Bài cuối: 'Bước chân thép' của thầy và trò trên thao trường tập luyện diễu binh, diễu hành
Trong các buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành tại TP Hồ Chí Minh - hoạt động quan trọng đặc biệt trước đại lễ kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - màn trình diễn hoành tráng của lực lượng CAND không chỉ thu hút sự chú ý của người dân thành phố mang tên Bác mà còn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách quốc tế…
Để tạo ra những màn trình diễn đẹp mắt, phô diễn sức mạnh của lực lượng CAND là mồ hôi, công sức và sự khổ luyện của các huấn luyện viên, CBCS và học viên trên thao trường trong nhiều tháng.
Khóa huấn luyện đặc biệt
"Công việc của một huấn luyện viên đòi hỏi sự kiên trì, bình tĩnh và nhẫn nại… phụ trách khối nữ sĩ quan còn phải có sự nhẹ nhàng, thực sự thấu hiểu và cảm thông" - Thượng úy Mai Anh Tuấn, cán bộ Bộ Tư lệnh CSCĐ, giáo viên chính khối nữ sĩ quan CSGT mở đầu câu chuyện với tôi.

Những giờ luyện tập kiên trì, nỗ lực của các huấn luyện viên với cán bộ, chiến sĩ và học viên tham gia diễu binh, diễu hành.
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, đôi bàn tay của người huấn luyện viên thoăn thoắt thực hiện thao tác bó gối cho học viên Nông Hoàng Lệ Quyên, sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân. Gần nửa năm đồng hành với khối nữ sĩ quan CSGT, Mai Anh Tuấn phần nào hiểu được tâm tư, tình cảm, tính cách và sở trường của các thành viên trong khối… Học viên Quyên bị dây chằng chéo phía trước mỏng do cơ địa. Trong quá trình luyện tập đi nghiêng ở cự ly dài, học viên thường bị đau buốt, tê chân… Vậy nhưng, dù nắng hay mưa, Nông Thị Hoàng Quyên vẫn chưa một lần bỏ tập.
Một lần tình cờ, sau buổi tập, Thượng úy Mai Anh Tuấn thấy Quyên ngồi một góc khuất, lặng lẽ lau nước mắt. Sau khi tìm hiểu và biết được nguyên nhân, hằng ngày vào buổi sáng, trước lúc tập luyện, Thượng úy Mai Anh Tuấn đều thực hiện bó gối; sau các buổi tập lại hướng dẫn Quyên cách chườm đá để khắc phục vết thương. Cùng với sự đồng hành của huấn luyện viên và nghị lực của bản thân, Quyên đã dần đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Một ngày làm việc của Thượng úy Mai Anh Tuấn bắt đầu từ 5h và kéo dài đến khoảng 21h cùng ngày… Trước khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, huấn luyện khối nữ sĩ quan CSGT tham gia diễu binh, diễu hành trong đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thượng úy Mai Anh Tuấn đã có 5 năm kinh nghiệm trong công tác huấn luyện khối nữ sĩ quan CSGT.

Anh đã tham dự nhiều sự kiện như Đại hội khỏe vì An ninh Tổ quốc Bộ Công an lần thứ 5; phụ trách khối nữ CSGT tại lễ xuất quân bảo vệ Đại hội Đảng năm 2021; khối nữ sĩ quan tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh rồi gần đây nhất là khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… Song lần thực hiện nhiệm vụ này, mang lại cho anh cảm xúc rất đặc biệt…
Anh tiếp lời: "Lần này, về kỹ thuật thì không khác so với các lần huấn luyện trước nhưng trách nhiệm và quy mô của sự kiện lớn nhất trong các lần tôi thực hiện nhiệm vụ. Cá nhân tôi, sau 5 năm đi huấn luyện điều lệnh, có kinh nghiệm, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của phái yếu nhưng với các bạn nữ ở khu vực phía Nam thì đây là lần đầu tiên tiếp xúc nên lúc đầu cả thầy và trò cũng có sự bỡ ngỡ".
Công tác huấn luyện đối với nữ cũng phải có sự điều chỉnh khác so với nam giới bởi thể lực của phái nữ không bằng nam; tâm lý cũng dễ bị tổn thương hơn. Vì thế, quá trình tổ chức luyện tập nghiêm khắc nhưng vẫn phải có sự mềm mỏng; phải tính toán phương pháp để tăng dần thể lực từ cơ bản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Theo nhiệm vụ, khối nữ sĩ quan CSGT thực hiện điều lệnh đội ngũ từng người, tay không. Đây là một nội dung khó trong điều lệnh CAND bởi phải phối hợp giữa kỹ thuật tay và chân. Để có sự đồng đều thì kỹ thuật cá nhân từng người, từng hàng rồi đội hình khối phải tốt; trong từng hàng thì tốc độ tay phải di chuyển nhanh như nhau mới đồng đều…
Cùng với những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội, Thượng úy Mai Anh Tuấn cũng đặc biệt ấn tượng về nghị lực và sự quyết tâm của các thành viên khối nữ sĩ quan CSGT. Thượng úy Mai Anh Tuấn nhớ lại, những ngày đầu, thể lực của các học viên tham gia khối nữ sĩ quan CSGT còn yếu nên những cô gái "chân yếu, tay mềm" ấy phải nỗ lực hết mình. Họ vẫn sử dụng dây kháng lực để tập cơ đùi; tập đi nghiêm trong quãng đường khoảng 200m…
Trong tất cả những thời khắc đó, Thượng úy Mai Anh Tuấn cùng đồng đội luôn đồng hành và chứng kiến sự nỗ lực của mỗi người. Bởi thế, trong sâu thẳm tâm trí, anh và đồng đội thầm cảm phục nghị lực của mỗi nữ sĩ quan. Bên ngoài vẻ yếu đuối của một nữ giới là sự kiên cường và dẻo dai. Để khắc phục những lỗi về kỹ thuật, các nữ chiến sĩ tự đứng trước gương để tập luyện cho đến khi nhuần nhuyễn…

"Cũng là công tác huấn luyện nhưng việc huấn luyện tân sinh viên rất khác so với mức độ và cường độ của diễu binh, diễu hành cấp quốc gia. Cũng bởi vậy, việc huấn luyện được thực hiện nghiêm túc; quán triệt theo lộ trình chung…", Thiếu tá Bùi Văn Dũng, giáo viên chính của khối Công an TP Hồ Chí Minh nói với chúng tôi.
Vào ngành năm 2007, công việc thường nhật của Thiếu tá Bùi Văn Dũng là quản lý, huấn luyện tân sinh viên các trường CAND đến huấn luyện đầu khóa tại Bộ Tư lệnh CSCĐ. Song việc nhận nhiệm vụ huấn luyện học viên, CBCS khối Công an TP Hồ Chí Minh tham gia diễu binh, diễu hành Đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ban đầu Thiếu tá Bùi Văn Dũng rất lo lắng.
"Về kỹ thuật, khối Công an TP Hồ Chí Minh đòi hỏi yêu cầu rất cao về các động tác tay, chân, thân và mặt. Để đảm bảo yêu cầu, phải có sự hiệp đồng, thống nhất cao trong cả khối. Mỗi thành viên phải rèn luyện để tất cả cùng một cử chỉ, một hành động, phải xuất phát từ cùng một ý chí…" - Thiếu tá Bùi Văn Dũng cho biết. Trong khi đó, khối Công an TP Hồ Chí Minh có nhiều lứa tuổi, đến từ các vùng, miền khác nhau… Cũng như các huấn luyện viên khác, với nhiệm vụ được phân công, anh cùng đồng đội chịu trách nhiệm từ bữa ăn đến giấc ngủ; đồng thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của CBCS và học viên trong suốt thời gian huấn luyện.
"Một trong những kỷ niệm đặc biệt mà mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy áy náy; đồng thời lại tự trách mình bởi là người thầy, cán bộ làm công tác huấn luyện trực tiếp mà chưa kịp thời nắm bắt được tâm tư, tình cảm của cán bộ..." - kể lại với tôi những kỷ niệm vui, buồn trong quá trình huấn luyện, Thiếu tá Bùi Văn Dũng cho biết.
Anh kể lại: Hôm đó, trong giờ luyện tập buổi sáng, anh phát hiện một học viên trong khối có biểu hiện chểnh mảng, không tập trung… Sau đó, trong quá trình tập, nữ chiến sĩ này bất ngờ bị ngã trên sân tập. Khi đó, anh nghĩ rằng học viên này không chuyên tâm, thiếu ý thức trách nhiệm trong rèn luyện và rất không hài lòng. Nhưng sau khi tìm hiểu, anh biết rằng những ngày qua, nữ học viên đã gặp chuyện buồn về gia đình. Khi đó, Thiếu tá Bùi Văn Dũng đã chủ động gặp gỡ riêng nữ chiến sĩ; lắng nghe tâm tư rồi động viên và chia sẻ.
"Đối với một người thầy, hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy sự trưởng thành của học trò theo từng ngày; tâm huyết và công sức của mình được các học viên tiếp thu, trở thành những hình ảnh thực tế… Đến nay, sau nhiều tháng nỗ lực rèn luyện, chúng tôi đã sẵn sàng cho đại lễ" - Thiếu tá Bùi Văn Dũng cho biết.

Những giờ luyện tập kiên trì, nỗ lực của các huấn luyện viên với cán bộ, chiến sĩ và học viên tham gia diễu binh, diễu hành.
So với đồng đội, Đại úy Nguyễn Thu Oanh, cán bộ Bộ Tư lệnh CSCĐ có lợi thế hơn bởi gia đình chị ở Đồng Nai… Tuy nhiên, cũng không vì thế mà công việc của chị không có những khó khăn. Từ ngày 15/12/2024, Đại úy Nguyễn Thu Oanh được giao quản lý khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm với 128 học viên và chiến sĩ đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước. Cùng tham gia công tác quản lý với chị có 5 giáo viên khác. Cùng là nữ, chị có thuận lợi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CBCS tham gia nhưng không vì thế mà mọi việc dễ dàng.
"Công việc của một cán bộ quản lý như nuôi con mọn; ngoài lo bữa ăn, giấc ngủ còn phải nắm bắt tâm tư của các học viên và CBCS; nửa đêm, có tâm sự, có đồng chí cũng tìm đến chị chia sẻ… Bởi thế mà, dù nhà ở cách đơn vị chưa đầy 2km nhưng nửa tháng qua chị không được về nhà. Những lúc nhớ con, chị lại gọi điện thoại… Thật may, chị có sự ủng hộ của chồng và những người thân. Từ đó, Đại úy Nguyễn Thu Oanh có thể chuyên tâm với công việc được giao.
Trong quãng thời gian đồng hành, không ít lần cả cô và trò cùng ôm nhau ngồi khóc. Chị kể, trước đây, trong khối chị quản lý có một bạn nữ thể lực yếu hơn so với những bạn khác. Trong một lần luyện tập, chiến sĩ này bị trẹo ngón chân… Dù đôi bàn chân sưng tấy, đau đến tận xương, tủy nhưng nữ chiến sĩ vẫn gặp chị, kiên quyết đòi được ra khối, mặc dù theo chỉ định của bác sĩ, học viên này phải nghỉ 12 ngày. Lúc ấy, cả cô và trò chỉ biết ôm nhau ngồi khóc. Sau 12 ngày nghỉ, khi vết thương vẫn chưa lành hẳn, học viên đã xin trở lại khối và giờ đã trở lại với đội ngũ để thực hiện nhiệm vụ vinh dự của mình.
Nỗ lực của các học viên
"Nếu được, cha muốn con viết tiếp ước mơ dang dở của cha… Cha muốn được nhìn thấy con trong bộ trang phục của một sĩ quan CAND", nghe những tâm sự ấy, Nguyễn Thị Ngọc Nhi quyết tâm trở thành một cán bộ Công an .
Cho đến bây giờ, Nguyễn Thị Ngọc Nhi, sinh viên năm 3, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, tham gia khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm vẫn không quên được ánh mắt ngập tràn hạnh phúc của cha, khi cô nhận quyết định trúng tuyển Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. "Khi đó, còn chưa biết thời gian nhập học nhưng suốt đêm hôm đó, bố tôi thức trắng sắp xếp đồ đạc vào va ly cho con", Nhi kể lại, trong ánh mắt chứa chan sự xúc động.

"Khối nữ Cảnh sát đặc nhiệm thực hiện việc treo súng tiểu liên MP 533 nên chủ yếu luyện tập về kỹ thuật chân. Trong khối, kỹ thuật tay không phức tạp bằng các khối khác nhưng đổi lại phải treo khẩu súng nặng khoảng hơn 2kg trên người, có lúc súng đè lên người tạo ra cảm giác khó thở… Trong quá trình luyện tập, đồng thời phải thể hiện sự tự hào trong mỗi bước chân; phải đặt cả trách nhiệm; gương mặt phải thể hiện sự tươi vui, rạng rỡ" - học viên Nguyễn Thị Ngọc Nhi cho biết.
Trong quá trình huấn luyện đã để lại cho Nhi nhiều kỷ niệm khó quên, Nhi nhớ lại: Vào thời điểm đó, gia đình Nhi xảy ra chút việc nên trong quá trình luyện tập bị phân tâm; đi học cảm thấy không còn hăng hái và tươi vui như trước. Trong quá trình luyện tập, các thầy đã nhanh chóng nhận ra điều đó… Sau đó, thầy chủ động gặp riêng chia sẻ… Sau khi được làm công tác tư tưởng, Nhi đã yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình.

Để tạo ra những màn trình diễn đẹp mắt, phô diễn sức mạnh của lực lượng CAND là mồ hôi, công sức và sự khổ luyện của các huấn luyện viên, CBCS và học viên trên thao trường trong nhiều tháng.
Lần đầu tiên được tham gia biểu diễn, tôi mới hiểu thêm khái niệm đi trong vòng tay của nhân dân như thế nào. Dù lúc đó bị cấm đường nhưng người dân vẫn đứng để thấy chúng tôi dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Lúc ấy, tôi cảm thấy phải có trách nhiệm hơn nữa; mỗi bước chân không còn cảm thấy mỏi khi thấy con đường của mình toàn lá cờ Tổ quốc…" - Nguyễn Thị Ngọc Nhi cho biết.
Vệt dây quai mũ hằn in trên gương mặt bầu bĩnh trắng trẻo, Hoàng Hoài Thương, học viên Trường Đại học An ninh nhân dân, đang tham gia khối nữ CSGT chia sẻ: "Là chiến sĩ được tham gia diễu binh, diễu hành, tôi vô cùng xúc động và tự hào bởi đây là vinh dự không phải ai cũng có được. Với cá nhân, tôi luôn trân trọng và biết ơn với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do…".
Trải qua thời gian huấn luyện dài, trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở Đồng Nai, với cường độ tập tuyện cao; đôi lúc đôi chân mang giày da phồng rộp…, nhưng Hoàng Hoài Thương và đồng đội vẫn luôn cố gắng; động viên nhau tập luyện. Cùng với sự đồng hành, quan tâm sát sao của các huấn luyện viên, với sự chỉ bảo tận tình, những "bông hồng thép" được tham gia diễu binh, diễu hành đã hoàn thành khóa huấn luyện.
Chúng tôi rời Sở chỉ huy, khi các huấn luyện viên đang hướng dẫn CBCS và các học viên các phương pháp làm mềm giầy như đánh si, hoặc chanh, dấm lên bề mặt da và phơi trong bóng mát nhằm hạn chế được phần nào tình trạng trầy da tại gót chân. Cùng với đó, những bộ quần áo, mũ của các khối được chỉnh sửa cho phù hợp với số đo đảm bảo vừa vặn với từng cá nhân… Tất cả đều sẵn sàng cho Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.