Bài cuối: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Tính đến cuối năm 2024, một số mục tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Thái Nguyên đã đạt và vượt xa so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Với phong trào thi đua 'Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau', MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hàng chục nghìn hộ dân giảm nghèo, thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.

Chung tay dựng nhà

Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã trở thành một phong trào rộng khắp, trở thành "điểm sáng" của công tác giảm nghèo bền vững. Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh phấn đấu đến hết tháng 3.2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho những hộ đủ điều kiện. Các địa phương đang thực hiện rà soát kỹ, thống kê cụ thể, chính xác, chi tiết danh mục nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ trên địa bàn nhằm đảm bảo đúng, đủ, không bỏ sót; lập hồ sơ đối với từng hộ, thống nhất cách làm và hình thức thực hiện. Đối với những hộ chưa đủ điều kiện, phải phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân cụ thể, lập hồ sơ, đồng thời đề xuất giải pháp thực hiện trên cơ sở đảm bảo quy định của pháp luật.

 Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” mang đến nhiều kết quả tích cực, hiệu quả cao. Ảnh: Thành Đồng

Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” mang đến nhiều kết quả tích cực, hiệu quả cao. Ảnh: Thành Đồng

Qua rà soát, thống kê, tính đến tháng 10.2024, toàn tỉnh còn 504 nhà tạm, nhà dột nát thuộc hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện pháp lý về đất ở được hỗ trợ. Trong đó, 338 nhà đăng ký thực hiện trong năm 2024, 146 nhà đăng ký thực hiện trong năm 2025.

Hiện nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã bố trí đủ kinh phí hơn 22 tỷ đồng để xóa toàn bộ số nhà tạm, nhà dột nát nêu trên với mức hỗ trợ xây mới nhà ở là 50 triệu đồng/nhà và 25 triệu đồng/nhà sửa chữa. Tính đến tháng 11.2024, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân bổ 7,45 tỷ đồng cho các huyện, thành phố hỗ trợ 110 hộ xây mới và 78 hộ sửa nhà.

Để triển khai tốt chương trình, huyện Võ Nhai đã thành lập Ban Chỉ đạo vận động, xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên, thành lập tổ giúp việc… Với phương châm "Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân chủ động, cộng đồng giúp đỡ", toàn huyện đã tập trung huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhận 50 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, ông Lương Văn Thành, xóm Trung Thành, xã Thượng Nung rưng rưng bày tỏ, ngôi nhà sàn bằng gỗ tạp của gia đình đã dột nát từ lâu, nhiều năm qua gia đình đã cố gắng chuẩn bị cho việc sửa nhà nhưng sức khỏe yếu, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn nên dù cho họ hàng và bà con hàng xóm tận tình giúp sức vẫn chưa biết khi nào mới đủ lực để làm. Năm nay nhờ số tiền được hỗ trợ, gia đình mới dám mạnh dạn vay mượn thêm, bà con trong xóm xúm tay vào đã dựng được ngôi nhà gỗ chắc chắn đúng như mong ước cả đời.

Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” mang đến nhiều kết quả tích cực, hiệu quả cao

Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” mang đến nhiều kết quả tích cực, hiệu quả cao

Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết, xóa nhà ở tạm, nhà dột nát là chương trình vô cùng ý nghĩa đối với địa phương. Quy trình hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được tiến hành bài bản, chặt chẽ với sự tham gia trực tiếp của chính quyền, người dân địa phương. Bên cạnh đó, các xã cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể hỗ trợ tối đa về nguyên vật liệu, ngày công; tư vấn phương án xây dựng phù hợp với điều kiện từng gia đình để tránh lãng phí; phát huy tối đa giá trị, ý nghĩa của ngôi nhà đại đoàn kết. Người nghèo được hỗ trợ xây nhà kiên cố không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống, mà còn đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng Võ Nhai đạt chuẩn nông thôn mới. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện công tác này.

"Vì một Thái Nguyên không còn đói nghèo”

Tính đến hết năm 2023, một số mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại Thái Nguyên đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (hoàn thành vào năm 2025) như: xây dựng 113 mô hình, dự án giảm nghèo, đạt 205% chỉ tiêu kế hoạch; mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo có một thành viên trong độ tuổi có việc làm bền vững, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch; hỗ trợ hơn 2.500 hộ nghèo về nhà ở, đạt 128% kế hoạch; số hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 104% chỉ tiêu kế hoạch... Năm 2024 tiếp tục xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện cho 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo.

Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” mang đến nhiều kết quả tích cực, hiệu quả cao

Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” mang đến nhiều kết quả tích cực, hiệu quả cao

Nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên phấn đấu "Vì một Thái Nguyên không còn đói nghèo”, phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn 600 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện; Chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” đã vận động ủng hộ được trên 207 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” đã kêu gọi được hơn 137 tỷ đồng. Hằng năm, 100% các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh được Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ sửa chữa, xây mới gần 4.000 ngôi nhà của hộ nghèo, hàng nghìn hộ khác được hỗ trợ vốn sản xuất, tập huấn kỹ thuật, từng bước vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Qua khảo sát thực tế, trên địa bàn tỉnh không có hộ tái nghèo.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐ, TB - XH khẳng định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Số hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, đời sống ngày được nâng cao đã thực sự mang lại động lực để đồng bào thoát nghèo bền vững. Điều đó khẳng định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được tỉnh triển khai bài bản, đúng quy định, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, khẳng định rõ vai trò, chức năng của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác giảm nghèo bền vững. Trong những tháng tới đây, Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cùng với những chính sách sáng suốt, kịp thời, nhân văn của cấp ủy, chính quyền, người dân Thái Nguyên luôn có ý thức phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái để tạo điểm tựa vững chắc cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây cũng chính là sức mạnh để Thái Nguyên không chỉ thành công trong giảm nghèo mà còn đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, hoàn thành mục tiêu “xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía bắc và Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.

Thành Đồng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-post397657.html
Zalo