Bài 4: Tăng trưởng bền vững từ những chính sách 'khoan sức dân'
Nhiều chính sách tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với tinh thần 'khoan sức dân' đã, đang và tiếp tục được đề xuất triển khai. Chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt và chủ động đó đã kịp thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh, là trợ lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã trao đổi với Tạp chí Kinh tế - Tài chính xoay quanh nội dung này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.
Miễn, giảm thuế để khoan sức dân
Phóng viên: Thưa đại biểu, Chính phủ vừa trình Quốc hội tiếp tục kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030. Đại biểu đánh giá như thế nào về chính sách này?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một trong những chính sách thuế đã được thực hiện từ nhiều năm qua, thể hiện rõ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính sách này được triển khai sau khi thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Người căn dặn phải miễn thuế đất nông nghiệp để khoan sức dân.
Mặc dù thuế suất thuế sử dụng đất nông nghiệp không cao, nhưng việc miễn thuế mang ý nghĩa rất lớn đối với nông dân. Với người sản xuất, bất kỳ một chi phí nào, dù nhỏ cũng góp phần làm tăng chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của họ. Do đó, chính sách miễn thuế đất nông nghiệp không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người sản xuất nông nghiệp mà còn là sự động viên, khuyến khích mạnh mẽ đối với lực lượng này.
Về mặt kinh tế, việc miễn thuế đất nông nghiệp trong nhiều năm qua không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước hay hiệu quả quản lý thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang chuyển sang giai đoạn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung, tích tụ ruộng đất, hướng đến nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, việc duy trì chính sách miễn thuế này cũng cần được đánh giá tổng thể.
Thực tế cho thấy, khi không phải chịu nghĩa vụ tài chính, một số trường hợp nhận đất nhưng không đưa vào sản xuất, gây lãng phí nguồn lực. Do đó, đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá toàn diện chính sách miễn thuế đất nông nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp mới, vừa bảo đảm khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tránh tình trạng đất bỏ hoang.
Phóng viên: Cùng với đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ cũng đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng với đối tượng được mở rộng hơn. Xin đại biểu cho biết quan điểm cá nhân về chính sách này?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Bên cạnh chính sách thuế nông nghiệp, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cũng là một biện pháp tài khóa quan trọng được Chính phủ triển khai từ thời kỳ dịch COVID-19. Trước những tác động tiêu cực của đại dịch, Chính phủ đã chủ động đề xuất giảm thuế GTGT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu ảnh hưởng nhằm kích thích tiêu dùng, giảm chi phí chi tiêu của người dân và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thực tiễn cho thấy, chính sách này trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần ổn định đời sống người dân, duy trì sức mua và hỗ trợ doanh nghiệp. Sau đại dịch, mặc dù nền kinh tế từng bước phục hồi, nhưng tiêu dùng nội địa vẫn chưa đạt mức kỳ vọng. Trong ba động lực tăng trưởng chính là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, thì tiêu dùng hiện vẫn là yếu tố phục hồi chậm nhất.
Chính sách giảm 2% thuế GTGT đã chứng minh hiệu quả không chỉ trong việc hạ giá hàng hóa, dịch vụ mà còn thúc đẩy tâm lý tiêu dùng, tạo thêm sức cầu cho thị trường. Đồng thời, nó cũng tác động tích cực đến hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ tiếp tục đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế GTGT, thậm chí mở rộng thêm đối tượng được hưởng chính sách này.
Tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng
Phóng viên: Hai chính sách trên nói riêng cũng như các chính sách tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nói chung đã, đang và sẽ triển khai có tác động thế nào đến đời sống sản xuất kinh doanh cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thưa đại biểu?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Những chính sách tài khóa như miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm thuế GTGT hay miễn, giảm tiền thuê đất, phí và lệ phí khác thời gian qua đều có chung mục tiêu là giảm gánh nặng chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Năm nay, mục tiêu tăng trưởng GDP được đề ra là hơn 8%, rõ ràng đây là một chỉ tiêu cao, đòi hỏi phải khai thác tối đa ba động lực chính của nền kinh tế: Xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ từ các chính sách thuế của Hoa Kỳ cũng như nhiều yếu tố địa chính trị và bảo hộ thương mại trên thế giới. Trước thực trạng này, cần thiết phải chuyển hướng ưu tiên sang thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tăng cường đầu tư trong nước. Trong đó, động lực tiêu dùng đang được Chính phủ khuyến khích thông qua chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt và chủ động.
Những chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng đã và đang phát huy tác dụng rõ rệt trong việc kích thích tiêu dùng. Như tôi đã nói, khi giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm nhờ chính sách thuế, người dân sẽ có xu hướng tăng chi tiêu, từ đó thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế.
Không chỉ tác động đến người tiêu dùng, các chính sách miễn, giảm thuế còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu vào, có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong thị trường nội địa. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ, họ có điều kiện mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, gia tăng đầu tư và từ đó tạo ra chuỗi tác động lan tỏa đối với toàn nền kinh tế.
Thực tế trong những năm gần đây đã chứng minh, nhờ triển khai các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí và lệ phí, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, bất chấp nhiều biến động bất lợi từ bên ngoài.
Phóng viên: Trong bối cảnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như vậy, theo đại biểu, ngành Tài chính cần triển khai những giải pháp gì để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững?
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Đương nhiên, về nguyên lý, khi miễn, giảm thuế, phí và lệ phí, ngân sách nhà nước sẽ đối diện với nguy cơ giảm nguồn thu. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm gần đây cho thấy, thu ngân sách liên tục vượt kế hoạch, tăng trưởng cao. Điều này cho thấy tác động lan tỏa của chính sách tài khóa hỗ trợ là rất rõ ràng. Khi doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, sản xuất kinh doanh được mở rộng thì chính các chủ thể này sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.
Sự gia tăng này không chỉ đến từ sự phục hồi của nền kinh tế, mà còn nhờ công tác quản lý thu ngân sách nhà nước được cải thiện đáng kể nhờ áp dụng các biện pháp hiện đại, trong đó có chuyển đổi số. Ngành Tài chính đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số trong quản lý thuế, khai báo thuế và kiểm soát thuế. Những cải tiến này không chỉ giúp tăng hiệu quả thu ngân sách mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Nhiều người dân và doanh nghiệp không có ý định trốn thuế, nhưng gặp khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp. Khi phương thức kê khai và nộp thuế được cải tiến, việc thực hiện nghĩa vụ thuế trở nên thuận tiện và minh bạch hơn, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
Việc quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng được chú trọng. Các hoạt động kinh doanh từng bị bỏ sót, không quản lý được nay đã dần đi vào khuôn khổ, trở thành đối tượng quản lý thuế. Điều này góp phần mở rộng cơ sở thuế, ngăn ngừa thất thu ngân sách nhà nước.
Nhờ đó, nguồn thu được quản lý ngày càng hiệu quả và công bằng hơn. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả thu ngân sách mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo mọi đối tượng chịu thuế đều thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, đúng quy định.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy các thành tựu, đặc biệt là trong công cuộc chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khai báo, nộp thuế và quản lý thuế không chỉ giúp mọi đối tượng nộp thuế tiếp cận được phương thức thực hiện nghĩa vụ tài chính một cách dễ dàng, thuận lợi, mà còn tăng cường tính minh bạch trong hệ thống thuế.
Đây chính là giải pháp quan trọng nhằm tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước, đồng thời quản lý hiệu quả hơn các nguồn thu trong thời gian tới. Yếu tố này cũng tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn thuế một cách hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.