Thành lập thành phố Hoa Lư-Bước phát triển vượt bậc, dấu mốc đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ (*)

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ.

Kính thưa đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam!

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Kính thưa đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình!

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!

Kính thưa toàn thể Nhân dân!

Hôm nay, trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), mừng Xuân Ất Tỵ và hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; phấn khởi và tự hào sâu sắc về những thành tựu đã đạt được của quê hương, đất nước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ công bố thành lập thành phố Hoa Lư và công nhận thành phố Hoa Lư đạt tiêu chí đô thị loại I.

Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các bậc Lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí lãnh đạo các ban, ủy ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo các địa phương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và thành phố Hoa Lư; các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!

Kính thưa các đồng chí, cùng toàn thể Nhân dân!

Hoa Lư - Ninh Bình là mảnh đất tươi đẹp, có bề dày văn hóa - lịch sử và truyền thống cách mạng. Từ hơn 30 ngàn năm trước, đã được người tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống.

Trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi đây luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những cuộc trường chinh vào Nam, ra Bắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của người Việt. Thế kỷ X, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, gắn với 3 triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, trang sử độc lập, thống nhất, tự cường. Đến nay, nơi đây còn lưu giữ những trầm tích lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc sắc riêng có, cùng vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên, với giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, cùng gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể, phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Hoa Lư - Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay.

Nhân dân Hoa Lư - Ninh Bình có truyền thống đoàn kết, yêu nước, đấu tranh kiên cường, cần cù, năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; ngay từ thế kỷ thứ nhất đã tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách thống trị của phong kiến phương Bắc; đến thế kỷ thứ X, nông dân nơi đây đã gia nhập nghĩa quân của Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, mở xưng Hoàng đế, lập nên nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta. Thời Vua Lê Đại Hành, đây là nơi khởi phát các quyết định lịch sử chống quân xâm lược Tống, giữ vững nền độc lập của dân tộc, mở mang bờ cõi, xây dựng quốc gia hưng thịnh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển rực rỡ của các thể chế Nhà nước phong kiến các giai đoạn tiếp sau.

Hoa Lư - Ninh Bình là nơi có cơ sở đảng sớm so với nhiều địa phương khác trong tỉnh. Từ khi có Đảng, Nhân dân Hoa Lư - Ninh Bình đã luôn tin yêu một lòng theo Đảng, theo Bác, nêu cao tinh thần yêu nước, với tinh thần “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cùng với nhân dân cả nước hăng hái tham gia các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến kiến quốc, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ nền độc lập và thành quả cách mạng, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương, đất nước và đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1977, Hội đồng Chính phủ quyết định sáp nhập huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình thành huyện Hoa Lư. Đã có thời gian 5 năm, thị xã Ninh Bình là thị trấn huyện lỵ; gặp nhiều khó khăn, quy mô nhỏ bé, diện tích chưa đầy 9km2 và dân số hơn 3 vạn người, cảnh quan đô thị nghèo nàn, hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, trường học, trạm xá, điện nước sinh hoạt còn thiếu thốn, đời sống Nhân dân rất khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII (tháng 12 năm 1991), tỉnh Ninh Bình được tái lập, ngày 01/4/1992, thị xã Ninh Bình chính thức trở lại vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Sự kiện này cùng với công cuộc đổi mới của Đảng đã tạo ra thời cơ và vận hội mới để thị xã Ninh Bình phát triển đi lên.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha anh và các thế hệ đi trước, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân thành phố đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các địa phương bạn; luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy tiềm năng, lợi thế, trí tuệ và sức sáng tạo trong Nhân dân. Sau gần 40 năm đổi mới và hơn 32 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, thành phố Ninh Bình đã được mở rộng quy mô cả về diện tích và dân số. Tháng 12/2005, thị xã Ninh Bình được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III, đến tháng 02/2007 được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh và đến tháng 05/2014 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Trong quá trình phát triển, tỉnh Ninh Bình đã sớm nhận diện và kiên định mục tiêu phát triển dựa trên phát huy giá trị đặc sắc riêng có về văn hóa - lịch sử, tự nhiên sinh thái, kiên trì giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị di sản; tập trung phát triển thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư trở thành đô thị trung tâm, hạt nhân cho đô thị toàn tỉnh với đặc trưng riêng. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm toàn bộ thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, cùng một số xã lân cận. Ngày 31/10/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 12 về phát triển thành phố Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó thống nhất việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, toàn diện để xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tập trung cụ thể hóa, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đô thị gắn với bảo tồn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Cố đô giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp. Kiến trúc, cảnh quan, môi trường, diện mạo đô thị có nhiều đổi mới. Cơ sở vật chất các trường học, chất lượng giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư và nâng cao; dịch vụ phát triển đa dạng, nhất là dịch vụ du lịch với các sản phẩm khác biệt, đẳng cấp, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, đổi mới sáng tạo. Văn hóa - xã hội được quan tâm và phát triển toàn diện; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt. An ninh, quốc phòng được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!

Kính thưa các đồng chí, cùng toàn thể Nhân dân!

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỉnh Ninh Bình đã tập trung, quyết tâm triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 cùng với thúc đẩy phát triển đô thị di sản. Được sự quan tâm, hướng dẫn của các bộ, ban, ủy ban, ngành Trung ương; sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; cùng với sự đồng thuận, thống nhất, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, ngày 10/12/2024, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1318 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025; trong đó thành phố Hoa Lư được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1516, công nhận thành phố Hoa Lư đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Đây là mốc son đặc biệt quan trọng đối với thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển, khẳng định tầm vóc và vị thế mới của đô thị di sản, với vai trò trung tâm, là động lực phát triển của toàn tỉnh; đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Hoa Lư nói riêng; cũng là dấu mốc đặc biệt quan trọng để thực hiện nhiệm vụ “hồi sinh” phát triển đô thị cố đô di sản; tạo động lực để chúng ta tiếp tục thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ kế thừa, gìn giữ, quảng bá, lan tỏa giá trị đặc sắc Cố đô, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản văn hóa - lịch sử, xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế, hạt nhân quan trọng thúc đẩy, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc.

Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các vị đại biểu, khách quý và toàn thể Nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Tôi xin được trân trọng cảm ơn!

Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bai-phat-bieu-cua-dong-chi-pham-quang-ngoc-pho-bi-thu-tinh-409095.htm
Zalo