Tranh của Lê Phổ vượt mốc 2 triệu Euro, gây ấn tượng tại Aguttes (Pháp)

Tại buổi đấu giá do Aguttes (Pháp) tổ chức ngày 13/5, tác phẩm 'Le bain' (Tắm) của danh họa Lê Phổ (1907-2001) đã lập kỷ lục mới khi được gõ búa 1.560.000 Euro. Sau khi cộng phí và thuế, giá cuối cùng mà người mua chi trả cho bức tranh lên đến 2.028.000 Euro.

“Le bain” được sáng tác khoảng năm 1938, trong giai đoạn đầu sự nghiệp của danh họa Lê Phổ khi ông còn sống và sáng tác tại Việt Nam. Tác phẩm được thực hiện trên chất liệu lụa kết hợp mực, gouache và màu nước, với kích thước 61x45,5cm. Bức tranh tái hiện một khung cảnh đời thường đầy chất thơ: người mẹ đang tắm cho con nhỏ, phía xa là một người phụ nữ áo vàng đang giặt đồ bên bờ nước.

Bố cục lớp lang tạo chiều sâu, phối cảnh uyển chuyển, nhẹ nhàng theo truyền thống Á Đông, gợi cảm giác yên bình, gần gũi và đầy chất quê hương. Đây là một bố cục được tính toán kỹ lưỡng, thấm đẫm tinh thần Á Đông mà Lê Phổ theo đuổi trong suốt sự nghiệp.

Tác phẩm "Le bain” của danh họa Lê Phổ (1970-2001) tại buổi đấu giá.

Tác phẩm "Le bain” của danh họa Lê Phổ (1970-2001) tại buổi đấu giá.

Ông Lê Quang, Chủ tịch Le Auction House, người tham dự trực tiếp phiên đấu giá tại Aguttes, Paris, cho biết, với mức hơn 2 triệu Euro cho một bức tranh lụa cho thấy nghệ thuật Đông Dương, cụ thể là tranh lụa Việt đang dần chiếm lĩnh vị thế xứng đáng trên bản đồ toàn cầu. Và Lê Phổ tiếp tục khẳng định vị thế như một trong những danh họa Việt Nam được sưu tập và đánh giá cao nhất trên thị trường nghệ thuật quốc tế, đồng thời làm dày thêm chương thành công của các tác phẩm lụa thời kỳ đầu Đông Dương trên sàn đấu giá hiện đại.

Cũng trong phiên đấu giá, một tác phẩm khác của Lê Phổ là “La Lettre” (Lá thư) được gõ búa ở mức 330.000 Euro, vượt qua mức ước lượng ban đầu từ 200.000 đến 300.000 Euro. Sau phí và thuế, tổng giá trị thanh toán cho tác phẩm lên đến 429.000 Euro, một minh chứng thuyết phục cho sức hút trường tồn của mỹ thuật Đông Dương trên thị trường toàn cầu.

Tác phẩm "Lá thư" của danh họa Lê Phổ (1970-2001) tại buổi đấu giá.

Tác phẩm "Lá thư" của danh họa Lê Phổ (1970-2001) tại buổi đấu giá.

Sáng tác khoảng năm 1944, “La lettre” thể hiện chân dung một thiếu nữ đang trầm tư bên lá thư, với nét mặt thanh tú và dáng ngồi nghiêng nghiêng đầy thơ mộng - một phong cách tiêu biểu của Lê Phổ trong giai đoạn ông cộng tác cùng Galerie Romanet. Chất liệu mực và màu trên lụa, cùng với khung gỗ nguyên bản từ thời kỳ Romanet, làm nổi bật không khí nhẹ nhõm và thoát tục mà Lê Phổ đã dày công xây dựng qua hàng thập kỷ sáng tác.

Cùng với đó, tác phẩm “Phong cảnh làng quê” (Paysage d’un village), sơn mài bình phong sáu tấm, của họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1987) được đấu giá thành công với mức 223.000 Euro. Đây là minh chứng rõ nét khẳng định giá trị của nghệ thuật sơn mài Đông Dương, một chất liệu độc bản của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX.

Tác phẩm "Phong cảnh làng quê" của họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1987).

Tác phẩm "Phong cảnh làng quê" của họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1987).

Phong cảnh làng quê là một bình phong gồm 6 tấm, mỗi tấm có kích thước 100x32,5cm, tổng thể lên đến 100x195cm - một tác phẩm quy mô lớn được thực hiện trên chất liệu sơn mài, vốn là thế mạnh của Lê Quốc Lộc. Sáng tác từ năm 1942, bức tranh mô tả khung cảnh làng quê yên bình ven dòng Mekong, với những mái nhà rơm, hàng cây, bến nước, đường làng… tất cả hiện lên giản dị nhưng đầy sức gợi trong một tổng thể bố cục mạch lạc, tiết chế màu sắc và nhấn mạnh độ sâu của không gian - đặc trưng cho phong cách sơn mài Đông Dương thời kỳ cực thịnh.

Theo ông Lê Quang, đây là một tác phẩm kỳ công, đạt đến sự dung hòa giữa kỹ thuật sơn mài truyền thống và cảm hứng hiện đại, vừa mang tính trang trí cao, vừa truyền tải sâu sắc tinh thần thanh tĩnh, dung dị mà đầy nội lực của làng quê Việt.

Ngoài giá trị nghệ thuật, bức tranh còn có giá trị sưu tầm lớn khi từng nằm trong một bộ sưu tập tư nhân tại Sài Gòn (thu thập trước năm 1946), rồi chuyển sang Pháp và truyền lại qua thừa kế cho đến ngày nay.

Nhà tổ chức cho biết, người mua tác phẩm sẽ được nhận kèm chứng nhận xác nhận bức tranh sẽ được đưa vào catalogue raisonné chính thức của Lê Phổ, hiện đang được Charlotte Aguttes-Reynier - đại diện của Hiệp hội Nghệ sĩ Á châu tại Paris thực hiện.

Phiên đấu không chỉ ghi nhận những con số ấn tượng mà còn cho thấy sự trưởng thành vững chắc của nghệ thuật Việt Nam.

HẰNG NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranh-cua-le-pho-vuot-moc-2-trieu-euro-gay-an-tuong-tai-aguttes-phap-post879947.html
Zalo