Peru tìm thấy hóa thạch tổ tiên 9 triệu tuổi của loài cá mập trắng lớn

Ngày 20/1, các nhà cổ sinh vật học Peru công bố hóa thạch 9 triệu năm tuổi của một loài họ hàng với cá mập trắng lớn từng sinh sống ở vùng biển phía Nam Thái Bình Dương.

Một phần hóa thạch 9 triệu năm tuổi của họ hàng loài cá mập trắng. (Nguồn: The Daily Star)

Một phần hóa thạch 9 triệu năm tuổi của họ hàng loài cá mập trắng. (Nguồn: The Daily Star)

Hóa thạch gần như hoàn chỉnh của Cosmopolitodus Hastalis được tìm thấy tại lưu vực thành phố Pisco, cách thủ đô Lima khoảng 235km về phía Nam. Đây là khu vực sa mạc khô cằn, nổi tiếng với việc thường xuyên phát hiện được các loài sinh vật biển cổ đại.

Các chuyên gia tin rằng, loài cá mập này là tổ tiên của cá mập trắng lớn ngày nay. Dù đã tuyệt chủng nhưng răng của loài này từng dài tới 8,9cm, trong khi một con cá mập trắng trưởng thành có thể dài tới gần 7m - tương đương với kích thước của một chiếc thuyền nhỏ.

Kỹ sư Cesar Augusto Chacaltana tại Viện Địa chất và khai thác mỏ Peru (INGEMMET) cho biết, hóa thạch của loài cá mập này thuộc mức độ đặc biệt.

Theo nhà cổ sinh vật học Mario Urbina, không có nhiều hóa thạch cá mập hoàn chỉnh trên thế giới, đồng thời cho biết thêm rằng, đã tìm thấy số lượng lớn cá mòi - món ưa thích và cũng là nguồn thức ăn chính của cá mập trắng - bên trong dạ dày hóa thạch.

Vào tháng 11/2024, các nhà cổ sinh vật học Peru tìm thấy hóa thạch của một con cá sấu non sống cách đây hơn 10 triệu năm ngoài khơi miền Trung Peru, nơi có thành phố Pisco và vùng nông nghiệp Ica.

Trước đó, hồi tháng 4/2024, các nhà nghiên cứu cũng trưng bày hộp sọ hóa thạch của loài cá heo sông lớn nhất được biết đến. Loài cá heo này từng sinh sống tại khu vực Amazon khoảng 16 triệu năm trước.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/peru-tim-thay-hoa-thach-to-tien-9-trieu-tuoi-cua-loai-ca-map-trang-lon-301816.html
Zalo