Bài tập cho người bị giãn tĩnh mạch chân

Đối với người bị giãn tĩnh mạch chân, thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, làm giảm triệu chứng và nhiều lợi ích khác...

Nội dung

1. Vai trò của tập luyện với người bị giãn tĩnh mạch chân

2. Các bài tập tốt cho người giãn tĩnh mạch chân

2.1 Các tư thế yoga

2.2. Bài tập khác cho người bệnh giãn tĩnh mạch chân

3. Những lưu ý dành cho người bị giãn tĩnh mạch chân khi tập luyện

1. Vai trò của tập luyện với người bị giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động, biến dạng tổ chức mô xung quanh.

Giãn tĩnh mạch chân có các triệu chứng nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm...

Tập luyện giúp người bệnh:

- Tăng cường lưu thông máu: Khi vận động, các cơ bắp chân co bóp, hoạt động như một "máy bơm" đẩy máu từ chân về tim, giảm tình trạng ứ trệ máu trong tĩnh mạch, từ đó giảm phù nề, nặng chân, chuột rút do máu ứ đọng.

- Cải thiện sức bền thành mạch: Tập luyện nhẹ nhàng giúp tăng độ đàn hồi của thành mạch, ngăn tĩnh mạch giãn thêm, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

- Giảm áp lực lên tĩnh mạch: Tập luyện giúp đốt cháy mỡ thừa, giảm áp lực lên hệ tĩnh mạch chân.

- Ngăn ngừa biến chứng: Vận động thường xuyên giúp giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và viêm tĩnh mạch, phòng tránh tắc mạch, loét chân do suy tĩnh mạch mạn tính.

2. Các bài tập tốt cho người giãn tĩnh mạch chân

2.1Các tư thế yoga

- Tư thế con thuyền

Tư thế con thuyền giảm áp lực lên tĩnh mạch, lượng máu ứ đọng trong tĩnh mạch sẽ được kích thích lưu thông, đưa trở lại hệ tuần hoàn, từ đó cải thiện các tĩnh mạch đang bị suy yếu.

Cách thực hiện:

Đầu tiên, người tập ngồi ở trên thảm, giữ thẳng lưng, hai chân hơi gấp tự nhiên, lòng bàn chân chạm sàn.
Từ từ siết cơ bụng, kéo chân về phía bụng sao cho gót chân hơi nhón đồng thời đẩy ngực về phía trước, hai tay đặt dưới đùi.
Từ từ nâng chân trái lên trước, sau đó nâng tiếp chân phải sao cho hai cẳng chân song song với mặt sàn. Các vị trí khác của cơ thể vẫn giữ nguyên trạng thái.
Từ từ duỗi thẳng chân lên cao, sao cho hai chân tạo với mặt mặt sàn một góc khoảng 45 độ. Thả hai tay khỏi đùi, sau đó duỗi thẳng tay về phía trước, duy trì tư thế khoảng 30 giây.
Hạ chân xuống thảm rồi từ từ đưa cơ thể trở về tư thế ban đầu.

Tư thế con thuyền kích thích lưu thông máu, tốt cho người bệnh giãn tĩnh mạch chân.

Tư thế con thuyền kích thích lưu thông máu, tốt cho người bệnh giãn tĩnh mạch chân.

- Tư thế gác chân lên tường

Tư thế này giúp tăng lưu thông máu, đồng thời giảm áp lực lên tĩnh mạch, giúp cải thiện các triệu chứng đau nhức, nặng mỏi, căng tức ở chân.

Cách thực hiện:

Người bệnh bắt đầu với tư thế nằm ngửa, hít thở đều.
Từ từ di chuyển cơ thể và đưa chân lên cao sao cho hai mặt sau của chân áp sát vào tường, lòng bàn chân hướng lên trên.
Phần mông có thể đặt sát tường hoặc cách một chút sao cho người tập thấy thoải mái.
Thả lỏng cơ thể, hít vào thở ra nhịp nhàng.
Duy trì tư thế trong ít nhất nhất 5 phút rồi từ từ hạ chân, trở về tư thế ban đầu.

Tư thế gác chân lên tường tốt cho người bệnh giãn tĩnh mạch chân.

Tư thế gác chân lên tường tốt cho người bệnh giãn tĩnh mạch chân.

- Tư thế xả hơi

Tư thế xả hơi giúp thúc đẩy máu ứ đọng trong tĩnh mạch trở lại hệ tuần hoàn, đồng thời giúp thả lỏng các cơ – khớp ở hông và đầu gối. Tư thế xả hơi cũng giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu.

Cách thực hiện:

Đầu tiên, người tập nằm ngửa trên thảm, thả lỏng cơ thể, hít thở nhịp nhàng.
Từ từ hít vào co gối gập chân phải, sau đó dùng hai tay ôm lấy đầu gối.
Nhẹ nhàng thở ra đồng thời nâng cao đầu lên để trán chạm vào đầu gối, duy trì tư thế trong 5 nhịp hít thở sâu.
Hạ thấp đầu, tháo tay, hạ chân xuống trở về tư thế ban đầu.
Thực hiện tương tự với chân còn lại.

Cách thực hiện tư thế xả hơi cho người bệnh giãn tĩnh mạch chân.

Cách thực hiện tư thế xả hơi cho người bệnh giãn tĩnh mạch chân.

- Tư thế chiến binh II

Tư thế chiến binh II giúp tăng cường sức mạnh cho chân và thúc đẩy tuần hoàn máu tốt hơn.

Cách thực hiện:

Đứng thẳng, bước một chân về phía trước, tạo khoảng cách rộng giữa hai chân, hướng bàn chân về phía trước.
Chân trước gập lại, đầu gối vuông góc, chân sau duỗi thẳng, xoay ngang bàn chân.
Giơ hai tay ngang vai, mắt nhìn theo tay trước.
Giữ tư thế này trong vài nhịp thở và đổi bên

Cách thực hiện tư thế chiến binh II.

Cách thực hiện tư thế chiến binh II.

2.2. Các bài tập khác cho người bệnh giãn tĩnh mạch chân

Bài tập nhón gót:Bài tập nhằm mục đích tăng cường cơ ở bắp chân, ngăn ngừa phát sinh giãn tĩnh mạch ở các vị trí mới và làm giảm tình trạng giãn tĩnh mạch ở những vị trí trí cũ.

Cách thực hiện:

Đứng ở tư thế bình thường, nhón gót, dồn trọng tâm vào các ngón chân khi đứng.
Giữ nguyên tư thế trong vòng 15 nhịp đếm, hạ gót chân, trở về tư thế đứng bình thường ban đầu.
Thực hiện 20 lần.

Đạp xe trên không:Đây là bài tập tác động tích cực đến lưu thông máu tổng thể cơ thể, hạn chế cục máu đông.

Cách thực hiện:

Nằm ngửa, nâng cả hai chân lên cao, gập đầu gối ở góc 60 độ, đẩy một chân về phía trước rồi thu chân lại với chuyển động tròn.
Lặp lại với chân bên kia, tưởng tượng như đang đạp xe trên không. Thực hiện 25-30 lần.

Nâng chân vuông góc:Bài tập này giúp giảm áp lực máu ở tĩnh mạch chân cho người bị giãn tĩnh mạch chân

Cách thực hiện:

Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, hai tay đặt xuôi theo thân, giơ một chân cao lên thẳng đứng, tạo góc vuông so với mặt phẳng sàn (hoặc giơ chân lên cao nhất có thể).
Duy trì tư thế trong 15 giây, dùng tay đỡ hông nếu cần, hạ chân xuống để trở về tư thế cũ.

Xoay cổ chân:Đây là một bài tập có thể giúp cải thiện linh hoạt và sự co bóp của các khớp cổ chân, đồng thời giúp tăng cường sức cơ vùng cẳng chân cho người bị giãn tĩnh mạch chân.

Cách thực hiện:

Ngồi hoặc nằm thoải mái trên một chiếc ghế hoặc giường.
Nâng chân phải, đặt lên đùi chân trái, dùng tay trái nắm lấy bàn chân phải và tiến hành xoay cổ chân theo một hình tròn, nhẹ và điều chỉnh kích thước hình tròn dựa trên sự thoải mái của cơ thể.
Xoay chân theo hướng kim đồng hồ trong khoảng 10-15 lần, sau đó xoay ngược chiều kim đồng hồ 10-15 lần.
Sau khi hoàn thành với chân phải, chuyển sang chân trái và lặp lại quy trình tương tự.

3. Những lưu ý dành cho người bị giãn tĩnh mạch chân khi tập luyện

Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng lúc 6-7h tránh lạnh, tránh tập đêm khuya gây mất ngủ, nên thực hiện từ 20 đến 40 phút một ngày.

Trong giai đoạn bệnh cấp tính bệnh nhân đau nhức, sưng nề chân không được tập luyện vì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi bệnh điều trị ổn định bắt đầu tập, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi tập.

Cách tập không gây hại sức khỏe:

Chọn bài tập phù hợp khởi động kỹ, cường độ tập tăng dần, tránh tập mạnh gây đau, thả lỏng sau tập.
Tập trong môi trường thông thoáng sạch sẽ, uống đủ nước.
Khi triệu chứng như khó thở, mệt mỏi đau nhức khớp háng tăng lên thì ngừng tập.
Tránh xa chất kích thích, rượu, thuốc lá, cà phê đồng thời cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Mời bạn xem tiếp video:

Những lưu ý sau khi can thiệp suy giãn tĩnh mạch để đảm bảo kết quả | SKĐS

BS. Vũ Duy Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-bi-gian-tinh-mach-chan-169250423160235971.htm
Zalo