Bài 3: Một vị tướng mẫu mực, có tài thao lược (tiếp theo và hết)

Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ (7-5-1954), đồng chí Vương Thừa Vũ tiếp tục chỉ huy Đại đoàn 308 tiến công địch ở Bắc Giang, Phả Lại. Ngày 28-9-1954, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng. Tháng 10-1954, đồng chí cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Hà Nội và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội.

Vẹn nguyên lời thề với Thủ đô

Ngày 19-9-1954, trên đường Đại đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô, tại đền Hùng, Đại đoàn vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với các các bộ, chiến sĩ. Trong buổi nói chuyện, Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn… Các chú phải luôn giữ gìn phẩm chất cách mạng, cán bộ sống gương mẫu, giản dị, bộ đội phải kỷ luật nghiêm minh. Nếu ai cũng giữ vững lập trường cách mạng và làm đúng chính sách thì không sợ một kẻ thù nào cả”[1].

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng, Phú Thọ, tháng 9-1954. Ảnh tư liệu

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng, Phú Thọ, tháng 9-1954. Ảnh tư liệu

Thực hiện nhiệm vụ tiếp quản, vấn đề đặt ra đối với Đại đoàn là một mặt phải đề phòng âm mưu tráo trở và mọi hành động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ tài sản của Nhà nước cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân. Mặt khác, phải mang về Thủ đô luồng không khí phấn khởi tự hào với chiến thắng của dân tộc, tinh thần đoàn kết, cách mạng, phong cách sinh hoạt văn minh, lành mạnh, xua tan những phế tích mà thực dân đã để lại. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ xác định đây là một cuộc chiến đấu hết sức phức tạp giữa cách mạng và phản cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, ta quyết thắng và phải thắng trọn vẹn. Ông đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành công việc tiếp quản một cách khẩn trương và hết sức thận trọng.

Cơ quan tham mưu cử cán bộ đi trước, phối hợp với các đội công tác của Chính phủ vào thành phố để nghiên cứu tình hình các cơ quan, công sở, nhà máy mà ta chuẩn bị tiếp nhận. Đồng thời, nắm tình hình về mọi mặt để xây dựng kế hoạch tiếp quản chu đáo, để khi bộ đội vào tiếp quản Thủ đô, ta luôn giữ thế chủ động. Cơ quan hậu cần chuẩn bị các loại vật chất như gạo, củi, thức ăn và bảo đảm các nhu cầu khác. Cơ quan chính trị soạn thảo các tài liệu, in các điều quy định, các chính sách vùng mới giải phóng của Chính phủ để giáo dục sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ và động viên nhắc nhở bộ đội nghiêm chỉnh chấp hành. Công tác giáo dục được tiến hành liên tục với nhiều nội dung: Từ những vấn đề xây dựng quan điểm lập trường, phẩm chất đạo đức của người quân nhân cách mạng, đến việc hướng dẫn bộ đội những điều cụ thể trong sinh hoạt ở thành phố...

Ngày 2-10-1954, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đồng chí Trần Danh Tuyên dẫn đầu một đoàn cán bộ hành chính vào Hà Nội ký nhận bàn giao mọi mặt với đại diện Bộ chỉ huy quân đội Pháp. Tiếp đó, một số phân đội của Đại đoàn 308 được lệnh vào trước để cùng canh gác với binh lính Pháp tại các địa điểm trọng yếu.

Ngày 8-10, quân Pháp làm lễ cuốn cờ, chuyển các bộ phận như pháo binh, xe tăng sang Gia Lâm, chỉ còn để lại trong Hà Nội hai tiểu đoàn bộ binh và một số xe thiết giáp và xe vận tải. 5 giờ sáng ngày 10-10, “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội thực hiện nhiệm vụ tiếp quản.

Các chiến sĩ thuộc Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tháng 10-1954. Ảnh tư liệu

Các chiến sĩ thuộc Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tháng 10-1954. Ảnh tư liệu

Trong hồi ký Trưởng thành trong chiến đấu, Trung tướng Vương Thừa Vũ kể: “Hôm nay Hà Nội là rừng cờ hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô, nhất là các cán bộ, chiến sĩ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội sẽ trở về: 'Ra đi hẹn một ngày về, Ba Đình còn đó, người thề còn đây'. Lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật!”.

Đồng chí Vương Thừa Vũ cùng với Ban Quân quản đã nhanh chóng ổn định tình hình, làm tốt mọi nhiệm vụ tiếp quản, giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế, chính trị, xã hội, đem lại sự yên bình cho Thủ đô và niềm tin cho nhân dân vào chính quyền mới. Ngày 10-11, thay mặt Ủy ban quân chính Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ ký thông cáo của Hội đồng chính phủ quyết định thành lập Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội do bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên làm Phó chủ tịch.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, đầu năm 1955, Đại đoàn 308 được lệnh rút ra ngoại thành, tổ chức đóng quân tập trung để tiến hành huấn luyện theo chương trình mới. Đồng chí Vương Thừa Vũ được Bộ Quốc phòng điều động và bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh quân khu Hữu Ngạn, tổ chức, xây dựng lực lượng cho các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa. Đảm nhiệm cương vị mới, với những kiến thức được trang bị và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy dạn dày, đồng chí đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ rèn binh, luyện cán, sẵn sàng chi viện lực lượng cho tiền tuyến, phục vụ công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng cùng cán bộ, chiến sĩ nghiêm trang làm Lễ chào cờ tại sân Cột Cờ, Hà Nội, tháng 10-1954. Ảnh tư liệu

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng cùng cán bộ, chiến sĩ nghiêm trang làm Lễ chào cờ tại sân Cột Cờ, Hà Nội, tháng 10-1954. Ảnh tư liệu

Góp phần làm phong phú nghệ thuật quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam

Năm 1964, đồng chí Vương Thừa Vũ được giao nhiệm vụ làm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phụ trách công tác huấn luyện cho các lực lượng chủ lực bảo vệ miền Bắc cũng như các đơn vị bộ đội và cán bộ vào miền Nam đánh Mỹ. Ngoài ra, đồng chí còn được giao nhiệm vụ Giám đốc Học viện quân chính, kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (1964 - 1971). Đồng chí đã đem hết nghị lực, trí tuệ, tài năng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, đặc biệt là trong công tác nhà trường Quân đội, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, hằng ngày, sau mỗi cuộc điện từ chiến trường báo cáo về, đồng chí yêu cầu Cục Tác chiến thể hiện lên bản đồ tác chiến và đưa ra một số câu hỏi yêu cầu đơn vị giải đáp. Sau đó, đồng chí cùng các cục: Khoa học quân sự, Quân huấn, Nhà trường nghiên cứu trao đổi rút ra các kết luận khách quan và điện phổ biến ngay cho các chiến trường.

Với tác phong gần gũi và thân thiết, mỗi khi trên đường đi công tác, đồng chí thường hỏi cán bộ cấp dưới những câu hỏi về người lính, về chỉ huy cấp phân đội. Đồng chí thường nói với cán bộ, sau mỗi trận đánh không thắng, không nên đổ tại người lính, chỉ huy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Đồng chí còn nhấn mạnh: Tình thương cao nhất với chiến sĩ là giúp họ có bản lĩnh chiến đấu để tránh thương vong, sau trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương, do đó người chỉ huy phải là tấm gương về học tập, rèn luyện, lắng nghe cấp dưới, chịu chung cái khó, cái khổ với họ.

 Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội với các nữ sinh trường Trưng Vương vây quanh tặng hoa chúc mừng bên hồ Hoàn Kiếm trong Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội với các nữ sinh trường Trưng Vương vây quanh tặng hoa chúc mừng bên hồ Hoàn Kiếm trong Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Là một cán bộ được đào tạo bài bản về quân sự, trải qua nhiều cương vị chiến đấu, đồng chí Vương Thừa Vũ đã viết nhiều tác phẩm quân sự, khái quát và nêu lên nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc góp phần vào công tác huấn luyện và xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh, đủ sức đánh bại kẻ thù xâm lược. Ông còn có biệt tài dùng thơ để đúc kết những kinh nghiệm đánh địch hết sức ngắn gọn, súc tích để cán bộ, chiến sĩ dễ nhớ, dễ vận dụng trên bãi tập cũng như vào trận đánh. Điển hình như trong bài: Cách đánh tỉa, ông viết:

Bắn gần kết hợp bắn xa

Bắn thằng phía trước cũng là xuyên hông.

Hay trong bài Vận động tấn công kết hợp chốt:

Chiến trường là chốn giao tranh

Hai bên đọ sức để giành phần hơn

Địch vào ta chặn phản công

Khẩn trương vận động hiệp đồng triển khai…

Bằng những cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, năm 1974, đồng chí Vương Thừa Vũ được thăng quân hàm Trung tướng.

Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Quân đội và của nhân dân ta. Trung tướng Vương Thừa Vũ là tấm gương mẫu mực về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và quân sự, lý luận và thực tiễn, coi trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Vương Thừa Vũ là người có tinh thần cầu thị, hết mực thương yêu đồng chí, đồng đội. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Vương Thừa Vũ là người ham học hỏi, luôn đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc, kinh nghiệm của nước ngoài vào thực tiễn chiến trường Việt Nam. Điển hình như chiến thuật “Trùng độc chiến” trong cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Hay trong đợt tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trên cơ sở quán triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đã tổ chức chỉ huy thực hiện tốt các biện pháp tác chiến: Xiết chặt vòng vây, đánh lấn ép quân địch, lần lượt tấn công các cứ điểm ở vùng ngoài cùng, cắt sân bay, triệt nguồn tiếp tế của địch, tiến tới phá vỡ, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch.

Năm 1972, khi Mỹ thực hiện đổ bộ đường không đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn, cùng với Trung tướng Phùng Thế Tài, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng Đại tướng Văn Tiến Dũng, Trung tướng Vương Thừa Vũ theo dõi, chỉ đạo việc xây dựng phương án tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không. Đồng chí đã có nhiều quan điểm chỉ đạo về chiến thuật đối với lực lượng phòng không, góp phần giúp quân ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành thắng lợi trong Chiến dịch “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”.

Không chỉ là một vị tướng có tài thao lược, Vương Thừa Vũ còn là một vị tướng mẫu mực, có tác phong chính quy, tính kỷ luật cao. Từ Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội thời kỳ đầu kháng chiến, rồi Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Tư lệnh Quân khu Hữu ngạn, Quân khu 3, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Vương Thừa Vũ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết chấp hành nghị quyết của Đảng, mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì, đồng chí cũng tận tâm, tận lực. Đồng chí luôn đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện tác phong chính quy, coi trọng cả hai khâu rèn cán và chỉnh quân, lấy kết quả chiến đấu và thực tập làm thước đo chất lượng huấn luyện.

Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Trung tướng Vương Thừa Vũ được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công và nhiều huân chương cao quý khác.

LÊ MẠNH TIẾN (Viện Lịch sử Quân sự)

[1] Trung tướng Vương Thừa Vũ: Trưởng thành trong chiến đấu, Nxb.Hà Nội, H.2006, tr.348- 349.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/bai-3-mot-vi-tuong-mau-muc-co-tai-thao-luoc-tiep-theo-va-het-795070
Zalo