Bài 8: Hòa thượng Thích Thanh Tứ - vị cao tăng trọn đời phụng sự đạo pháp và dân tộc
Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, hình ảnh những vị cao tăng không chỉ hiện diện nơi thiền môn thanh tịnh mà còn in đậm dấu ấn trong sự nghiệp giải phóng và dựng xây đất nước. Hòa thượng Thích Thanh Tứ - thế danh Trần Văn Long - là một trong những bậc chân tu tiêu biểu đã dành trọn đời mình để phụng sự đạo pháp và dân tộc, trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần nhập thế vị tha và can trường.
Tuổi thơ gian khó và duyên lành với Phật pháp
Sinh năm 1927 tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong gia đình nông dân nghèo, Hòa thượng Thích Thanh Tứ mồ côi mẹ khi mới lên 3 tuổi. Dưới sự nuôi dưỡng của người cha kính tin Tam bảo, ngài thường xuyên theo cha lên chùa làng làm công quả, từ đó gieo duyên với Phật pháp. Năm lên 6, ngài được Ni trưởng Thích Đàm Ân - trụ trì chùa Nho Lâm - nhận về nuôi dưỡng và cho đi học tại các trường trong vùng. Đến năm 12 tuổi, ngài thụ giáo Hòa thượng Thích Thanh Hồ tại chùa Đống Long và được thụ giới Sa-di năm 1939. Năm 1947, ngài thụ Đại giới Tì-kheo tại chùa Pháp Quang, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Trong bối cảnh đất nước bị thực dân, phong kiến đô hộ, Nhân dân lầm than, Hòa thượng Thích Thanh Tứ sớm nhận thức được rằng "nước mất thì đạo cũng bị hủy hoại, Nhân dân, phật tử không có cuộc sống an lạc, Phật pháp không được xiển dương". Với tinh thần "Phật pháp bất ly thế gian giác", ngài đã tích cực tham gia các hoạt động Cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt minh.
Tháng 3/1945, ngài cùng người dân địa phương tổ chức phá kho thóc của chế độ phong kiến và đế quốc Nhật tại chùa Đống Long để cứu giúp đồng bào đang lâm cảnh đói khổ. Sau Cách mạng tháng Tám, ngài tiếp tục tham gia các phong trào yêu nước của giới tăng ni, phật tử tỉnh Hưng Yên. Giai đoạn 1947 - 1949, ngài là Ủy viên Ban chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Hưng Yên.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ (bên trái) cung nghinh xá lợi Phật năm 2009
Từ tháng 01/1950 đến tháng 9/1951, Hòa thượng Thích Thanh Tứ tham gia lực lượng vũ trang bí mật tỉnh Hưng Yên, làm công tác dân vận, thúc đẩy tăng ni, phật tử tích cực tham gia các phong trào lao động sản xuất ủng hộ kháng chiến. Với những hoạt động tích cực đó, ngài bị thực dân Pháp đưa tên vào danh sách những người được "đặc biệt quan tâm". Từ tháng 10/1951 đến tháng 4/1953, hòa thượng bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn tại nhiều trại giam, nhưng ngài vẫn giữ vững tinh thần kiên trung, bất khuất.
Kiến tạo Giáo hội - Gắn kết đạo và đời
Sau khi ra tù, Hòa thượng Thích Thanh Tứ tiếp tục tham gia hoạt động Cách mạng. Từ năm 1955 - 1957, ngài chăm lo Phật sự tại các chùa Đống Long, Nho Lâm, Phó Nham, cùng tăng ni, phật tử lao động, sản xuất. Năm 1958, ngài tham gia thành lập Tùng Lâm Phật giáo tỉnh Hưng Yên và được suy cử làm Chánh Thư ký.
Năm 1968, khi 2 tỉnh Hưng Yên - Hải Dương hợp nhất thành Hải Hưng, Hòa thượng Thích Thanh Tứ được suy tôn làm Chánh Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Hải Hưng. Giai đoạn 1974 - 1980, ngài là Ủy viên Ban Trị sự kiêm Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, làm việc tại chùa Quán Sứ.
Cuối năm 1979, ngài tham gia Đoàn Phật giáo miền Bắc vào TPHCM và Huế để vận động thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo. Ngày 04/11/1981, Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Tứ được suy cử làm Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ năm 1997, ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, năm 2001 trở thành Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự và Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Suốt thời gian đảm nhiệm các chức vụ, ngài đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phục hồi và phát triển các hoạt động Phật sự, đặc biệt là tại miền Bắc sau ngày đất nước thống nhất.
Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã trực tiếp tham gia kiện toàn tổ chức, nhân sự giáo hội tại các địa phương, phục hồi các hoạt động Phật sự đúng chính pháp tại các cơ sở tự viện, kêu gọi công đức trùng tu các cơ sở tự viện xuống cấp, động viên tăng ni, phật tử yên tâm hành đạo và tích cực tham gia lao động sản xuất.
Với tâm nguyện đào tạo tăng ni có đủ tài đức, ngài đã dành nhiều tâm lực và trí tuệ để xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Sau hơn 20 năm tìm kiếm, ngài chọn được địa điểm tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội để đặt đá xây dựng học viện. Năm 2006, học viện khánh thành giai đoạn I, trở thành nơi đào tạo tăng ni uy tín, góp phần phát triển Phật giáo nước nhà.

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil hội kiến Thiền sư Thích Thanh Tứ tại chùa Trấn Quốc năm 2008
Hoạt động xã hội và quốc tế: Gắn kết đạo - đời
Hòa thượng Thích Thanh Tứ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, như: thăm hỏi, tặng quà các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người khuyết tật, xây nhà đại đoàn kết, tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo. Ngài còn tham gia Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam để đóng góp xây dựng chính sách xã hội.
Ngài đã đi thăm, làm việc và tham gia nhiều hội nghị tôn giáo quốc tế tại các nước Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước và Phật giáo Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Từ tháng 6/2010, sức khỏe Hòa thượng Thích Thanh Tứ suy giảm. Dù được chăm sóc tận tình, ngài đã an nhiên thu thần thị tịch vào hồi 08 giờ 15 phút ngày 26/11/2011 (nhằm ngày 02 tháng 11 năm Tân Mão), trụ thế 85 tuổi, gần 80 năm tu hành, phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Với những đóng góp to lớn, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Hai, Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng tặng nhiều bằng tuyên dương công đức cho ngài.
Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu đã tặng Hòa thượng Thích Thanh Tứ đôi câu đối "Chính đại quang minh tâm hướng Phật - Từ bi hỷ xả chí ưu dân".
Hòa thượng Thích Thanh Tứ là tấm gương sáng về tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của ngài là minh chứng cho sự gắn bó mật thiết giữa đạo - đời, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ tăng ni, phật tử và Nhân dân noi theo trên con đường tu hành và dựng xây đất nước. Ngài mãi mãi là biểu tượng của lòng từ bi, trí tuệ và tinh thần nhập thế cao cả.