Bài học bình đẳng từ bộ đồng phục

Tại Togo, những bộ đồng phục miễn phí giúp tăng tỷ lệ trẻ em gái đi học, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, và chi phí giáo dục.

Chiếc cặp sách truyền thống của học sinh tiểu học Nhật Bản.

Chiếc cặp sách truyền thống của học sinh tiểu học Nhật Bản.

Từ ý tưởng từ thiện

Học chuyên ngành tiếp thị, vào năm cuối đại học, Payton McGriff được giao nhiệm vụ xây dựng một doanh nghiệp hoặc tổ chức phi lợi nhuận. Cùng lúc này, cô đã đọc cuốn sách “Half the Sky” (tạm dịch: “Nửa bầu trời”), tác phẩm nghiên cứu về sự áp bức phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển. Cô sốc khi biết rằng 129 triệu trẻ em gái trên toàn thế giới không được đi học.

SHE tiếp tục phát triển những cách mới để hỗ trợ học sinh. Mới đây, nhóm đã xây dựng một phòng học di động mang sách và đồ dùng đến các cộng đồng thiếu nguồn lực. Ngoài ra, tổ chức câu lạc bộ dành cho nữ sinh sau giờ học. Các hoạt động đều nhằm trao tiếng nói cho trẻ em gái và giúp các em hiểu được quyền lợi, cơ hội trong xã hội. Số lượng học sinh tham gia SHE đang dần tăng lên.

McGriff, 29 tuổi, cho biết: “Ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ và trẻ em phải đảm nhận các công việc nội trợ nên giá trị nhận thức của họ chỉ dừng lại ở việc đóng góp cho gia đình. Do đó, các bé gái sẽ không thấy được lợi ích, tầm quan trọng của việc học”.

Tại một số quốc gia, nhiều gia đình nghèo muốn con gái đi học nhưng họ không đủ khả năng chi trả học phí, đồ dùng học tập và đồng phục. Trong đó, đồng phục là một trong những món đồ đắt tiền nhất nên nếu có sẵn, tỷ lệ trẻ em gái đi học sẽ cao hơn.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc phân phát đồng phục miễn phí có thể giảm 16% tỷ lệ bỏ học và 35% nghỉ học. Khi nghiên cứu về điều này, McGriff ấp ủ dự án giúp phụ nữ và trẻ em gái thay đổi cuộc sống, bắt nguồn từ bộ đồng phục.

Từ đó, McGriff bắt đầu phát triển ý tưởng cho dự án doanh nghiệp của mình. Cô đã xin ý kiến Giáo sư người Togo Romuald Afatchao và được ông mời đến châu Phi để nghiên cứu thực địa. Tại đây, McGriff chứng kiến thực tế mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt.

Cô gặp Elolo, một phụ nữ trẻ phải dậy từ 3 giờ 30 phút sáng để làm việc nhà trước khi đến trường và làm bài tập dưới ánh đèn đường vào ban đêm vì nhà không có điện. Do gia đình khó khăn về tài chính nên dù rất ham học, Elolo vẫn phải nghỉ để nhường cơ hội cho anh em trai.

“Cuộc sống của phụ nữ ở Togo khiến những câu chuyện tôi đọc trong sách vở trở nên rất thực tế. Không phải mọi người trên thế giới đều có cơ hội học tập”, McGriff nói và cho biết, cô đã phỏng vấn các nhóm trẻ em gái về những trở ngại khiến việc đi học trở nên khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân được kể đến như thiếu tiền, thiếu hỗ trợ và tất cả đều không có đồng phục. Nhiều nữ sinh bị đuổi khỏi trường vì không có đồng phục. Điều này càng khiến McGriff củng cố quyết tâm thực hiện dự án đồng phục miễn phí.

Trở về Mỹ, McGriff đem ý tưởng đi so tài tại các cuộc thi khởi nghiệp, giành được 35 nghìn USD từ các nhà đầu tư để thực hiện dự án. Cô từ chối lời mời làm việc cho các doanh nghiệp và chuyên tâm cho kế hoạch của mình. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 5/2017, McGriff trở lại Togo, thành lập tổ chức phi lợi nhuận Style Her Empowered (SHE).

 Một học sinh nữ mặc váy đồng phục do SHE thiết kế.

Một học sinh nữ mặc váy đồng phục do SHE thiết kế.

Mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục

Năm đầu tiên, McGriff thuê thợ địa phương may đồng phục và hỗ trợ học phí cho 65 trẻ em gái. Nhưng cô gặp ngay vấn đề là học sinh lớn rất nhanh nên đồng phục bị chật sau thời gian ngắn sử dụng.

McGriff và nhóm của mình muốn thiết kế bộ đồng phục có thể điều chỉnh kích thước để tăng thời gian sử dụng. Sau một thời gian nghiên cứu, tham khảo ý kiến của thợ may, học sinh, nhóm đã cho ra đời bộ đồng phục có thể co giãn. Đồng phục dạng váy, có dây điều chỉnh bên hông để căn chỉnh kích thước sao cho vừa với mọi vóc dáng.

Váy được may dài qua đầu gối, được lên gấu sẵn nên khi đứa trẻ cao lên, có thể hạ xuống để váy không bị ngắn. Bộ váy điều chỉnh được 6 cỡ nên một đứa trẻ có thể mặc ít nhất 3 năm. Đến khi chúng lớn hơn có thể tặng lại cho các bé gái nhỏ tuổi hơn.

Đến nay, SHE cung cấp đồng phục miễn phí, học phí, đồ dùng học tập, chương trình dạy kèm và nhiều dịch vụ khác cho 1,5 nghìn trẻ em gái mỗi năm tại Togo. Ngoài ra, vải vụn được tái chế thành băng vệ sinh và phân phát cho học sinh nữ. Trước đây, nhiều em phải nghỉ học trong kỳ kinh nguyệt vì thiếu sản phẩm vệ sinh.

Bên cạnh đó, SHE hỗ trợ cho nhiều địa phương tại Togo, nơi 69% hộ gia đình sống dưới mức nghèo khổ. Các bé gái ở những khu vực này có nguy cơ bỏ học cao hơn nên McGriff và các cộng sự cố gắng xóa bỏ rào cản tài chính bằng cách hỗ trợ học phí, tặng đồ dùng học tập.

Nếu tiếp tục đến trường, các em sẽ được dạy kèm để bắt nhịp học tập. Kết quả, học sinh được SHE hỗ trợ luôn vượt qua các kỳ thi với tỷ lệ cao hơn mức trung bình toàn quốc.

McGriff cho biết: “Học sinh đã nâng cao trình độ và thành tích ở trường. Nếu được trao cơ hội, các em sẽ phát triển mạnh mẽ”.

McGriff cũng mang đến cơ hội cho những phụ nữ mà họ tuyển dụng. 20 thợ may làm việc toàn thời gian tại 2 nhà máy sản xuất đồng phục của SHE được trả mức lương trung bình cao hơn 75% so với mức lương tối thiểu tại Togo. Tất cả nhân viên đều được hưởng chế độ phúc lợi như nghỉ ốm có lương không giới hạn, nghỉ thai sản có lương trong 3 tháng hay dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí.

Đó chưa phải là tất cả. Trung bình, phụ nữ Togo chỉ học khoảng 3 năm, bằng 1/2 so với số năm đi học của nam giới và 55% phụ nữ mù chữ. Do đó, McGriff đã tổ chức xóa mù chữ cho nhân viên để họ trau dồi các kỹ năng đọc viết, toán học và tài chính cơ bản.

Thợ may ngày càng tự hào với công việc tại SHE và tuyên truyền, động viên phụ nữ hoặc trẻ em gái xung quanh đi học. Dần dần, người dân tại các bản làng khó khăn ở Togo đã hình thành nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục, nhất là giáo dục dành cho trẻ em gái. Từ một bộ đồng phục, McGriff và SHE đang mang lại những giá trị giáo dục tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em gái Togo.

 Payton McGriff - người sáng lập tổ chức từ thiện SHE (phải) chụp ảnh cùng GS Romuald Afatchao.

Payton McGriff - người sáng lập tổ chức từ thiện SHE (phải) chụp ảnh cùng GS Romuald Afatchao.

Bài học về sự bình đẳng

Tại nhiều quốc gia, đồng phục mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nó không chỉ là bộ đồ mà học sinh khoác lên người khi đến trường. Trong văn hóa châu Á, bộ đồng phục là biểu tượng của sự bình đẳng và tính kỷ luật. Đồng phục học sinh rất phổ biến ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan...

Khoác lên mình bộ đồng phục, mọi học sinh đều bình đẳng như nhau, không còn ranh giới giàu – nghèo, giỏi – dốt, ngoan – hư. Vì vậy, các em không còn tị nạnh, phân biệt, chơi hòa đồng với nhau. Giáo viên cũng đối xử với học sinh bằng tình yêu thương, sự quan tâm ngang bằng.

Ngoài ra, bộ đồng phục còn thể hiện tính kỷ luật. Học sinh phải tuân thủ theo quy định của trường, trong đó có việc mặc đồng phục thay vì những bộ quần áo khác. Hành động nhỏ này sẽ giúp các em xây dựng tính kỷ luật, trách nhiệm, tuân thủ các quy định chung của tập thể.

Tuy nhiên, khi đồng phục trở thành bộ nhận diện của trường học, giá thành của nó trở nên đắt đỏ nên không phải học sinh nào cũng có thể mua được. Điều này lại là trở ngại trên con đường tiếp cận tri thức.

Một biểu tượng khác của giáo dục là chiếc cặp sách, gọi là “randoseru”, trong văn hóa Nhật Bản. Đây là vật dụng cố định trong giáo dục tiểu học, có thể lưu giữ mọi thứ mà đứa trẻ cần có trong một ngày ở trường.

Chiếc cặp thường làm bằng da cứng, hình hộp, kích thước 30x23x18 cm. Dù vẻ bề ngoài cồng kềnh, to cộm, chiếc cặp kiểu dáng này giúp trẻ nhỏ, những người chưa giỏi sắp xếp đồ dùng, cất sách vở, giấy tờ dễ dàng hơn. Chiếc cặp sẽ giúp trẻ em hình thành khả năng quản lý và bảo quản đồ đạc.

 Đồng phục đem lại bình đẳng giáo dục.

Đồng phục đem lại bình đẳng giáo dục.

Ngoài ra, nó còn thu hẹp khoảng cách bình đẳng giữa học sinh thuộc mọi hoàn cảnh. Trước đây, cặp “randoseru” ở Nhật Bản chỉ có hai màu là đỏ và đen. Nó mang ý nghĩa là mọi người trong cùng một môi trường giáo dục dùng những đồ dùng giống nhau sẽ giúp trẻ em ngừng so sánh với bạn bè. Điều này đồng thời giúp các em tập trung nhiều hơn vào việc học tập, phát triển các giá trị đạo đức.

Tuy nhiên, giá thành của “randoseru” tương đối đắt đỏ. Nó cũng được cải tiến với nhiều màu sắc, hình dáng đổi mới để phù hợp với phong cách hiện đại. Những nét giá trị cũ đã không còn được nhấn mạnh.

Nhìn chung, học phí không phải cản trở duy nhất đối với việc học tập của học sinh khó khăn, học sinh nghèo. Những chi phí bên ngoài như đồng phục, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cũng tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, nhất là trong bối cảnh lạm phát hiện nay.

Những khó khăn này vẫn tồn tại trong nhiều năm liên tiếp và chưa được giải quyết triệt để. Theo các chuyên gia, các chi phí ngoài học phí không nên gây cản trở công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là khi ngày càng nhiều quốc gia miễn học phí cho chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, các trường cần tìm cách cắt giảm, hạn chế những chi phí ngoài học phí để mọi học sinh đều có thể đến trường.

Không chỉ ở những quốc gia khó khăn, ngay cả trong những nước phát triển như Anh, Mỹ, chi phí giáo dục ngoài học phí cũng là gánh nặng với các gia đình thu nhập thấp, trung bình. Đơn cử, tại Mỹ, nhiều gia đình quyết định cho con nghỉ học vì không có tiền mua sách giáo khoa, đồng phục hay đồ dùng học tập. Vào đầu năm học, giáo viên phải bỏ tiền túi chuẩn bị dụng cụ học tập nhằm khuyến khích học sinh đến trường.

Phạm Khánh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-hoc-binh-dang-tu-bo-dong-phuc-post698800.html
Zalo