'Bài học sinh tồn' từ doanh nghiệp Ukraine sau 3 năm xung đột với Nga
Xung đột quân sự khốc liệt giữa Nga và Ukraine đã ròng rã sang năm thứ tư, song các doanh nghiệp của Ukraine không vì thế mà 'ngã ngựa'. Họ không chỉ tồn tại mà còn tái sinh nhờ sức mạnh của ý chí con người.
Theo ước tính từ Liên Hợp Quốc, có tới 64% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Ukraine đã phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động ở một thời điểm nào đó kể từ khi xung đột quân sự với Nga nổ ra từ tháng 2/2022, do những thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, gián đoạn chuỗi cung ứng và sự di tản ồ ạt của người lao động ra khỏi đất nước.
Tuy nhiên, những cuộc phỏng vấn sâu và khảo sát thực địa bởi báo chí quốc tế suốt năm qua đã hé lộ sự thật bất ngờ: Phần lớn các doanh nghiệp ở Ukraine, từ những gian hàng nhỏ bé đến các công ty lớn, đã hồi sinh, hoạt động trở lại bất chấp mưa bom, bão đạn.
Qua từng lời kể từ các lãnh đạo doanh nghiệp, qua những chuyến đi thực địa giữa khói bụi chiến tranh, dư luận quốc tế nhận ra rằng: Chính tinh thần kiên cường, sự sáng tạo không ngừng và lòng đoàn kết của người Ukraine đã thổi hồn vào phép màu ấy, biến những điều tưởng chừng là kết thúc thành khởi đầu mới đầy hứa hẹn.
"Biến nguy thành cơ"
Đối với các doanh nghiệp ở Ukraine, xung đột quân sự tác động đến hầu như mọi khía cạnh trong các hoạt động thương mại của họ. Không chỉ đối mặt với hiểm nguy từ nơi chiến địa, họ phải xoay xở giữa muôn vàn khốn khó: chuỗi cung ứng đứt gãy, điện đóm chập chờn, thiếu thốn bủa vây tứ phía.

Một công ty chuyên sản xuất quần áo cho nhân viên khách sạn và nhà hàng ở Ukraine hiện chuyển sang may quân phục cho binh sĩ. Ảnh: New York Times
Liên Hợp Quốc năm 2023 ước tính, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp ở Ukraine giảm từ 72,4% trước chiến tranh xuống còn 45,7%. Khó khăn càng chồng chất trong bối cảnh hàng triệu người của đất nước nghèo khó này phải cầm súng ra tiền tuyến hoặc rời bỏ đất nước, tạo ra khoảng trống nhân lực khổng lồ. Phụ nữ Ukraine thậm chí phải đảm nhận những công việc chủ yếu dành cho nam giới như khai thác mỏ, lái xe tải, hay hàn xì, song thiếu hụt lao động cho đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Tuy nhiên, đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhiều doanh nghiệp ở Ukraine, thay vì chùn bước, đã khéo léo biến nghịch cảnh thành ngọn gió thổi bùng sự đổi mới. Trong đó, nhiều công ty đã chuyển hướng sang tận dụng nguồn lực ngay tại địa phương để giảm bớt sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn.
Chẳng hạn, một xưởng sản xuất nhỏ ở thủ đô Kiev đã nảy ra ý tưởng dùng vật liệu tái chế từ những tòa nhà đổ nát do bom đạn để chế tạo thiết bị y tế cứu người. Hay trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều trang trại đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông minh, từ máy móc tự động đến phần mềm tối ưu hóa, để bù đắp vấn đề nhân lực mà vẫn đảm bảo sản lượng được duy trì ổn định.
Đối diện với những ngày mất điện liên miên, một doanh nghiệp vận tải ở thành phố Lviv, như lời khẳng định đầy tự hào của người sáng lập, đã "học cách sống chung với bóng tối” qua việc lắp đặt hệ thống pin mặt trời dự phòng, biến ánh nắng thành nguồn sống để duy trì hoạt động.
Trong khi đó, một số công ty lữ hành của Ukraine còn sáng tạo ra các tour “thăm thành phố kiên cường”, đưa du khách quốc tế đến tận mắt chứng kiến những thành phố, địa điểm bị bom đạn Nga tàn phá. Sáng kiến này vừa góp phần là “phao cứu sinh” đối với ngành du lịch, vừa tạo sức hút độc đáo đối với những chứng tích về tinh thần bất khuất của người dân Ukraine.
Một nhóm nghiên cứu của trang tin The Conversation còn hé lộ thứ “chìa khóa” giúp các doanh nghiệp Ukraine vượt qua những nghịch cảnh khi quê nhà bị tàn phá. Trong khảo sát của nhóm với 85 doanh nghiệp thuộc 19 ngành nghề khác nhau của nước này, có tới 82% lãnh đạo doanh nghệp cùng khẳng định: “Con người chính là nguồn lực quý giá nhất”.
“Khi có động lực, các nhân viên sẽ trở nên lạc quan và sáng tạo hơn. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh chúng tôi phải làm nhiều việc hơn với nguồn lực ít hơn,” một giám đốc doanh nghiệp của Ukraine chia sẻ.
Để duy trì tinh thần này, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi cách lãnh đạo. Họ xóa bỏ cấu trúc phân cấp cứng nhắc, trao nhiều quyền tự chủ hơn cho nhân viên, đồng thời rút ngắn chu kỳ lập kế hoạch và tăng tốc việc ra quyết định. “Chúng tôi phải linh hoạt như nước, phải thích nghi theo từng giờ,” quản lý một công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin nêu rõ.
Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp của Ukraine còn đầu tư vào sức khỏe tinh thần của người lao động. Họ tổ chức các buổi họp để mọi người thoải mái chia sẻ không chỉ công việc mà cả nỗi sợ hãi, tổn thương và những thành tựu cá nhân. Một công ty tài chính còn thuê nhà tâm lý học toàn thời gian để hỗ trợ tinh thần cho các nhân viên của mình. “Chúng tôi khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi khi cần. Chiến sự đã đủ khắc nghiệt, nên không ai muốn gánh thêm áp lực,” giám đốc công ty này chia sẻ.
Hoàn cảnh chiến sự ngặt nghèo không chỉ là thử thách đối với năng lực quản trị, mà còn đòi hỏi sự hy sinh từ cả tổ chức lẫn cá nhân. Hiểu được điều này, nhiều công ty đã chủ động cắt giảm lương quản lý cấp cao để duy trì nguồn thu nhập cho nhân viên. Thậm chí, một công ty xây dựng ở tỉnh Kharkiv còn hủy lương ban lãnh đạo 1 tháng sau khi xung đột xảy ra.
Đặc biệt, chủ các doanh nghiệp của Ukraine không bao giờ lãng quên những đồng nghiệp đang cầm súng ngoài tiền tuyến của mình. Một công ty công nghệ ở tỉnh Odessa vẫn trả lương đầy đủ cho nhân viên đang nhập ngũ suốt 3 năm qua, đồng thời trang bị quân phục và giữ liên lạc với gia đình họ.
Câu chuyện về nhiều doanh nghiệp ở Ukraine không đơn thuần là hành trình sinh tồn, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết và khả năng thích nghi vô hạn của con người. Như một lãnh đạo doanh nghiệp của nước này từng phát biểu: “Dù đau thương đến đâu, chúng tôi biết Mặt Trời ngày mai vẫn sẽ mọc. Nếu không phải vì chúng tôi, thì cũng vì thế hệ tương lai”.