Hình thành các khu đô thị vệ tinh trong phát triển đường sắt
Hệ thống đường sắt đô thị góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng vẫn còn nhiều thách thức.
Giảm tải ùn tắc cho nội đô
Ghi nhận của ngành đường sắt cho thấy, nhu cầu đi lại của hành khách ngày càng tăng cao. Trong 5 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ (từ 26/1 – 31/1/202 5), theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông) và tuyến 3.1 (Nhổn - Cầu Giấy) đã vận hành 1.780 lượt tàu chở khách với 19.316 km. Đặc biệt, sản lượng hành khách vận chuyển 2 tuyến đạt 74.503 lượt, trong đó, tuyến 2A trên 50.900 hành khách, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm 2024; tuyến 3.1 vận chuyển trên 23.500 hành khách.
Hiện nay, vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải ùn tắc cho nội đô Hà Nội, tuy nhiên, theo ông Lê Kim Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tình hình ùn tắc giao thông đường bộ tiếp tục diễn biến phức tạp do lưu lượng phương tiện cơ giới cá nhân gia tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, riêng với tình hình dân số Hà Nội, dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 11,5 triệu người, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, tạo ra các gánh nặng, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, theo nhiều chuyên gia nhận định, cần phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là phát triển đô thị theo định hướng mô hình giao thông công cộng. Khi mạng lưới đường sắt đô thị hoàn thành sẽ trực tiếp gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác, hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân dễ dàng hơn, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến.
Đặc biệt, trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đường sắt đô thị được kỳ vọng là “xương sống” của mạng lưới giao thông vận tải thành phố. Loại hình này đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân trong đô thị hạt nhân và từ 15% - 25% ở đô thị vệ tinh.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình - Trưởng Đại diện Văn phòng Tư vấn OCG Nhật Bản cho rằng, ùn tắc giao thông trong đô thị chỉ là phần ngọn của vấn đề, cái gốc nằm ở việc phát triển đô thị, bao gồm việc bố trí dân cư chưa hợp lý tại mỗi khu vực trong thành phố và việc xây dựng mạng lưới đường bộ có mật độ tương đối thưa ở khu vực bên ngoài trung tâm. Theo đó, cần đẩy nhanh xây dựng đường sắt đô thị, góp phần đồng bộ hóa giao thông - giải pháp căn cơ để giảm thiểu ùn tắc.
“Để giải quyết vấn nạn này, không gì khác hơn là đẩy nhanh xây dựng đường sắt đô thị, để chuyển dịch mạnh mẽ từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng”, ông Bình nhận định.
Chia sẻ thêm về những điểm nghẽn cần tháo gỡ nếu phát triển đường sắt đô thị, chuyên gia giao thông, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, lượng khách đi tàu điện trên cao sẽ suy giảm nếu như không đồng bộ hạ tầng. Cụ thể, ở các ga tàu điện không có bãi giữ xe người dân sẽ gửi xe ở đâu? Rồi đi tàu điện trên cao người ta phải tiếp tục chọn phương tiện gì để đi? Còn nếu không biết gửi ở đâu thì người ta phải đi bằng xe công nghệ hay taxi thì vô cùng tốn kém.
Cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị
Theo ông Phan Lê Bình, hiện thành phố Hà Nội đã dành nhiều ưu tiên cho phương tiện công cộng, mỗi năm trợ giá hàng ngàn tỷ đồng. Về ưu điểm, đường sắt đô thị có nhiều điểm thuận lợi như an toàn, không chịu nắng gió, đặc biệt rất đúng giờ.
Tuy nhiên, nhược điểm là hành khách phải đi bộ hoặc di chuyển bằng phương tiện khác ở hai đầu chuyến đi nên sẽ cộng thêm thời gian lữ hành, việc trợ giá chỉ giúp về mặt tài chính cho hành khách chứ không giúp rút ngắn thời gian đi lại.
Theo đó, để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, giảm tình trạng ùn tắc ngày càng diễn biến phức tạp, cần tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất đối với đường sắt đô thị là thiếu vốn. Do vậy, để rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng, yếu tố cốt lõi vẫn phải có chính sách đột phá để đô thị huy động nguồn vốn đầu tư.
Trong tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị đến năm 2035, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện Hà Nội mới đưa vào vận hành khai thác tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, chiều dài 13km; tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn tuyến trên cao Nhổn Cầu - Giấy), chiều dài khoảng 8,5km.
“Việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại hai thành phố còn chậm, chưa đạt mục tiêu, nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn trong thời gian qua. Vì vậy, cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để huy động nguồn lực, rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Thực tiễn đã chứng minh, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, không gian phát triển mới được hình thành đến đó, quỹ đất được khai thác hiệu quả. Đường sắt đô thị là phương thức vận tải quan trọng, cung cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, năng lực vận tải lớn, ổn định, tin cậy, an toàn, thân thiện môi trường.
Tại các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, từ lâu đã dồn lực vào phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, đặc biệt Thủ đô Tokyo sở hữu gần 900 nhà ga và năng lực vận chuyển lên đến 40 triệu lượt khách mỗi ngày. Theo đó, các chuyên gia giao thông cho rằng, để giải quyết căn cơ vấn đề ùn tắc giao thông thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghiên cứu, áp dụng mô hình giao thông công cộng. Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn của phát triển đô thị theo hướng bền vững, trong đó giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.