Mức thu hút 250-350 triệu/GV, ĐH Nam Cần Thơ vẫn thiếu giáo sư ở khối ngành VII
Theo đại diện nhà trường, việc tìm kiếm GV toàn thời gian có trình độ TS trở lên trong nhiều ngành học gặp khó do thiếu ứng viên có trình độ và chuyên môn phù hợp.
Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (sau đây gọi là Thông tư 01) về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải chốt số liệu vào ngày 31 tháng 12 hằng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.
Trên thực tế, quá trình triển khai, thực hiện theo Thông tư số 01 ở mỗi đơn vị sẽ có những thuận lợi, khó khăn khác nhau. Để tìm hiểu rõ hơn về việc đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí tại Thông tư 01, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận chia sẻ của đại diện Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Khó khăn trong tuyển dụng giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ
Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ theo điểm b, tiêu chí 2.3, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định: “Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”.
Theo Báo cáo thường niên năm 2024 của Trường Đại học Nam Cần Thơ, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ đạt khoảng 26,1%, tăng 8,8% so với năm 2023. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động năm 2024 đạt 76,6%, giảm 11,4% so với năm 2023.
Trong đó, nhà trường có tổng 5 giáo sư, 24 phó giáo sư, 216 tiến sĩ và 585 thạc sĩ. Tuy nhiên, khối ngành VII (gồm các ngành khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật) của trường không có giảng viên chức danh giáo sư.

Khối ngành VII của Trường Đại học Nam Cần Thơ “khuyết” vị trí chức danh giáo sư. (Ảnh chụp màn hình Báo cáo thường niên 2024)
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, nhà trường gặp khó trong việc tuyển dụng giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ bởi 3 lý do.
Thứ nhất là nguồn nhân lực hạn chế. Việc tìm kiếm giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ trong nhiều ngành học, đặc biệt là ở các ngành đặc thù gặp khó khăn do thiếu ứng viên có trình độ cao và chuyên môn phù hợp.
Nhà trường luôn quan tâm công tác phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích các giảng viên có trình độ tiến sĩ phát triển lên phó giáo sư, giáo sư, trong đó khuyến khích giảng viên cơ hữu làm giáo sư, phó giáo sư ở khối ngành VII.
Thứ hai là sự cạnh tranh giữa các trường đại học. Sau khi Thông tư 01 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các cơ sở giáo dục đại học đang cạnh tranh để thu hút tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt giảng viên toàn thời gian, đặc biệt là trong các ngành đào tạo tiến sĩ hoặc các ngành đặc thù.
Thứ ba là do đặc thù của vùng miền. Thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là khu vực có nguồn nhân lực đạt trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với những khu vực khác. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó khăn của trường trong việc tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên.

Trường Đại học Nam Cần Thơ. (Ảnh: Website nhà trường)
Để đạt được các tỷ lệ về giảng viên như yêu cầu của Thông tư 01, theo đại diện Trường Đại học Nam Cần Thơ, một số công tác trọng tâm đã và đang được trường triển khai như sau:
Một là đánh giá hiện trạng giảng viên, rà soát toàn bộ đội ngũ giảng viên hiện tại về số lượng, trình độ, độ tuổi và các yếu tố khác liên quan để xác định rõ những thiếu hụt cần bổ sung.
Hai là chính sách tuyển dụng giảng viên. Hiện tại nhà trường đã ban hành chính sách thu hút để tuyển dụng các nhân sự có trình độ tiến sĩ về công tác tại trường với mức lương từ 27-50 triệu đồng/tháng. Mức thu hút khi ký hợp đồng làm việc với trường từ 50-250 triệu đồng/lần/giảng viên. Đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư, giáo sư thì mức thu hút từ 250-350 triệu đồng/lần/giảng viên.
Ba là đào tạo và phát triển giảng viên. Nhà trường đã ban hành chế độ chính sách đào tạo nâng cao cho cán bộ, giảng viên, nhân viên đang công tác tại trường với tỷ lệ tăng lương khi tốt nghiệp tiến sĩ từ 25% đến 80% lương sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, sau khi trúng tuyển nghiên cứu sinh được hỗ trợ tiền lương tăng thêm từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên và hỗ trợ học phí đi học từ 50% đến 75%.
Bốn là đảm bảo quỹ thời gian hợp lý. Để đạt tỷ lệ giảng viên toàn thời gian, nhà trường phải đảm bảo giảng viên có đủ thời gian để nghiên cứu và giảng dạy mà không bị quá tải công việc. Điều này có thể bao gồm việc cân nhắc lại khối lượng giảng dạy, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và đảm bảo điều kiện làm việc hợp lý.
Năm là hỗ trợ chính sách tài chính và phúc lợi. Các chính sách tài chính hợp lý, hỗ trợ nghiên cứu và các phúc lợi cho giảng viên có thể giúp giữ chân và thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ.
“Để đạt chuẩn cơ sở giáo dục về đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã xây dựng một chiến lược tổng thể từ tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ đến các cơ hội thăng tiến cho giảng viên để đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 01. Các biện pháp này không chỉ giúp đạt được tỷ lệ giảng viên theo yêu cầu mà còn tạo ra môi trường làm việc động lực và phát triển lâu dài cho giảng viên”, đại diện nhà trường cho biết.
Cơ sở vật chất khó đáp ứng theo Thông tư 01
Tiêu chí 3.1. Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m².
Tiêu chí 3.2. Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8m²; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.
Theo Báo cáo thường niên năm 2024, tổng diện tích đất của Trường Đại học Nam Cần Thơ hiện nay là 183,589.91 m². Trong đó, diện tích đất/người học của nhà trường đạt 8,7m²/người học; diện tích sàn/người học đạt 6,24 m²/người học. Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có chỗ làm việc riêng biệt không được nhà trường đề cập tới.
Dựa trên các số liệu này, nhà trường đạt yêu cầu theo tiêu chí 3.2 về diện tích sàn/người học, nhưng chưa đáp ứng tiêu chí về diện tích đất/người học và không có chỗ làm việc dành cho giảng viên toàn thời gian.

Các chỉ số đánh giá về cơ sở vật chất của Trường Đại học Nam Cần Thơ. (Ảnh chụp màn hình Báo cáo thường niên 2024)
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhà trường cho biết: “Trường Đại học Nam Cần Thơ đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu khoa học của học viên và sinh viên với tổng diện tích sàn xây dựng hiện nay là 183,311m². Với tổng diện tích như trên, trường đáp ứng đầy đủ không gian học tập của sinh viên, học viên và vượt điều kiện theo quy định của Thông tư 01/2024.
Tuy nhiên, việc đáp ứng diện tích đất/sinh viên theo các tiêu chí trên đối với Trường Đại học Nam Cần Thơ nói riêng và các cơ sở đào tạo khác nói chung là một thách thức rất lớn. Nguyên nhân do nhà trường và nhiều trường khác cũng rất khó để đáp ứng về diện tích đất/người học; tính trong lãnh thổ Việt Nam chỉ có vài cơ sở đào tạo đáp ứng được diện tích đất theo thông tư. Do đó, Trường Đại học Nam Cần Thơ có kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh diện tích đất/sinh viên theo Thông tư 01/2024.
Ngoài ra, để đáp ứng các điều kiện “ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt với diện tích không ít hơn 6m² mỗi người” theo thông tư, trường phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bố trí không gian làm việc hợp lý cho giảng viên và tốn kém rất nhiều chi phí đầu tư, xây dựng hạ tầng”.
Theo đại diện Trường Đại học Nam Cần Thơ, nhằm đáp ứng các tiêu chí theo Thông tư 01, nhà trường đã xây dựng lộ trình cụ thể với nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, nhà trường sẽ tăng cường công tác mở rộng quỹ đất phục vụ hoạt động đào tạo, đồng thời đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về việc mở rộng diện tích đất để đầu tư xây dựng trường.
Song song đó, trường cũng chú trọng đầu tư và huy động nguồn lực bằng cách hợp tác với doanh nghiệp hoặc sử dụng nguồn thu từ hoạt động đào tạo nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về diện tích và chất lượng cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, nhà trường lập kế hoạch phát triển dài hạn, xây dựng chiến lược phát triển cơ sở vật chất theo từng giai đoạn, ưu tiên triển khai những hạng mục quan trọng và khả thi.
Dù việc đáp ứng các điều kiện về diện tích đất theo quy định còn là một thách thức, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng chiến lược phù hợp, Trường Đại học Nam Cần Thơ tin tưởng có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tại Định hướng phát triển và phân bố mạng lưới đến năm 2030, Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu phương án sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học như sau: “Củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện có; chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật”.