế trong 10-30 giây.

- Bài tập đứng một chân: Bài tập này dành cho trẻ ở giai đoạn 10-18 tháng tuổi, sau khi đã tập đứng, giúp trẻ cải thiện khả năng thăng bằng. Giữ hai tay trẻ, giúp trẻ nâng một chân lên vài giây, sau đó đổi bên.

Bài tập hỗ trợ trẻ mắc hội chứng Beckwith Wiedemann nâng chân, cải thiện giữ thăng bằng.

Bài tập hỗ trợ trẻ mắc hội chứng Beckwith Wiedemann nâng chân, cải thiện giữ thăng bằng.

- Bài tập bước đi có hỗ trợ: Bài tập này có tác dụng giúp trẻ làm quen với việc di chuyển. Giữ hai tay hoặc dùng xe tập đi chuyên dụng, khuyến khích trẻ bước từng bước chậm rãi.

- Bài tập đi trên các bề mặt khác nhau: Bài tập này sẽ giúp trẻ cải thiện phản xạ và tăng cường khả năng kiểm soát bàn chân. Sau khi trẻ đã biết đi, để trẻ đi trên các bề mặt khác nhau như thảm, sàn gỗ, cỏ… để cảm nhận sự khác biệt.

2.2 Các bài tập vận động cho trẻ lớn và người trưởng thành

- Bài tập đi ngang: Bài tập đi ngang sẽ giúp người bệnh cải thiện sự linh hoạt của hông, hỗ trợ kiểm soát dáng đi. Người bệnh đứng thẳng, bước ngang sang trái 10 bước, rồi sang phải 10 bước.

- Bài tập nâng gối cao: Đây là bài tập giúp người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann tăng cường kiểm soát chân là sức mạnh cơ đùi. Người bệnh đứng thẳng, nâng đầu gối lên ngang hông rồi hạ xuống, thực hiện 10-15 lần mỗi chân.

Bài tập nâng đầu gối cho người trưởng thành mắc hội chứng Beckwith Wiedemann.

Bài tập nâng đầu gối cho người trưởng thành mắc hội chứng Beckwith Wiedemann.

- Bài tập đi bộ trên địa hình không bằng phẳng: Đi bộ trên bãi cát, thảm cỏ, hoặc đường mấp mô giúp cải thiện phản xạ thăng bằng và độ linh hoạt bàn chân.

- Bài tập đi lùi: Bài tập đi lùi giúp người bệnh rèn luyện khả năng phối hợp và kiểm soát cơ thể. Đi lùi từng bước chậm rãi trong không gian an toàn và có người hỗ trợ nếu cần.

- Bài tập đi với tạ nhẹ: Người bệnh đeo tạ nhẹ (khoảng 0.5-1kg) ở mắt cá chân và đi bộ chậm rãi; có thể thay tạ bằng những vật như túi cát nhỏ nếu điều kiện không cho phép. Đi bộ với tạ nhẹ đeo ở chân một mặt giúp người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann tăng cường sức mạnh cơ chân, một mặt giúp ổn định dáng đi.

Đeo tạ nhẹ và đi bộ chậm rãi giúp ổn định dáng đi.

Đeo tạ nhẹ và đi bộ chậm rãi giúp ổn định dáng đi.

- Các bài tập bơi lội, yoga pilates: Tùy theo tình trạng sức khỏe cụ thể mà người bệnh có thể thực hiện các bài tập bơi lội, yoga pilates nhẹ nhàng. Các bài tập này nên được thiết kế bởi các chuyên gia và có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình tập luyện giúp rèn luyện cơ thể mà không gây chấn thương.

3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann

- Cần tham khảo bác sĩ chuyên khoa để đánh giá tình trạng xương khớp, cơ bắp và hệ hô hấp trước khi bắt đầu tập vận động.

- Nên tập trung vào các bài tập cải thiện khả năng kiểm soát cơ thể và thăng bằng, tránh các bài tập có cường độ cao hoặc tác động mạnh. Không tập khi bị sốt, viêm nhiễm hoặc có các dấu hiệu bất thường ở hệ tim mạch, hô hấp.

- Cần lưu ý một số đặc điểm của người mắc hội chứng Beckwith Wiedemann như lưỡi to, thoát vị rốn, thoát vị thành bụng, bất đối xứng cơ thể để thiết kế các bài tập và tư thế tập phù hợp.

- Trong quá trình tập vận động đồng thời cần kiểm soát các nguy cơ biến dạng cột sống và khớp ở người bệnh, chú ý đến các chức năng tim mạch và hô hấp, kiểm tra và theo dõi nguy cơ khối u.

- Luôn khởi động đầy đủ trước mỗi lần tập vận động và duy trì tư thế đúng trong suốt quá trình tập. Không thực hiện các bài tập tác động mạnh lên khớp như bật nhảy liên tục, nhảy cao, chạy nhanh…

- Lựa chọn thời gian tập phù hợp với lịch trình của cá nhân. Nên tập luyện đều đặn vào một thời điểm cố định trong ngày để tạo thành thói quen và cải thiện sức khỏe lâu dài.

- Nếu xuất hiện các cơn đau bất thường, mệt mỏi quá mức hoặc khó thở cần dừng tập và báo ngay cho bác sĩ điều trị.

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-mac-hoi-chung-beckwith-wiedemann-169250410161852847.htm
Zalo