Bài 3 - Một tấm hộ chiếu, nhiều hành trình vị giác
Theo ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, câu chuyện Hộ chiếu ẩm thực thực chất chỉ là một ý tưởng trong dòng chảy truyền thông thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Đà Nẵng định vị và sáng tạo với du lịch ẩm thực: Bài 2 - Giá trị du lịch mới từ sáng kiến hút kháchĐà Nẵng định vị và sáng tạo với du lịch ẩm thực: Bài 1 - Cùng là món mắm ruốc, sao người ta quen khen ngợi mắm ruốc Huế?
Nhưng dòng chảy ấy, không nên chỉ nhìn ở một địa hạt và khu vực nhất định. Cần lan tỏa ý tưởng này ra các tỉnh thành khác, để du lịch ẩm thực tăng thêm những giá trị mới!
Chung một mục tiêu?
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột, ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu địa phương và mời gọi các tỉnh thành khác đến cùng xây dựng những cơ hội liên kết phát triển.
Sở Du lịch Đà Nẵng đã có đoàn đại diện tham dự hoạt động này và đề cập đến câu chuyện Hộ chiếu ẩm thực.

Ngành du lịch Đà Nẵng và Đắk Lắk cùng cam kết triển khai mô hình Hộ chiếu du lịch
Ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk nhìn nhận, đây là một giải pháp tốt, tích cực đem lại “giá trị gia tăng” cho cả ngành du lịch Việt Nam và riêng từng địa phương nếu áp dụng.
Ngành Du lịch Đắk Lắk nghiên cứu, đề xuất cách thức hợp tác với du lịch Đà Nẵng, cùng nắm bắt ý tưởng Hộ chiếu ẩm thực để có thể triển khai ở địa bàn tỉnh này.
“Cái hay phải cần học hỏi. Chúng tôi đang cho kiểm tra, đánh giá lại các địa chỉ ẩm thực trên địa bàn, sàng lọc ra danh sách điểm đến chất lượng, phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp lên kế hoạch mời du khách đến trải nghiệm, áp dụng mô hình Hộ chiếu ẩm thực để du khách nhận quà, nhận khuyến mãi, và đóng dấu chứng thực”, ông Trần Hồng Tiến chia sẻ.
Ông Tiến nhấn mạnh, yêu cầu hợp tác này được ngành văn hóa du lịch địa phương xúc tiến ngay từ tháng 4.2025 để có thể triển khai vào mùa hè, đón đầu cơ hội du khách đến cùng mùa café và sầu riêng Đắk Lắk.
Ông Tán Văn Vương cho rằng, sự kết hợp với du lịch Đắk Lắk thể hiện hai địa phương cùng nhìn chung một mục tiêu phát triển du lịch giá trị hơn, và qua đó sẽ rất thuận lợi để mô hình Hộ chiếu ẩm thực được kết nối, lan tỏa.
Hiện tại, các đơn vị của Sở Du lịch Đà Nẵng đã trao đổi kinh nghiệm và bắt đầu xây dựng kế hoạch hợp tác. Ý tưởng ở đây, là các du khách đi lại giữa hai địa phương sẽ có thể dùng chung một Hộ chiếu ẩm thực, được trải nghiệm những hương vị ẩm thực đặc sắc riêng trong cùng một chương trình, đi từ biển lên rừng “thêm quà tặng, thêm niềm vui”.
Không dừng lại ở Đắk Lắk, du lịch Đà Nẵng đang muốn tìm thêm những kết nối lan tỏa nhiều hơn, ra các tỉnh thành xung quanh, hướng đến một Hộ chiếu ẩm thực chung trong cả nước?
Nếu du khách có thể đi xuyên Việt với những tấm Hộ chiếu ẩm thực trong tay, họ sẽ được tận hưởng thêm bao nhiêu hương vị món ăn và quan trọng, là sẽ thật sự trải nghiệm được hết những giá trị tinh hoa ẩm thực ở từng vùng đất.
Bản đồ ẩm thực Việt theo đó sẽ rất hoàn hảo, tương tác cùng ngành du lịch có được hiệu quả tốt nhất.
Lan tỏa ý tưởng đồng hành
Bà Trần Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế chia sẻ, ý tưởng về Hộ chiếu ẩm thực Đà Nẵng, cũng cùng ý tưởng Visit Huế mà ngành du lịch thành phố này đã xây dựng thời gian qua.
“Cùng vấn đề, chỉ là triển khai cụ thể khác nhau, nhưng hoạt động du lịch của chúng tôi, đều có chung tiêu chí hoàn thiện hơn các dịch vụ cho du khách”, bà Trâm nhìn nhận.
Theo đó, ngành Du lịch Huế đã lên một “phiên bản” giới thiệu các điểm đến ẩm thực trên địa bàn từ khá lâu. Điều này có vẻ hiển nhiên vì ai cũng đã biết đến ẩm thực Huế.

TP. Huế cũng có sản phẩm tương tự
Sở Du lịch địa phương chỉ cần xây dựng môi trường tương tác, giới thiệu các địa chỉ là đã được du khách tiếp cận. Visit Huế chính là môi trường đó, đã “số hóa” các địa chỉ, thực đơn trực tuyến và đưa vào công cụ ứng dụng, giúp du khách tìm các địa điểm nhanh hơn.
Mới đây, Sở Du lịch Huế còn công bố bộ quy tắc ứng xử du lịch trên địa bàn, nâng chuẩn phục vụ và các yêu cầu dịch vụ du lịch tại Huế lên một mức cao hơn.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, những hoạt động gần ý tưởng Hộ chiếu ẩm thực như Huế đang làm, đều định hướng cùng suy nghĩ của Đà Nẵng.
Việc xây dựng các bảng thực phổ địa phương, giới thiệu những điểm đến chất lượng, ngoài Huế, cũng có thể thấy ở Hội An (Quảng Nam), hay TP. Hồ Chí Minh…
Điều mong muốn của du lịch Đà Nẵng, là ý tưởng Hộ chiếu du lịch trên các nền tảng dữ liệu thông tin ấy, tổ chức thành chương trình kích cầu, vận động du khách, triển khai những chiến dịch khuyến mãi hợp lý, qua đó càng làm nổi bật tiêu chí chất lượng dịch vụ cho du lịch địa phương và toàn cảnh ngànhd Du lịch cả nước.
Theo ông Trần Hồng Tiến, việc xây dựng Hộ chiếu ẩm thực theo ý tưởng từ Đà Nẵng là hợp lý, chỉ cần lưu ý thêm hai vấn đề.
Thứ nhất, địa phương cần có cách thức, thang điểm tổ chức thế nào, để việc chọn danh mục hợp lý, tránh nhầm lẫn, giới thiệu sai điểm... Điều này không thể cẩu thả, lại càng không thể dựa vào những quan hệ qua lại, lợi ích nhóm… để vi phạm các tiêu chí.
Bản thân các doanh nghiệp tham gia cần nắm rõ họ được lợi ích gì, kèm trách nhiệm gì, phải tuân thủ các quy định ra sao, qua đó cùng làm minh bạch thông tin và hữu ích cho du khách.
Thứ hai, công tác kết nối, truyền thông giữa các địa phương cần được rà soát, tổ chức ra sao, để có sự thống nhất, đồng bộ về các tiêu chuẩn, qua đó đồng bộ các quy tắc ứng xử, cùng tôn vinh các giá trị văn hóa ẩm thực, cùng nhau xây dựng những chương trình, kịch bản chăm sóc du khách…
Bà Hoài Trâm cho rằng, những yêu cầu liên kết, tổ chức thống nhất các tiêu chuẩn, dịch vụ chung, tạo thuận lợi cho du khách khi trải nghiệm các giá trị ẩm thực địa phương, là thật sự cần thiết.
Theo đó, Huế rất sẵn sàng kết nối cùng Đà Nẵng, cùng Đắk Lắk và các tỉnh thành khác, thực hiện những ý tưởng như Hộ chiếu ẩm thực. Càng lan tỏa những ý tưởng đồng hành này, du lịch các địa phương càng có vận hội thay đổi và phát triển!