Bài 3: Phương thức cầm quyền dân chủ, linh hoạt, tập trung, thống nhất, hiệu quả của Đảng

Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2025)

Bài 3: Phương thức cầm quyền dân chủ, linh hoạt, tập trung, thống nhất, hiệu quả của Đảng

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Vấn đề thứ năm mang tính quy luật và quy luật chính trị mang ý nghĩa phương pháp luận cơ bản và cấp bách cần giải quyết là nội dung cầm quyền toàn diện nhưng nắm chắc khâu cơ bản và then chốt.

Theo đó, nội dung cầm quyền của Đảng phải bao quát và chi phối một cách toàn diện, triệt để, sâu sắc toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và bảo vệ Tổ quốc.

Trên bình diện chính trị, việc nâng cao trình độ hoạch định đường lối chính trị, với tầm nhìn chiến lược nhưng cụ thể và hiệu quả, là trọng trách căn bản trước hết, quyết định sự sống còn của công việc cầm quyền.

Mặt khác, Đảng xác lập thể chế chính trị xã hội đất nước trên cơ sở đường lối chính trị thể hiện ở 3 bình diện: cơ cấu tổ chức chính trị xã hội, cơ chế vận hành xã hội cùng những điều kiện cần và đủ bảo đảm cho hai vấn đề trên. Theo đó, việc lãnh đạo trực tiếp hệ thống chính trị là công việc mang tính tất yếu, được bảo đảm bằng pháp luật. Lãnh đạo xây dựng, phát triển Nhà nước pháp quyền kiến tạo và phát triển trên nền móng thượng tôn pháp luật và đạo lý dân tộc.

Trên bình diện kinh tế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Vấn đề mấu chốt là phải tăng nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất bằng con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đi thẳng vào khoa học công nghệ với tốc độ cao gắn chặt với việc không ngừng hoàn thiện quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp và hiện đại, nâng cao năng lực tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Việc phát triển kinh tế phải đồng thời với phát triển chính trị và văn hóa, thậm chí trong nhiều trường hợp tính chính trị và văn hóa của sự phát triển kinh tế phải được xem là quá trình đi trước sự phát triển kinh tế đơn thuần để tránh các quy luật “cá lớn nuốt cá bé”, “kinh tế vị kinh tế”, “tiền vì tiền”, “tăng trưởng bằng mọi giá”, bất chấp sự hủy hoại về xã hội và môi trường sinh thái... Và điều quán xuyến đó phải được thể hiện cụ thể từ việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới việc xây dựng hệ chính sách công cụ quản lý vĩ mô và hệ chính sách đòn bẩy nhằm quản lý và phát triển nền kinh tế - xã hội hài hòa, bền vững.

Trên phương diện văn hóa - xã hội, trên nền tảng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc và hiện đại, việc trực tiếp và trọng tâm của Đảng tiếp tục là xây dựng văn hóa chính trị nói chung, trực tiếp là văn hóa cầm quyền của Đảng nói riêng hiện đại, dân chủ, tiến bộ. Đó phải là nhân tố rường cột, bộ phận hữu cơ trong tổng thể nền văn hóa của sự phát triển đất nước mạnh mẽ, bền vững và nhân văn.

Trên lĩnh vực đối ngoại, an ninh, quốc phòng, chủ động hội nhập quốc tế, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, luôn cầu thị, không kỳ thị, không xa lánh, không biệt phái, “không gây thù oán với một ai”, dù các đảng cầm quyền hoặc chưa cầm quyền trên thế giới. Lấy độc lập dân tộc làm căn bản, gìn giữ hòa bình, hữu nghị làm trọng sự, coi hợp tác làm động lực, tôn trọng mọi đối tác, đối trọng... trên nền tảng bang giao hòa hiếu của dân tộc, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...

Cốt lõi nội dung cầm quyền xoay quanh việc xử lý hiệu quả các mối quan hệ lớn mang tính cơ bản, mệnh hệ tới con đường XHCN Việt Nam và chủ động xử lý tốt hàng loạt những quan hệ chủ yếu, phát sinh khác trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Thứ sáu là phương thức cầm quyền dân chủ, linh hoạt nhưng tập trung, thống nhất và hiệu quả của Đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, Đảng đổi mới, phát triển các phương thức lãnh đạo dân chủ theo hướng ngày càng phát huy năng lực, hiệu lực quản lý xã hội, tổ chức, huy động lực lượng, sức mạnh nhân dân bằng tổng thể các biện pháp kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý thông qua bộ máy của Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và hệ thống chính trị - xã hội. Mọi phương thức cầm quyền của Đảng phải bảo đảm Đảng thực thi mục tiêu và nội dung cầm quyền với mục tiêu vì dân.

Mối quan hệ giữa mục tiêu cầm quyền và phương thức cầm quyền là mối quan hệ giữa cái bất biến cái khả biến, giữa mục tiêu phương tiện. Phương thức cầm quyền cơ bản là, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sử dụng và giám sát Nhà nước trong vị thế công cụ quyền lực pháp lý, một phương tiện có hiệu lực pháp lý để tổ chức và quản lý xã hội mới, phát triển mọi tiềm lực và sức mạnh của toàn dân tộc thật sự dân chủ, pháp quyền và đạo đức.

Theo đó, Đảng tập trung vào 3 bình diện chủ yếu của việc cầm quyền theo pháp luật: một là, lãnh đạo lập pháp; hai là, đi đầu, nêu gương tuân thủ pháp luật; ba là, kiểm tra, giám sát, kỷ luật bảo đảm việc hành pháp thật sự hiệu lực và hiệu quả, công việc tư pháp công minh, công bằng, dân chủ.

Về nguyên tắc, Đảng cầm quyền một cách dân chủ trên nền tảng pháp quyền XHCN tự do và đạo đức, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế. Phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước phải trực tiếp, toàn diện nhưng có trọng điểm, trên cơ sở phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước theo hướng chuyển mạnh từ Nhà nước quản lý bằng mệnh lệnh hành chính, sắc lệnh sang Nhà nước kiến tạo phát triển và thượng tôn pháp luật.

Về phương châm thực hiện, có thể trước hết là, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, trước mắt là thực thi người đứng đầu các cấp, tức là Đảng “hóa thân” sự lãnh đạo của mình trong sự quản lý của Nhà nước, trên từng phương diện của đời sống kinh tế - xã hội một cách phù hợp, thận trọng.

Theo đó, Nhà nước đổi mới chức năng, nhiệm vụ của mình với tinh thần thượng tôn pháp luật, làm tốt công việc kiến tạo và quản trị quốc gia, do Đảng lãnh đạo, trên nền tảng xây dựng một xã hội công dân thật sự gắn dân chủ với pháp quyền; từng bước nhất nguyên chế về bộ máy, khi đủ điều kiện, bảo đảm công việc cầm quyền tập trung, thống nhất, dân chủ.

Theo hướng đó, tất yếu “phi hành chính hóa” các đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở đổi mới chức năng, nhiệm vụ, vị thế, vai trò và tổ chức bộ máy - cán bộ của các tổ chức này trong chỉnh thể hữu cơ hệ thống chính trị theo hướng rõ ràng, tinh gọn, liên thông và thành thạo. Tiếp tục đổi mới cấu trúc lại hệ thống chính trị nước ta theo lộ trình đổi mới sự cầm quyền của Đảng đối với toàn bộ đời sống đất nước phù hợp với sự vận động của thế giới trên lộ trình dân chủ hóa, được bảo đảm bằng pháp quyền XHCN.

Trong việc đổi mới phương thức cầm quyền, đi đầu trong thực thi dân chủ, phát triển đối thoại rộng rãi trong Đảng, dựa hẳn vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện; cầu thị lắng nghe sự góp ý phê bình, phản biện từ các thành viên của hệ thống chính trị và nhân dân một cách công khai, minh bạch.

Thứ bảy là cơ chế cầm quyền minh bạch, dân chủ và thống nhất của Đảng.

Toàn bộ sự lãnh đạo, cầm quyền là để nhân dân là chủ và làm chủ đất nước bằng Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Một cách tự nhiên mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân là mối quan hệ máu thịt không thể gì cắt chia, không thể gì phá vỡ.

Nếu luật pháp không theo sự tất yếu mà sửa đổi, thì quốc gia tất sẽ nguy hiểm. Vì thế, Đảng phân định và làm rõ sự thống nhất và khác biệt giữa quyền lực chính trị của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng với quyền lực và quyền uy pháp luật, sự quản lý của Nhà nước. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong hoạt động của Nhà nước phải nhằm đạt tới Nhà nước thực sự là cơ quan quyền lực thể hiện ý chí của nhân dân.

Sự quản lý của Nhà nước phải nhằm tới xác lập, bảo đảm, hoàn thiện, nâng cao địa vị là chủ và năng lực làm chủ thực tế (trực tiếp và các hình thức làm chủ khác, làm chủ thông qua Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội) do Đảng lãnh đạo, theo pháp luật lãnh đạo xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thật sự dân chủ, minh bạch. Tất cả nhằm chuyển từ một Nhà nước quản lý bằng mệnh lệnh, hành chính sang kiến tạo phát triển một cách dân chủ, công khai, minh bạch theo pháp luật và hệ thể chế phù hợp. Đây là thước đo sức mạnh cầm quyền. Do đó, càng nghiêm khắc đòi hỏi Đảng “không thiên tư, thiên vị” trong lãnh đạo các đoàn thể chính trị xứng đáng là người đại diệnbảo vệ quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên của mình; phát triển môi trường dân chủ thực sự để Nhân dân thực hành dân chủ theo điều lệ và pháp luật.

Nói khái lược, Đảng lãnh đạo, cầm quyền theo cơ chế: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ - phục vụ Nhân dân là chủ, tất cả nhằm bảo vệ, nâng cao vị thế, quyền lực và trách nhiệm làm chủ của Nhân dân. Và, dù thế nào, Đảng chịu trách nhiệm lịch sử về sự cầm quyền của mình trước Nhân dân và Dân tộc.

Thứ tám là phát triển nguồn lực đa dạng và nắm chắc khâu quyết định công việc cầm quyền. Đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành bại vị thế lãnh đạo, năng lực và hiệu quả cầm quyền của Đảng. Ở đây, nổi bật ba nguồn lực chính yếu.

Nguồn lực con người, đây là nhân tố căn bản, trung tâm trong các nguồn lực cầm quyền của Đảng. Đội ngũ đảng viên, cán bộ bao gồm những phần tử ưu tú nhất của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc. Cấp ủy các cấp thực sự là những cơ quan tinh hoa nhất của hệ thống chính trị. Đặc biệt là, những người đứng đầu cấp ủy các cấp phải là tấm gương chính trị thực sự toàn diện nhất. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mang tầm chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Mặt khác, trí thức hóa, trẻ hóa đội ngũ đảng viên - nhu cầu, nhân tố quyết định trực tiếp chất lượng và uy tín cầm quyền của Đảng. Kiên quyết thanh lọc đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, theo phương châm định kỳ khảo hạch và bãi miễn, kiểm tra và huyền chức khi cần thiết...

Tất cả nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết từ trong Đảng, một cách đồng bộ, thật sự tinh hoa và chuyên nghiệp.

Về tổ chức bộ máy và thể chế, tiếp tục cấu trúc lại bộ máy cầm quyền của các cấp ủy thật thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả theo hướng quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng trên cơ sở một thể chế dân chủ nội bộ rộng rãi, sâu sắc nhưng cụ thể nhất và hiệu quả nhất trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật nhằm để kiểm soát, giám sát quyền lực một cách minh bạch. Các bộ máy hướng tới không chồng lấn, không trùng lắp hoặc không song trùng trong hệ thống chính trị, trước hết là Đảng với Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chỉnh đốn và cấu tạo lại bộ máy tham mưu của Đảng, bộ máy của các thành viên hệ thống chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ phận, từng thành viên theo hướng tương dung, phù hợp với tổ chức bộ máy các cấp ủy, chính quyền. Tất cả phải thật tinh gọn, tinh hoa, thành thục, liên thông, hiện đại, dễ kiểm tra, giám sát , dễ xử lý...

Về nhân tố vật chất - kỹ thuật, bảo đảm các phương tiện cầm quyền một cách hiện đại nhằm tạo sự thống nhất, thông suốt giữa các cơ quan của Đảng với nhau, giữa cơ quan của Đảng với các thành viên của hệ thống chính trị... Trước mắt, tin học nhằm điện tử hóa, số hóa các mắt khâu cần kíp, xung yếu của các bộ máy lãnh đạo và tham mưu của các cấp ủy, phục vụ kịp thời và hiệu quả công việc cầm quyền trên tất cả các phương diện, địa bàn quan trọng trong tầm nhìn và chịu trách nhiệm pháp luật của Đảng.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-3-phuong-thuc-cam-quyen-dan-chu-linh-hoat-tap-trung-thong-nhat-hieu-qua-cua-dang-post403669.html
Zalo