Bài 3: Phân viện Puskin – Hạt nhân thúc đẩy ngoại giao học đường

Là một hạt nhân quan trọng trong nền ngoại giao học đường - một nhánh của ngoại giao nhân dân, Phân viện Puskin tại Hà Nội đang vun trồng những mầm xanh hữu nghị từ chính tình yêu ngôn ngữ, sự cảm mến văn hóa giữa hai dân tộc.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cùng Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko thăm làm việc tại Phân viện Puskin.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cùng Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko thăm làm việc tại Phân viện Puskin.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại giao học đường tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Những chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật không chỉ giúp thế hệ trẻ hai nước tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này, Phân viện Puskin tại Hà Nội đã và đang lặng lẽ nhưng bền bỉ vun trồng những “mầm xanh” hữu nghị thông qua tình yêu ngôn ngữ, sự cảm mến văn hóa giữa hai dân tộc.

Từ lớp học nhỏ đến những sân chơi văn hóa rộng mở

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin tại Hà Nội, cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của ngoại giao nhân dân, Phân viện Puskin luôn phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội hữu nghị Việt Nga, Hội hữu nghị Việt Nga thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, và các cơ sở giáo dục, các tổ chức, đơn vị của Việt Nam và Nga trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Nga cho người Việt, đồng thời cũng phổ biến văn hóa Việt đến các bạn Nga và các nước.

“Qua các hoạt động mà Phân viện tổ chức từ nhiều năm nay, chúng tôi nhận thấy việc phổ biến trao đổi ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thực hiện thông qua 'ngoại giao học đường' là cách kết nối trái tim, kết nối con người, kết nối các nền văn hóa rất tự nhiên, không gượng ép, mà lại rất hiệu quả. Tình bạn được ươm mầm nơi các bạn trẻ sẽ lớn lên theo năm tháng, là nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị và hợp tác trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Thu Đạt chia sẻ.

Hơn 40 năm hiện diện tại Việt Nam, Phân viện Puskin không chỉ là trung tâm đào tạo tiếng Nga có uy tín mà còn là nơi lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của Nga đến với hàng nghìn học sinh, sinh viên Việt Nam. Đồng thời, nơi đây cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho các bạn sinh viên Nga đến thực tập, trải nghiệm văn hóa Việt.

Trong hành trình thúc đẩy ngoại giao học đường, Phân viện Puskin đã tổ chức hàng loạt hoạt động ý nghĩa, đa dạng hình thức: từ các Festival văn hóa, các cuộc thi thơ, vẽ tranh, viết luận, đến các hoạt động trải nghiệm thực tế. Tiêu biểu như Festival văn hóa “Đa sắc màu Việt-Nga” - một sự kiện thường niên nay đã bước sang lần thứ 8, được xem là “thương hiệu” riêng của Phân viện, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên hai nước tham gia.

Lễ tiễn mùa đông - một trong những hoạt động thường niên của Phân viện, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên Hà Nội tham gia.

Lễ tiễn mùa đông - một trong những hoạt động thường niên của Phân viện, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên Hà Nội tham gia.

Phân viện cũng phối hợp cùng Hội hữu nghị Việt-Nga và Hội hữu nghị Nga-Việt tổ chức cuộc thi vẽ tranh quốc tế thiếu nhi “Em vẽ Việt Nam. Em vẽ nước Nga”, một sân chơi giúp các em học sinh tìm hiểu, thể hiện sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc về văn hóa, thiên nhiên, lịch sử của đất nước bạn qua những nét vẽ ngây thơ mà xúc động.

Ngoài các hoạt động tại chỗ, Phân viện Puskin còn là cầu nối đưa học sinh Việt Nam tham gia các trại hè tại Trung tâm thiếu nhi quốc tế Artek bên bờ Biển Đen, hay các khóa học ngắn hạn tại các trường đại học của Nga. Đây là cơ hội quý báu giúp các em học sinh Việt Nam trực tiếp cảm nhận đất nước, con người và văn hóa Nga - hành trang quý giá cho những “đại sứ văn hóa” tương lai.

Ở chiều ngược lại, các sinh viên Nga đến Việt Nam cũng có cơ hội “sống cùng -học cùng” với học sinh Việt Nam qua các chương trình thực tập, giao lưu tại các trường phổ thông, tham quan danh thắng và tham gia hoạt động cộng đồng. Những tương tác trực tiếp, chân thành này là mạch nguồn nuôi dưỡng hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.

Mỗi chương trình được tổ chức đều hướng đến mục tiêu quảng bá ngôn ngữ-văn hóa Nga và Việt Nam, làm sâu sắc hơn tình cảm hữu nghị giữa thanh thiếu niên hai nước và góp phần lan tỏa các giá trị nhân văn của ngoại giao học đường trong cộng đồng.

Nỗ lực vượt khó để giữ lửa đam mê

Bên cạnh những thành công, Phân viện cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt về kinh phí tổ chức.

“Chúng tôi không có nguồn ngân sách cố định, trang thiết bị còn hạn chế, địa điểm chưa đủ rộng để tổ chức những hoạt động đông người. Vì vậy, để duy trì hoạt động, chúng tôi phải nỗ lực kết nối, vận động tài trợ, phối hợp với các đơn vị có cơ sở vật chất tốt hơn”, bà bộc bạch.

Những chuyến đi trại hè, các khóa học ở Nga thường được phía bạn tài trợ toàn bộ chi phí ăn ở, tham quan, nhưng vé máy bay và các khoản chi cá nhân vẫn là trở ngại không nhỏ với nhiều gia đình học sinh. Những năm gần đây, dịch bệnh và tình hình địa chính trị cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế.

Học sinh Việt Nam tham quan khu trung tâm triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân VDNKh, Moscow, năm 2019, trong khuôn khổ tham gia trại hè Artek.

Học sinh Việt Nam tham quan khu trung tâm triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân VDNKh, Moscow, năm 2019, trong khuôn khổ tham gia trại hè Artek.

Dẫu vậy, tinh thần lạc quan và niềm tin vào giá trị của ngoại giao học đường vẫn luôn là động lực để Phân viện Puskin tiếp tục vượt khó. “Chúng tôi tin rằng những khó khăn này chỉ là tạm thời. Với sự đồng hành của các tổ chức hữu nghị và cộng đồng những người yêu văn hóa Nga-Việt Nam, Phân viện sẽ tiếp tục hành trình vun đắp hữu nghị bằng những chương trình thiết thực và ý nghĩa hơn nữa”, Giám đốc Phân viện Puskin khẳng định.

Hướng đến tương lai, Phân viện Puskin đặt mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả của các hoạt động ngoại giao học đường. Một số đề xuất được đưa ra bao gồm: tăng cường tổ chức hoạt động chung cho học sinh các nước, tạo điều kiện để các em giao lưu, kết bạn và tìm hiểu văn hóa lẫn nhau; kêu gọi tài trợ từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp; và xa hơn là xây dựng các trại hè quốc tế ngay tại Việt Nam.

“Việt Nam có thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa phong phú - nếu tổ chức được trại giao lưu quốc tế tại đây, đất nước chúng ta hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của thanh thiếu niên các nước”, Giám đốc Phân viện tin tưởng.

Từ “ngoại giao học đường” đến “ngoại giao nhân dân” – nhịp cầu bền vững của tình hữu nghị

Với cách tiếp cận gần gũi, sáng tạo và tâm huyết, Phân viện Puskin đang góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững ngoại giao nhân dân giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga.

Bằng ngôn ngữ, văn hóa và những kết nối giữa người với người, ngoại giao học đường không chỉ gieo mầm hiểu biết mà còn là chất keo gắn kết các thế hệ trẻ hai nước - những chủ nhân tương lai của tình hữu nghị truyền thống hai nước.

Ngoại giao học đường không chỉ là một phương thức để học sinh, sinh viên mở rộng tầm nhìn mà còn là nền tảng quan trọng giúp duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác song phương trong tương lai. Để phát huy tối đa tiềm năng của lĩnh vực này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan giáo dục, tổ chức xã hội và doanh nghiệp hai nước.

Với sự nỗ lực không ngừng, ngoại giao học đường sẽ tiếp tục là nhịp cầu vững chắc, gắn kết thế hệ trẻ hai quốc gia và góp phần vào sự phát triển bền vững của quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga.

THANH NGA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-3-phan-vien-puskin-hat-nhan-thuc-day-ngoai-giao-hoc-duong-post871982.html
Zalo