Bài học lịch sử về tham vọng thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Đông của Israel

Ngày 28.9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố cuộc không kích giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah là bước tiến hướng tới thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Đông trong nhiều năm tới.

Quân đội Israel (IDF) từ ngày 17.9 liên tục giáng nhiều đòn mạnh vào Hezbollah, từ loạt vụ nổ thiết bị liên lạc đến cuộc không kích sát hại chỉ huy cấp cao Ibrahim Aqil và cuối cùng, thủ lĩnh Hezbollah cũng nằm trong danh sách mục tiêu bị tiêu diệt.

Thủ tướng Netanyahu dường như cho rằng Hezbollah đã bị tổn thương nghiêm trọng, cũng như ông nhìn ra cơ hội tái cấu trúc quyền lực khu vực. Tuy nhiên, lịch sử từng mang lại cho Israel bài học cay đắng khi ôm tham vọng này.

Nơi thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah bị không kích thiệt mạng - Ảnh: CNN

Nơi thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah bị không kích thiệt mạng - Ảnh: CNN

Tháng 6.1982, Israel đưa quân vào Lebanon với mục tiêu đè bẹp Tổ chức Giải phóng Palestine và lập nên một chính phủ dễ thao túng hơn, đẩy lực lượng Syria ra khỏi đất nước. Kết quả là các nhóm vũ trang người Palestine rời khỏi Lebanon nhưng chưa bao giờ từ bỏ ý muốn thành lập một nhà nước độc lập. 5 năm sau, nổi dậy đã bùng lên ở Dải Gaza rồi lan sang Bờ Tây. Ngày nay, người Palestine vẫn chống lại Israel.

Đồng minh chính của Israel vào năm đó là thủ lĩnh nhóm dân quân Cơ đốc giáo Maronite Bashir Al-Gemayel, bị ám sát ngay trước khi nhậm chức Tổng thống Lebanon. Người anh em Amin thay thế thúc đẩy Lebanon - Israel ký thỏa thuận thiết lập quan hệ song phương bình thường. Nhưng tiếng nói phản đối mạnh mẽ khiến chính phủ sụp đổ, thỏa thuận cũng bị hủy bỏ. Mỹ rút quân khi đại sứ quán bị đánh bom 2 lần. Nội chiến Lebanon nổ ra và kéo dài hơn 6 năm. Còn lực lượng Syria (đồn trú Lebanon năm 1976 với tư cách là “lực lượng răn đe” theo lệnh của Liên đoàn Ả Rập) đến năm 2005 mới rời đi.

Như vậy, cả 3 mục tiêu Israel đều không đạt được, không những vậy cuộc chiến còn dẫn đến sự ra đời của Hezbollah. Nhóm tiến hành chiến tranh du kích buộc IDF phải rút khỏi miền nam Lebanon, đánh dấu lần đầu tiên và duy nhất một lực lượng quân sự Ả Rập thành công đẩy lùi Israel khỏi vùng đất của người Ả Rập. Từ đó đến nay nhóm không ngừng lớn mạnh nhờ sự giúp đỡ của Iran.

Loạt đòn giáng mà Israel thực hiện gần đây rõ ràng đã làm cho Hezbollah suy yếu và hỗn loạn, tuy nhiên chưa thể kết luận nhóm sắp tan rã hay chưa.

Cuộc chiến Iraq do Mỹ phát động năm 2003 là một bài học khác. Tổng thống George W.Bush hy vọng sự sụp đổ của chính phủ Saddam Hussein sẽ kéo theo thay đổi chế độ ở Iran và Syria, rồi lan ra toàn khu vực. Nhưng kết quả chiến tranh khiến quân Mỹ lẫn dân thường Iraq chịu thương vong lớn. Iraq mở rộng ảnh hưởng đến tận trung tâm chính trị Baghdad, tổ chức Al-Qaeda tái sinh, tổ chức khủng bố IS xuất hiện ở Syria và Iraq.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bai-hoc-lich-su-ve-tham-vong-thay-doi-can-can-quyen-luc-tai-trung-dong-cua-israel-224383.html
Zalo