Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54: Khi đại dương lên tiếng

Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54 đã thu hút nhiều học sinh tham gia. Chủ đề hóa thân thành đại dương thách thức không ít người viết. VietNamNet xin giới thiệu bài mẫu, độc giả có thể tham khảo.

Năm 2025, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó, giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”. Tiếng Anh là: “Imagine you are the ocean. Write a letter to someone explaining why and how they should take good care of you”.
Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54:

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54:

Chào bạn, tôi là đại dương!

Nỗi lo lắng đã thôi thúc tôi cầm bút viết cho bạn những dòng này. Tôi nghĩ rằng nếu không lên tiếng hoặc sự lên tiếng chậm trễ sẽ kéo theo nhiều hậu quả khôn lường.

Bạn thân mến, đại dương là môi trường sống của toàn nhân loại và san hô trong lòng tôi được xem là “mái nhà” của hàng ngàn sinh vật biển. Rạn san hô cũng là những cảnh quan tự nhiên đặc sắc vô cùng kỳ thú dưới đáy biển, là tiềm năng cho phát triển du lịch... Tuy nhiên, hàng loạt rạn san hô đang bị đe dọa và nhiều vùng đang trong tình trạng nguy cấp. Điều này khiến tôi vô cùng bất an.

Ngày 30/5/2024, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo thông tin một phần diện tích san hô tại các vùng biển như Vịnh Côn Sơn, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau... đang gặp tình trạng tẩy trắng và chết với tỷ lệ đáng báo động. Đây là hậu quả của việc nhiệt độ nước biển gia tăng bất thường vượt ngưỡng 30 độ C, dẫn đến tảo cộng sinh trong san hô rời khỏi cơ thể san hô, làm cho khung xương san hô bị mất màu.

Trước đó, vào tháng 3/2022, nhiều du khách sau khi tham gia dịch vụ lặn biển ngắm san hô tại điểm du lịch dã ngoại biển đảo kỳ thú Hòn Sẹo ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn cũng bất ngờ bởi rạn san hô ở khu vực này gần như vắng bóng. Vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy, tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%.

Hiện trạng này bị tác động bởi nhiều yếu tố. Trong đó, các yếu tố như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hệ sinh thái.

Ngoài tác động của thiên nhiên, thật buồn việc làm của một số cá nhân có ý thức chưa cao cũng góp phần làm cho san hô bị tổn hại.

Bạn biết đấy vùng biển Việt Nam có rất nhiều khu vực san hô sinh sống và phát triển là những điểm đến hấp dẫn du khách yêu lặn biển. Nhiều người dân và du khách đã đến ngắm san hô, chơi đùa gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, rạn san hô ở khu vực này. Không những vậy, một số du khách còn bẻ san hô, lấy san hô lên khỏi mặt nước để quay phim, chụp ảnh. Đáng buồn hơn, một bộ phận người dân còn dùng san hô làm quà lưu niệm bán cho du khách. Các hành vi mua bán trên đã thúc đẩy việc tàn phá hệ sinh thái này.

Và hậu quả, bạn và tôi cũng đều đã thấy, khiến cho chúng ta không thể ngồi im. Tháng 6/2024 vừa qua, Côn Đảo dừng bơi lội và lặn biển ngắm san hô ở nhiều nơi sau khi các rạn san hô bị tẩy trắng do tác động của El Nino.

Trước đó, vào tháng 6/2022, sau khi phát hiện các rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun bị suy giảm nghiêm trọng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động lặn biển ở khu vực này để phục hồi rạn san hô.

Họ cũng đã có những hành động để bảo vệ san hô. Cụ thể, khi du khách lặn ngắm san hô, các thợ lặn luôn nhắc nhở khách không chạm tay, không tác động tới rạn san hô, tránh làm gãy các nhánh san hô.

Ngoài ra trước khi lặn biển, du khách cũng được hướng dẫn chú ý bảo vệ môi trường biển. Các loại mỹ phẩm như kem chống nắng có các chất gây hại sẽ gây nên hiện tượng "tẩy trắng" san hô cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến da và vỏ của các loài sinh vật biển khác cũng được công ty khuyến khích khách không sử dụng.

Đặc biệt tại Nha Trang không chỉ dừng ở việc lặn biển, nhiều du khách còn tham gia trải nghiệm nhặt rác dưới biển, gỡ lưới bám lên các rạn san hô, sinh vật biển… Chính những việc làm này đã giúp rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và Hòn Chồng nhanh chóng phục hồi.

Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô khu vực này, bao gồm: thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ, cảnh báo bảo vệ rạn san hô.

Hệ thống phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô còn tốt, cần được bảo vệ như khu vực Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng và Cát Dứa. Hàng chục quả phao đã được thả tại khu vực nói trên.

Việc thả phao đã góp phần xác định rõ các khu vực phân bố của rạn san hô, giúp các phương tiện khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch có thể xác định được ranh giới vùng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và tránh đi lại trong khu vực này.

Mọi người đã hành động bảo vệ san hô, bảo vệ đại dương, còn bạn, bạn đã làm gì để bảo vệ môi trường sống của chúng ta?

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bai-mau-viet-thu-upu-lan-thu-54-khi-dai-duong-len-tieng-2368834.html
Zalo