Bài học đắt giá cho các đối tượng

Chia sẻ về vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng tại Công viên Yên Sở, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây sẽ là bài học đắt giá cho các đối tượng, đồng thời sẽ là bài học cho nhiều người khi không kiểm soát được chuyện tình cảm yêu đương, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, thiếu kỹ năng sống, lựa chọn cách giải quyết mâu thuẫn không phù hợp với đạo đức xã hội và không phù hợp với pháp luật.

 Các đối tượng liên quan trong vụ việc. Ảnh: CQĐT

Các đối tượng liên quan trong vụ việc. Ảnh: CQĐT

Nông nổi dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật

Theo tài liệu điều tra, vào khoảng 19h ngày 16/2/2025, chị T, trú ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội đến Công an phường Yên Sở, quận Hoàng Mai trình báo về việc: vào ngày 15/2/2025, con gái chị là cháu N.V.A.T, SN 2008 bị các đối tượng đánh gây thương tích tại khu vực bờ sông Sét, thuộc phường Thịnh Liệt và khu vực hồ điều hòa thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Tiếp nhận trình báo, Công an quận Hoàng Mai đã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiến hành xác minh, điều tra và nhanh chóng làm rõ 5 đối tượng tham gia đánh gây thương tích cho cháu A.T gồm: Q.G.H, SN 2009, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội; N.P.A, SN 2008, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; M.B.A, SN 2010, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội; N.X.N.T, SN 2008, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội; Đặng Minh Dương, SN 2008, trú tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quá trình điều tra, bước đầu xác định, N.X.N.T cho rằng A.T "cướp" người yêu của mình nên hai bên xảy ra mâu thuẫn.

Ngày 15/2, cháu A.T chủ động hẹn N.X.N.T đến quán nước số 987 Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai để nói chuyện. A.T rủ thêm 7 người bạn khác đi cùng. Tại quán nước số 987 Tam Trinh, bạn của A.T tiến đến tát N.X.N.T. Bị đánh nên N.X.N.T gọi 5 người bạn của mình đến “hỗ trợ”.

Sau khi bạn của N.X.N.T đến, hai nhóm lao vào cãi chửi nhau. Chủ quán nước thấy vậy liền đuổi hai nhóm ra khỏi quán. Sau đó, hai nhóm di chuyển ra khu vực bờ sông Sét, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai để tiếp tục giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, hai bên lao vào đánh nhau, người dân thấy vậy nên tri hô báo Công an và can ngăn thì hai nhóm bỏ chạy rồi tiếp tục ra khu vực hồ điều hòa phường Yên Sở, quận Hoàng Mai tiếp tục đánh nhau.

Người dân xung quanh tri hô nhưng hai nhóm không chịu dừng lại mà di chuyển ra trạm bơm gần đó đánh nhau tiếp. A.T bị nhóm N.X.N.T cầm lược, dép, mũ bảo hiểm đánh gây thương tích. Sau đó, A.T được các bạn đi cùng và người dân đưa đến bệnh viện. A.T bị rách ở đỉnh đầu; 1 vết rách gò má, mắt phải và một số vết bầm tím trên người. Sau khi vào bệnh viện cấp cứu, cùng ngày A.T đã được ra viện, điều trị ở nhà.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, tối 19/2/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.

 Cháu A.T bị đánh bầm tím mặt. Ảnh: Đ.X

Cháu A.T bị đánh bầm tím mặt. Ảnh: Đ.X

Vụ việc có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng

Trao đổi với Pháp luật và Xã hội, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Với diễn biến sự việc như vậy thì vụ việc có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Hai nhóm thanh thiếu niên này đều đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hành vi là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của người khác và xâm phạm đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Với diễn biến sự việc như vậy thì cơ quan điều tra tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với một số đối tượng là cần thiết và có căn cứ”.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường phân tích, pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, bảo vệ trật tự, an toàn công cộng. Hành vi tụ tập đông người, đánh nhau nơi công cộng nhiều lần, mặc dù được dù người khuyên can nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục hẹn nhau để đánh nhau. Hành vi này ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập các dấu vết để lại, trích xuất dữ liệu camera, lấy lời khai của các đối tượng có liên quan, tiến hành trưng cầu giám định thương tích để xác định hậu quả đã gây ra với nạn nhân và xã hội, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có thương tích xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố hai thiếu nữ này về tội cố ý gây thương tích, đồng thời sẽ làm rõ hành vi của những người còn lại. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy những người được gọi đến cũng tham gia vào việc đánh nhau thì sẽ khởi tố tất cả các đối tượng có liên quan về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Trường hợp có đối tượng đến không tham gia đánh nhau nhưng có những hành vi la hét, cổ vũ, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cũng sẽ bị xem xét xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Mức độ xử lý sẽ phụ thuộc vào mức độ thương tích của nạn nhân, nếu thương tích của nạn nhân dưới 11%, hành vi được xác định là có tính chất côn đồ thì hình phạt sẽ là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Còn trường hợp có đối tượng nào không bị xử lý về tội cố ý gây thương tích nhưng có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng với hình phạt có thể là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

 Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cũng theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc có người dưới 18 tuổi tham gia nên việc xử lý phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

“Đây cũng là bài học đối với các bậc phụ huynh và nhà trường nơi các em theo học. Với người chưa đủ 18 tuổi là chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, dễ bị cảm xúc chi phối hành vi, dễ bị lôi kéo dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý hình sự.

Bởi vậy, việc quản lý người chưa thành niên là trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Cha mẹ cần phải quan tâm, chăm sóc, giáo dục các con, đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì, bắt đầu xuất hiện các quan hệ yêu đương. Khi các em đi học thì cần có thêm sự quản lý, sát sao của nhà trường. Tuy nhiên những thanh thiếu niên bỏ học sớm, thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ thì nguy cơ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội là rất cao”, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-hoc-dat-gia-cho-cac-doi-tuong-410201.html
Zalo