'Bài kiểm tra' 11 tiêu chí của Mỹ và khả năng đáp ứng của Việt Nam

Trong bối cảnh chính sách thuế đối ứng ngày càng gia tăng của Mỹ, Việt Nam trở thành một trong những đối tác được đàm phán sớm nhất. Tuy nhiên, một danh sách 11 tiêu chí được giới chuyên gia xem như 'bài kiểm tra' khá khắt khe cho các quốc gia muốn giữ vững quan hệ thương mại với Mỹ, bao gồm cả Việt Nam.

Đề dẫn về vấn đề này trong khuôn khổ webinar về “Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Giải pháp ứng phó trong năm 2025 của doanh nghiệp Việt Nam”, do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức sáng ngày 25/4, TS. Huỳnh Thế Du - Thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam cho biết, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent vừa đưa ra một đề xuất gây chú ý về cách Washington có thể sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán chiến lược.

“Bài kiểm tra” 11 tiêu chí khắt khe

Theo đó, các quốc gia sẽ được phân chia thành nhiều nhóm khác nhau, dựa trên một loạt tiêu chí như chính sách tiền tệ, các điều khoản trong hiệp định thương mại song phương, thỏa thuận an ninh, hệ giá trị và nhiều yếu tố khác. Mỗi nhóm sẽ phải chịu các mức thuế quan riêng biệt, và chính phủ Mỹ sẽ xác định rõ những hành động cụ thể mà một quốc gia cần thực hiện để chuyển nhóm.

Cách tiếp cận này được kỳ vọng sẽ biến thuế quan thành đòn bẩy để thúc đẩy các quốc gia khác đưa ra các cam kết thương mại và an ninh có lợi hơn cho Mỹ. Hoa Kỳ có thể khuyến khích các đối tác hướng đến nhóm có thuế quan thấp hơn, qua đó phân bổ lại gánh nặng toàn cầu một cách công bằng hơn.

TS. Huỳnh Thế Du điều phối chương trình

TS. Huỳnh Thế Du điều phối chương trình

TS. Du viện dẫn, theo đề xuất, Hoa Kỳ sẽ xem xét 11 tiêu chí để đánh giá và phân loại đối tác. Các câu hỏi đặt ra bao gồm: (1) Quốc gia này có áp dụng mức thuế quan tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ như cách Mỹ áp dụng đối với hàng xuất khẩu sang đây không? (2) Liệu quốc gia đó có lịch sử kìm hãm tiền tệ của mình không, ví dụ như thông qua việc tích lũy quá mức lượng dự trữ ngoại hối? (3) Liệu quốc gia này có mở cửa thị trường cho các công ty Hoa Kỳ theo cùng cách mà Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho các công ty nước ngoài không? (4) Quốc gia đó có tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ không? (5) Quốc gia này có giúp Trung Quốc trốn thuế thông qua việc tái xuất khẩu không? (6) Quốc gia đó có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NATO không? (7) Quốc gia có đứng về phía Trung Quốc, Nga và Iran trong các tranh chấp quốc tế quan trọng, ví dụ như tại Liên Hợp Quốc không? (8) Quốc gia đó có giúp các thực thể bị trừng phạt trốn tránh lệnh trừng phạt hay giao dịch với các thực thể bị trừng phạt không? (9) Quốc gia đó ủng hộ hay phản đối các nỗ lực an ninh của Hoa Kỳ ở nhiều chiến trường khác nhau? (10) Quốc gia đó có chứa chấp kẻ thù của Hoa Kỳ, ví dụ như khủng bố hoặc tội phạm mạng không? (11) Các nhà lãnh đạo quốc gia có chống lại Hoa Kỳ trên trường quốc tế không?

Trong số 11 tiêu chí này, chỉ có tiêu chí liên quan đến NATO là không liên quan đến Việt Nam. Còn lại, đặc biệt là 5 vấn đề đầu tiên, đều có mức độ liên quan rõ ràng. Dù chưa có thông tin chi tiết về nội dung đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhiều khả năng các yếu tố kể trên sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thương lượng song phương sắp tới.

Theo GS-TS. Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana (Mỹ), Nhà sáng lập Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, chúng ta hiện đang đứng ở một vị trí “nhạy cảm”, nằm giữa ranh giới giữa việc đáp ứng và chưa đáp ứng đầy đủ cả 5 tiêu chí đầu tiên. Điều này khiến Việt Nam, trong mắt Mỹ, vừa là đối tác tiềm năng để đàm phán, vừa có thể bị xem là chưa đủ "nghiêm túc" trong thực thi các cam kết thương mại.

GS-TS. Trần Ngọc Anh chia sẻ trong khuôn khổ webinar

GS-TS. Trần Ngọc Anh chia sẻ trong khuôn khổ webinar

Đơn cử như, trong vấn đề thao túng tiền tệ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chính sách tỷ giá linh hoạt, song việc đồng VND liên tục trượt giá trong bối cảnh dự trữ ngoại hối giảm vẫn là một yếu tố khiến Mỹ theo dõi chặt chẽ…

Từ góc nhìn của GS-TS. Nguyễn Đức Khương - Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (Pháp), Chủ tịch sáng lập Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), nếu xét riêng 5 tiêu chí đầu tiên, có thể thấy Mỹ hoàn toàn có lý do để gây sức ép với Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa Việt Nam vi phạm, mà quan trọng là cần nhìn nhận thực tế phát triển của Việt Nam hiện nay.

“Việt Nam đang trong quá trình cải cách mạnh mẽ, từ thể chế thị trường đến phương thức tiếp cận đầu tư. Không thể đòi hỏi một nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam phải cùng lúc đáp ứng đầy đủ cả 5 tiêu chí ngay lập tức”, ông Khương nói.

Ứng xử của Việt Nam

Mặc dù Việt Nam đang được đánh giá là một đối tác tiềm năng, song để tiến gần hơn tới các nhóm đối tác được hưởng thuế suất thấp theo định hướng chính sách mới của Mỹ, việc chủ động đáp ứng các tiêu chí then chốt là rất cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh bất định hiện nay, sự chủ động chiến lược sẽ mang lại lợi thế lớn khi bước vào bàn đàm phán.

Theo GS-TS. Nguyễn Đức Khương, điều Việt Nam cần lúc này là xây dựng một lộ trình đàm phán minh bạch với Mỹ. Trong đó, cần tập trung vào các bước đi thực chất như mở cửa thị trường cho doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là những nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn – các ngành mà Mỹ đang cần tái định vị chuỗi cung ứng.

Một điểm đáng chú ý trong quan điểm của GS-TS. Nguyễn Đức Khương là Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng vị trí địa chiến lược để trở thành “cửa ngõ” cho Mỹ tiếp cận thị trường ASEAN, Đông Bắc Á và thậm chí cả Trung Quốc. Đây sẽ là yếu tố quan trọng trong đàm phán để Mỹ nhìn nhận Việt Nam không chỉ là đối tác sản xuất, mà còn là đối tác kết nối khu vực.

Ngược lại, doanh nghiệp Việt cũng không thể chỉ chờ đợi chính sách. Họ cần chủ động vươn ra thị trường Mỹ, tìm hiểu sâu sắc hơn các quy chuẩn và yêu cầu mà Mỹ đặt ra để từ đó xây dựng năng lực cạnh tranh thực sự.

“Muốn đi xa cùng nhau, hai phía cần có sự hiểu biết và chia sẻ. Mỹ cần thấy được Việt Nam đang thay đổi từng ngày. Và Việt Nam cũng cần chứng minh sự nghiêm túc trong việc hội nhập một cách bài bản và bền vững”, ông Khương khẳng định.

GS. Trần Ngọc Anh cũng bổ sung rằng, trong chiến lược đàm phán, Việt Nam có thể được Mỹ coi là một hình mẫu để áp dụng cho các quốc gia khác. Do đó, nếu Việt Nam có thể thể hiện tinh thần hợp tác và khéo léo trong đàm phán, Mỹ hoàn toàn có thể đưa ra một mức thuế "hợp lý" – có thể ở mức 10%, hoặc cao hơn nếu muốn dùng Việt Nam làm chuẩn mực cho nhóm nước khác.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải chứng minh sự nghiêm túc trong các lĩnh vực Mỹ quan tâm: từ minh bạch trong chính sách tiền tệ, quyết liệt trong xử lý gian lận xuất xứ, đến chủ động mở cửa thị trường theo hướng công bằng hơn cho doanh nghiệp Mỹ.

Theo các chuyên gia, thực tế, việc cân bằng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ là điều rất khó – ít nhất là trong trung hạn

Theo các chuyên gia, thực tế, việc cân bằng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ là điều rất khó – ít nhất là trong trung hạn

Theo các chuyên gia, thực tế, việc cân bằng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ là điều rất khó – ít nhất là trong trung hạn. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể chủ động tham gia đàm phán với tinh thần xây dựng, đồng thời tăng cường nội lực trong các ngành chủ lực, thì vẫn có thể giữ vững vị thế trong mắt Mỹ như một đối tác ổn định, tiềm năng.

Trên hết, điều quan trọng là phải nhìn nhận 11 tiêu chí không chỉ đơn thuần là rào cản, mà còn là cơ hội để Việt Nam cải cách sâu rộng hơn – qua đó nâng cao khả năng hội nhập, bảo vệ được chuỗi cung ứng và vị thế quốc gia trong một thế giới đang định hình lại trật tự thương mại mới.

Xem bài liên quan đến Webinar “Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Giải pháp ứng phó trong năm 2025 của doanh nghiệp Việt Nam”:

Trật tự thương mại toàn cầu trước làn sóng thuế quan từ Mỹ

Hưng Khánh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bai-kiem-tra-11-tieu-chi-cua-my-va-kha-nang-dap-ung-cua-viet-nam-317447.html
Zalo