Bài 9: Đại đức Thích Pháp Lữ - vị sư khoác chiến bào vì nước, vì dân
Trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hình ảnh những vị tu sĩ Phật giáo không chỉ tỏa sáng ở chốn thiền môn mà còn hiển lộ nơi chiến trường - khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Phật giáo Việt Nam không chỉ là đạo lý, là giáo lý, mà còn là hành động yêu nước nhập thế. Và giữa biết bao gương mặt đã viết nên huyền thoại 'cởi áo cà sa, khoác chiến bào' có Đại đức Thích Pháp Lữ, thế danh Đinh Thế Hinh.
Năm 2017, ở tuổi 92, người cựu tu sĩ - cựu chiến binh ấy vẫn sống trong căn hộ nhỏ tại Khu tập thể E3, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Trong sự giản dị, bình yên ở nơi cư trú, giữa hương khói nhẹ nhàng từ bát hương trên kệ thờ Đức Phật, chúng tôi gặp ông - Đại tá Đinh Thế Hinh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 542, Bộ Tư lệnh Trường Sơn - người từng là Đại đức Thích Pháp Lữ, một trong 27 nhà sư đầu tiên gia nhập Vệ quốc đoàn trong Phong trào Phật tử kháng chiến năm 1947.
Khởi đầu nơi cửa Phật
Sinh năm 1927 tại làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ông là con út trong gia đình có 8 người con, gia đình nghèo nhưng sùng đạo, nhiều đời kính ngưỡng Phật pháp. Vì là con trai duy nhất, ông được kỳ vọng sẽ thay cha gìn giữ nếp nhà và đạo lý. Năm 13 tuổi, ông được cha mẹ gửi lên chùa Cổ Lễ - một trong những ngôi chùa cổ kính bậc nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ để tu học, pháp danh được đặt là Thích Pháp Lữ, thể hiện chí nguyện hành trì giáo pháp, sống cuộc đời thanh tịnh.

Đại tá Đinh Thế Hinh (pháp danh Thích Pháp Lữ trước khi xả giới nhập thế)
Tại chùa, ông theo pháp môn Tịnh độ - lấy tín nguyện và hành trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà làm căn bản tu hành. Nhưng điều đáng quý hơn cả là dù mới chỉ là một hình đồng nhỏ tuổi, ông đã sớm tỏ ra thông minh, chăm chỉ và giàu lòng từ bi. Được các bậc tôn túc thương yêu, gửi gắm, ông lần lượt đi học tiếp tại nhiều chùa lớn khắp miền Bắc: chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Côn Sơn (Hải Dương)... Trong suốt 5 năm tu học, ông không chỉ tinh tấn tu hành mà còn học chữ Quốc ngữ, bồi dưỡng về giáo lý, đọc sách Hán - Nôm và truyền dạy lại cho các bạn đồng tu.
Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở về chùa Cổ Lễ phụ giúp Hòa thượng Thích Thế Long trụ trì và bắt đầu dạy chữ Quốc ngữ cho các tăng sinh, tiếp tục hành đạo trong bối cảnh đất nước vừa giành lại nền độc lập nhưng cũng đang đứng trước hiểm họa tái xâm lược của thực dân Pháp.
Lý tưởng cứu quốc từ cửa thiền
Năm 1946, chiến tranh lan rộng, quân Pháp chiếm đóng trở lại nhiều vùng ở miền Bắc, chùa Cổ Lễ - linh thiêng và yên bình - cũng không tránh khỏi vòng vây kẻ thù, những người tu hành bị buộc phải sơ tán. Trong tình thế đó, các nhà sư không thể đứng ngoài vận mệnh quốc gia. Về nội tâm của Thích Pháp Lữ - chàng trai tuổi chưa tròn đôi mươi, ý chí bảo vệ đạo pháp, hộ quốc an dân đã nung nấu mãnh liệt.
Mùa xuân năm 1947, tại chùa Cổ Lễ, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hòa thượng Thích Thế Long triệu tập tăng ni trong vùng, tổ chức lễ phát nguyện đặc biệt “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào”. Buổi sáng hôm đó, giữa không khí thiêng liêng tràn ngập sân chùa, 27 vị sư trẻ đứng trước Phật đài, trước quốc kỳ và hương hồn tổ tiên, long trọng hạ quyết tâm từ bỏ chiếc áo nâu sồng, gia nhập Vệ quốc đoàn, trở thành những chiến sĩ đầu tiên trong Đội quân Phật tử Việt Nam. Những lời phát biểu của hòa thượng trụ trì hôm đó vẫn in đậm trong ký ức Đại đức Thích Pháp Lữ: “Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le ngay cửa Phật. Phật pháp bất ly thế gian, khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các phật tử cũng phải góp sức đánh giặc, cứu nước...”.
Từ giây phút ấy, Thích Pháp Lữ trở thành người chiến sĩ mang trong tim hình bóng của Phật, nhưng tay cầm súng, vai đeo ba lô hành quân về chiến khu.
Năm tháng lửa đạn và những lần “hóa thân” kỳ diệu
Sau khi nhập ngũ, Thích Pháp Lữ (nay là đồng chí Đinh Thế Hinh) được phân công làm Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền, phụ trách khu vực Bùi Chu, Xuân Trường - những vùng đất Phật giáo sâu đậm. Đội của ông hoạt động bí mật trong vùng địch kiểm soát, vừa tuyên truyền cho Cách mạng, vận động Nhân dân, vừa tiêu diệt những phần tử phản động, bảo vệ cơ sở.
Trong ký ức, ông còn nhớ có lần suýt hy sinh. Đó là một buổi trưa năm 1951, khi ông đang hoạt động tại làng Hành Thiện thì bị địch bao vây. Trong tình thế không lối thoát, ông nhanh trí giả làm nhà sư đang ngồi gõ mõ niệm kinh Bát Nhã giữa đám chay với áo nâu, mũ ốc. Quân Pháp vào làng lục soát, thấy ông giống nhà sư thật nên rút đi. Lần đó ông thoát nạn nhờ trí tuệ và... sự hộ trì của Tam bảo!

Chùa Cổ Lễ (Nam Định), nơi 27 nhà sư cởi áo cà sa, khoác chiến bào
Sau đó, ông tiếp tục hoạt động cho đến ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, được kết nạp vào Đảng, tiếp tục học tập và trưởng thành trong quân đội. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, ông trở thành Chính ủy Trung đoàn 542 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đơn vị đóng quân tại A Lưới, Thừa Thiên - Huế.
Năm 1972, trong một trận ném bom của máy bay B-52, chỉ huy sở của đơn vị bị đánh sập, hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh, Chính ủy Đinh Thế Hinh bị vùi trong đất đá. Tưởng ông đã hy sinh, đồng đội chuẩn bị khâm liệm. Nhưng kỳ diệu thay, sau nhiều giờ hôn mê, ông bất ngờ tỉnh dậy và dùng hết sức đạp tung tấm nylon phủ trên người. Mọi người òa khóc khi thấy ông vẫn còn sống.
Sau ba ngày cấp cứu, ông hồi phục và trở lại đơn vị. Ký ức đau thương đó trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc đời binh nghiệp của vị sư xuất trận.
Viết tiếp sứ mệnh truyền đạo - hộ quốc
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Đại tá Đinh Thế Hinh nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục việc đạo. Ông trở về đời sống cư sĩ, tiếp tục cống hiến cho đạo pháp bằng cách viết bài, giảng giải giáo lý nhà Phật, phổ biến tư tưởng nhập thế cho lớp trẻ.
Ông cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo, viết các bài bình luận về triết lý nhân sinh, đạo đức ứng xử trong xã hội hiện đại. Với giọng văn mộc mạc, ông không nói những lời quá cao siêu về đạo Phật, mà viết cho con người, cho đời sống và lương tri. Không ngày nào ông không đọc sách Phật, viết bài, soạn tài liệu. Trong căn hộ nhỏ, hàng trăm cuốn sách vẫn được ông gìn giữ, trân trọng như bảo vật. Ông từng tâm sự: “Tu hành là sự lựa chọn của tâm, không nhất thiết phải ở chùa. Hộ quốc an dân, giúp đời, truyền đạo cũng là tu hành”.
Đại đức Thích Pháp Lữ là một trong những minh chứng sống động cho tinh thần nhập thế đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Không rút vào cõi tĩnh lặng khi đất nước lâm nguy, ông và những người bạn đồng hành năm xưa - các nhà sư Vệ quốc đoàn - đã làm nên huyền thoại “cởi áo cà sa, khoác chiến bào”. Họ chiến đấu vì nghĩa lớn, nhưng tâm hồn không rời Phật. Họ giết giặc cứu dân, nhưng lòng vẫn đầy từ bi. Họ mang theo ánh sáng trí tuệ và tình thương của đạo Phật để soi đường trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến.
Câu chuyện về ông - vị sư nhập thế, người lính trung kiên, nhà trí thức mẫu mực - đã trở thành di sản tinh thần quý báu cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Tư tưởng “đạo không rời đời, Phật giáo là hành động vì con người” của ông vẫn mãi còn nguyên giá trị, đặc biệt khi thế giới đang phân hóa và xung đột.
Trong thời bình, chúng ta càng thêm trân trọng những tấm gương như Đại đức Thích Pháp Lữ để nhắc nhớ rằng lòng yêu nước không chỉ nằm trong lời hô hào, mà phải thể hiện ở từng hành động - dù là nơi chiến trường lửa đạn hay trong đời sống bình dị hàng ngày. Và một nhà sư đã từng chiến đấu, từng sống và viết bằng cả trái tim cho dân tộc, cho đạo pháp như ông xứng đáng là tấm gương sáng giữa đời.