Bài mẫu viết thư UPU lần 53: Mong thế giới bạn kế thừa không còn nạn phá rừng

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 với chủ đề 'gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa'.

Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPUcó chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".

Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53.

… Ngày… tháng… năm

Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!

Tôi đang viết bức thư này vào năm 2024, sau 150 năm kể từ khi Liên Hiệp Bưu chính Thế giới (UPU) được thành lập. Thời gian gần đây, tôi nghe nhiều về việc tài nguyên rừng đang dần bị phá hủy.

Rừng là yếu tố quan trọng nhất của sinh quyển và có ý nghĩa lớn trong cuộc sống của con người. Rừng giúp bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai… Đặc biệt, rừng còn đóng vai trò trong công tác bảo tồn thiên nhiên, là “ngôi nhà” của những loài động vật quý hiếm.

Thế nhưng, “nguồn tài nguyên xanh của thế giới” ấy đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng, sự “lạm dụng quá mức” của con người và sự khắc nghiệt của khí hậu.

Bạn biết không, Trái đất của chúng ta đang nóng lên do sự tác động mạnh mẽ của con người. Điều này đồng nghĩa với việc số vụ cháy rừng đang ngày càng tăng. Ngày 28/2/2024, tại Úc, nhà chức trách đã yêu cầu khoảng 30.000 người dân ở bang Victoria sơ tán do lo sợ thời tiết nắng gay gắt ở bang này có thể khiến cháy rừng lan rộng hơn nữa.

Úc cũng đang phải đối mặt với một trong những mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất kể từ thảm họa năm 2019-2020. “Mùa hè đen” đã tàn phá nhiều khu rừng phía Đông đất nước, làm chết hàng triệu động vật và khói độc hại bao phủ toàn thành phố.

Tại Việt Nam, tài nguyên rừng đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng khai thác, chặt phá rừng vẫn còn diễn ra. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 22.800 ha, bao gồm 13.700 ha rừng bị cháy, còn lại do chặt phá trái phép. Tại các tỉnh Tây Nguyên ở Việt Nam, trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, có tới 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, 9.898m3 gỗ đã bị tịch thu.

Thực trạng này thật đáng buồn. Nhiều người vẫn chỉ nghĩ tới những lợi ích trước mắt mà quên đi giá trị lâu dài mà rừng mang lại, vì thế vẫn đang từng ngày tự phá hủy đi môi trường xung quanh mình.

Nhưng tôi tin mọi thứ sẽ tích cực trở lại khi chính sách Tài nguyên và môi trường trên đất liền được Liên hợp quốc đưa ra trong 17 mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu này mong muốn các nước bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược suy thoái đất và ngăn chặn mất đa dạng sinh học.

Tôi mong ở thế giới bạn sống, Chính phủ sẽ quan tâm tới việc bảo vệ rừng nhiều hơn. Họ sẽ đề ra những chính sách hợp lý và hiệu quả để việc trồng rừng và phủ xanh đất trống đồi trọc được nhiều người đón nhận. Họ sẽ có những biện pháp mạnh mẽ xử lý những đối tượng khai thác rừng trái phép, phá hoại các rừng quốc gia và khu lưu trữ thiên nhiên.

Tôi cũng mong rằng bạn và mọi người sẽ tích cực trồng cây, luôn sẵn sàng tham gia các phong trào bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời sẵn sàng lên án mọi hành động phá hoại rừng, lấn chiếm và vận chuyển lâm sản trái phép.

Nhờ đó, bạn sẽ được sống trong một “thế giới xanh” và được hít thở bầu không khí trong lành. Tôi chúc bạn sẽ sống thật hạnh phúc và tận hưởng không gian xanh ấy. Hãy bảo vệ rừng không chỉ cho bạn, mà còn cho cả thế hệ tương lai nữa nhé!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bai-mau-viet-thu-upu-lan-53-mong-the-gioi-ban-ke-thua-khong-con-nan-pha-rung-2254925.html
Zalo