Bài cuối: Sử dụng ma túy có thể bị xử tù đến 5 năm

Hiện nay hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được coi là tội phạm. Tuy nhiên từ tình hình thực tế của phòng chống đấu tranh tội phạm, cơ quan soạn dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi đã đề xuất hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người đang trong thời gian cai nghiện hoặc đã từng cai nghiện sẽ bị xử lý hình sự với khung phạt thấp nhất từ 2-3 năm.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, đáng chú ý. Trong đó, đã đề xuất bổ sung Điều 256a quy định về “Tội sử dụng trái phép chất ma túy”. Cụ thể, người nào đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế hoặc đã từng cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật phòng, chống ma túy mà bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2 - 3 năm. Trường hợp tái phạm tội này thì bị phạt tù từ 3 - 5 năm.

Xe cảnh sát tại hiện trường vụ đối tượng trốn trại cai nghiện khống chế 1 phụ nữ ở Sóc Trăng vào tháng 4/2024

Xe cảnh sát tại hiện trường vụ đối tượng trốn trại cai nghiện khống chế 1 phụ nữ ở Sóc Trăng vào tháng 4/2024

“Phạt hành chính không phải là biện pháp thích hợp răn đe”

Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch cho biết, trước đây Bộ luật Hình sự năm 1999 từng coi người sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm. Tuy nhiên, tại Bộ luật Hình sự năm 2015 ( Bộ luật Hình sự hiện hành) đã loại bỏ loại tội phạm này, và người sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm, chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.

“Tác hại của ma túy là điều không thể bàn cãi, người nghiện ma túy rất khó có thể kiểm soát hành vi của mình khi đã sử dụng ma túy. Nhất là các loại ma túy tổng hợp có thể gây ảo giác mạnh, người nghiện vào trạng thái này có thể gây những hậu quả không thể khắc phục cho những người xung quanh” - luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đối tượng Lê Thanh Điền (trú tỉnh Sóc Trăng) có 2 tiền án, sau khi sử dụng ma túy, lên cơn "ngáo đá" dùng dao kề vào cổ bắt một người dân địa phương làm con tin vào tháng 4/2025

Đối tượng Lê Thanh Điền (trú tỉnh Sóc Trăng) có 2 tiền án, sau khi sử dụng ma túy, lên cơn "ngáo đá" dùng dao kề vào cổ bắt một người dân địa phương làm con tin vào tháng 4/2025

Theo luật sư Tuấn Anh, khi đã nghiện ma túy, thì “mức phạt tiền không phải là rào cản để răn đe”, cho dù có tăng mức phạt gấp nhiều lần thì khi người nghiện không thể kiểm soát được bản thân, sẽ tìm mọi cách để giải tỏa cơn nghiện. Và trên thực tế cho thấy, gia đình người nghiện đã lâm vào cảnh phá sản nhưng họ vẫn tìm mọi cách để tìm đến ma túy, cho dù có phải thực hiện các hành vi phạm tội khác như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người.

“Việc cai nghiện ma túy không bao giờ là dễ dàng, cần phải được sự hỗ trợ đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như việc người nghiện cần có một ý chí mạnh mẽ để vượt qua. Mặt khác, với sự xuất hiện của các loại ma túy tổng hợp như hiện nay, để người nghiện tự nguyện cai nghiện, dùng ý chí của mình để vượt qua là điều khó thực hiện được” - luật sư Tuấn Anh nói và nhấn mạnh phạt tiền với người nghiện không phải là một biện pháp thích hợp để răn đe.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, trong thời gian vừa qua những vụ án do người nghiện thực hiện đã dẫn tới những án mạng thương tâm gây khiếp sợ trong xã hội. Việc sử dụng ma túy tổng hợp rất nguy hiểm với hệ thần kinh con người, làm cho người sử dụng mất ý thức và dẫn tới gây án mạng với cả người thân trong gia đình.

Ông Tuấn Anh cho rằng, xét đến yếu tố “cung - cầu”, người nghiện ma túy cũng chính là người tiếp tay cho những kẻ buôn bán ma túy. Việc sử dụng ma túy hiện nay đã gây nhiều tai họa cho nhiều gia đình và cộng đồng, là nỗi lo và là điều nhức nhối của toàn xã hội mà lại không bị xử lý hình sự là một vấn đề gây bức xúc. Vì thế, cần nhìn nhận lại việc hình sự hóa hành vi sử dụng ma túy.

Việc bổ sung Điều 256a “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” với chế tài hình sự đối với những người đã từng cai nghiện hoặc đang trong thời gian cai nghiện, nhưng vẫn cố tình tái sử dụng ma túy, là bước đi cần thiết để tăng sức răn đe cá nhân, tăng sức răn đe chung, ngăn ngừa nguy cơ gây án...

Đối tượng Ngô Bảo Trường dương tính với ma túy và nghi “ngáo đá” khi thực hiện hành vi cưỡng đoạt xe taxi 7 chỗ ở Cần Thơ rồi chạy trốn về TPHCM vào tháng 9/2024

Đối tượng Ngô Bảo Trường dương tính với ma túy và nghi “ngáo đá” khi thực hiện hành vi cưỡng đoạt xe taxi 7 chỗ ở Cần Thơ rồi chạy trốn về TPHCM vào tháng 9/2024

Bên cạnh hình phạt tù cũng cần phải có giải pháp tổng thể về tuyên truyền giáo dục, hỗ trợ cai nghiện, tạo việc làm cho người sau cai nghiện để biện pháp hình sự thực sự trở thành “cây gậy” hữu hiệu bên cạnh “bàn tay nhân đạo” trong công tác phòng, chống ma túy.

Tăng mức phạt để bảo vệ xã hội

Theo quan điểm của Ts. luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, tình hình tội phạm ma túy diễn biến rất phức tạp, số người nghiện liên tục gia tăng, rất nhiều người đã bị áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện nhưng kém hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện vẫn rất cao, không đáp ứng được mục tiêu phòng chống ma túy, gây khó khăn cho công tác quản lý đối với người nghiện. Bởi vậy, việc xử lý hình sự đối với những người sử dụng trái phép chất ma túy đã bị bắt buộc cai nghiện hoặc đang cai nghiện là chế tài mạnh mẽ, mới đủ sức răn đe.

“Sử dụng ma túy có nguy cơ gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Trong khi đó, nhiều người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy thường xuyên, do nghĩ rằng mình chỉ bị phạt hành chính, bị xác định là người bệnh nên thiếu ý thức cai nghiện, dẫn đến nguy cơ tái nghiện rất cao” - luật sư Cường nói.

Vị luật sư cho rằng, thực tế hiện nay có nhiều quốc gia vẫn xử lý hình sự với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy ở những mức độ khác nhau. “Đề xuất bổ sung “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” nếu được thông qua sẽ làm cơ sở pháp lý mạnh mẽ cho việc đấu tranh phòng chống ma túy, gia tăng áp lực và cũng là động lực hoàn lương của người nghiện” - luật sư Cường nêu quan điểm.

Theo Trung tướng, PGS, TS. Đồng Đại Lộc, việc bổ sung “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” với khung hình phạt từ 2 đến 3 năm tù giam đối với người đã từng cai nghiện nhưng vẫn tái sử dụng chất ma túy là “một chuyển hướng chính sách quan trọng, nhằm hình sự hóa hành vi nguy cơ cao, gián tiếp làm phát sinh nhiều tội phạm khác”.

Hơn nữa, cũng theo PGS, TS Lộc,việc tăng hình phạt không nhằm trừng trị khắt khe, “ mà là để bảo vệ xã hội, phòng ngừa từ gốc và định hướng hành vi tuân thủ pháp luật.

Tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) Bộ Công an còn đề xuất tăng mức hình phạt tù đối với: Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy, Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo PGS, TS. Đồng Đại Lộc, đề xuất tăng mức hình phạt đối với tội phạm ma túy là một động thái thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Bộ Công an và là bước đi cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Điều này không chỉ mang ý nghĩa răn đe pháp lý, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tội phạm.

Thanh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bai-cuoi-su-dung-ma-tuy-co-the-bi-xu-tu-den-5-nam-post1740568.tpo
Zalo