Bài 3 - Học văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh từ những điều giản dị...

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, Việt Nam cần vận dụng những bài học từ văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh để giữ vững độc lập, tự chủ và phát triển bền vững.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Vận dụng bài học từ văn hóa ngoại giao của Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc đời hoạt động cách mạng gian nan đã để lại cho đất nước ta cơ đồ như hôm nay và cho thế hệ sau nhiều bài học giá trị. Tầm ảnh hưởng của Người không chỉ ở trong nước mà còn được thế giới thừa nhận, tôn vinh.

Ở khía cạnh nào, Người cũng tạo nên dấu ấn, những “vệt văn hóa” rất đặc sắc của con người Á Đông nói chung và cốt cách cao đẹp của Việt Nam nói riêng. Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh là một nét đặc sắc trong tổng thể tài năng, trí tuệ và đạo đức của Người. Những cử chỉ, hành động và phong thái ngoại giao trong quan hệ quốc tế thông qua con người Hồ Chí Minh được biểu hiện hết sức mềm mại, tự nhiên và gần gũi.

Sự mềm hóa các quan hệ chính trị là đích đến, là sự tìm kiếm tiếng nói đối thoại chung giữa các cộng đồng quốc tế. Trong văn hóa ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vận dụng rất uyển chuyển những tư tưởng, trào lưu và đặc điểm của người Phương Tây để “điểm chạm” được những quan điểm, triết lý và văn hóa của người Phương Đông.

Người xuất hiện ở đâu là ở đó có sự ấm áp, chân thành từ cử chỉ ôm hôn đến tặng hoa những chính khách, phụ nữ phương Tây. Ở Người có bóng dáng của văn hóa Phương Tây - sự lịch thiệp, văn minh. Đối với Phương Đông gần gũi, Người quan hệ rất tốt đẹp, nồng ấm với các lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba…

Có thể thấy, toát lên toàn bộ tinh thần trong văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh là sự mềm mại, có chiều sâu văn hóa phương Đông và Phương Tây. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất, tinh hoa nhất của con người Việt Nam. Người vận dụng linh hoạt trong bang giao quốc tế đạt đến tầm hiệu quả cao, tầm của văn hóa, sự tự nhiên, chân thành và đẹp đẽ.

"Việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu thường xuyên và bức thiết. Chúng ta cần học Bác mỗi ngày - học từ điều lớn đến điều nhỏ, học ở tầm lý tưởng nhưng cũng học trong từng hành vi ứng xử, từng việc làm cụ thể. Học Bác để sống có lý tưởng, có kỷ cương, biết yêu thương, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Học Bác không phải để ca ngợi Người một cách hình thức, mà để tiếp thêm niềm tin, động lực, bản lĩnh cho công cuộc dựng xây đất nước hôm nay", Trích lời của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết "Bác vẫn cùng các cháu hành quân".

Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh được xem là sức mạnh mềm trong việc nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Tóm lại, văn hóa được "chưng cất", hun đúc, là những gì đẹp đẽ nhất, giá trị nhất, có sức sống bền lâu, có sức mạnh trong cộng đồng của một quốc gia, dân tộc.

Các nền văn hóa trên thế giới đều có sự giao lưu và giao thoa như vậy trong quá trình phát triển. Chúng ta có nền văn hóa lâu đời, có sức mạnh mềm, tuy nhiên việc phát huy là thúc đẩy giao lưu văn hóa đòi hỏi cần có phương pháp cũng như sự đầu tư cần thiết. Bởi nói tới văn hóa, sức mạnh mềm của một dân tộc là không thể nóng vội, không thể "đốt cháy giai đoạn", không thể đặt KPI, khoán chỉ tiêu mà chỉ có thể định hướng, lên kế hoạch và tác động một cách kiên trì.

Cái khó về vấn đề này là cách làm và tư cách người làm, ở đây cần học theo tấm gương của Bác Hồ một cách thực chất. Học ở Người từ những điều giản dị, trong lối ứng xử chân thành và sự hiểu biết có trí tuệ chứ không phải giáo điều, bắt chước.

Tôi muốn nhắc đi nhắc lại chính là sự tự nhiên, chân thành, yêu thương con người, có hiểu biết và trí tuệ thì tự khắc những ứng xử, hành động của con người sẽ diễn ra một cách tự nhiên, không gượng ép. Sức mạnh mềm của văn hóa là ở chỗ đó, con người làm công tác đối ngoại và ngoại giao văn hóa có thể học được ở Bác Hồ. Cao hơn, chính là sự chân thành, có trách nhiệm trong các cam kết với cộng đồng quốc tế của một nhà chính khách, của nhà ngoại giao và của bất kỳ công dân nào trên thế giới.

Một quốc gia muốn có chỗ đứng, một dân tộc muốn có tầm ảnh hưởng và lan tỏa được giá trị, sức mạnh mềm trong văn hóa của mình phải có những con người lịch thiệp, những chính trị gia chuyên nghiệp và có trí tuệ. Đó là sự vận dụng tất cả những gì tốt đẹp nhất trong văn hóa của dân tộc đã hun đúc, tiếp tục tạo ra sức hấp dẫn, vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam trong tương lai.

Vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, Việt Nam cần vận dụng những bài học từ văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh để giữ vững độc lập, tự chủ và phát triển bền vững. Nói cách khác, trong bối cảnh hiện nay, trước nhiều mối quan hệ lợi ích đan xen giữa các nước thì văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh càng thể hiện những giá trị đúng đắn, bền vững.

Chúng ta thấy Người khéo léo với từng đối tượng; với Thực dân, Đế quốc - Người có thái độ khác; với nhân dân yêu chuộng hòa bình - Người kêu gọi theo cách khác; với lãnh đạo các nước Xã hội Chủ Nghĩa, với Liên Xô, Trung Quốc - Người biểu hiện như sự gắn kết, hòa hợp và mềm hóa trong một số vấn đề còn khúc mắc.

Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh được cả thế giới tin yêu, nhân loại kính phục, tôn vinh. Cuộc đời hoạt động chính trị của Người, trong đó phương diện văn hóa ngoại giao để lại nhiều bài học đặc sắc, có giá trị. Đối với đất nước ta, việc vận dụng những phương châm, phương pháp và những bài học về văn hóa ngoại giao của Bác Hồ là vô cùng quan trọng. Như vậy, chúng ta chắc chắn sẽ nâng tầm vị thế quốc gia và giữ vững nền độc lập tự chủ của một cách bền vững.

TS. Cù Văn Trung. (Ảnh CGCC)

TS. Cù Văn Trung. (Ảnh CGCC)

Hướng tới một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Trong bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức và tư tưởng thống nhất hài hòa trong một phong cách sống giản dị, khiêm tốn mà vô cùng cao thượng. Cả cuộc đời, Người sống thanh bạch, khiêm nhường. Chính bởi đạo đức trong sáng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một tấm gương sống động và cụ thể cho các thế hệ học tập và làm theo. Những phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" mà Người dạy không chỉ là lý tưởng để mỗi cán bộ, đảng viên noi theo mà còn trở thành chuẩn mực cho mọi người hướng tới...

Người không chỉ nói mà luôn thực hành, đi trước làm gương, nói ít làm nhiều. Phong cách ấy đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết rộng lớn, một lòng tin tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Bác. Sự giản dị, chân thành, cách ứng xử ân cần, gần gũi đã khiến Bác trở thành một lãnh tụ đặc biệt, luôn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam và “nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Để hướng tới một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, chúng ta cần tiếp nối và lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh tới đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Khi bế tắc, khi khó khăn trong các tình huống cụ thể trong quan hệ quốc tế chắc hẳn chúng ta đều muốn tìm về lịch sử, xem lại những bài học của cha ông.

Trong lịch sử Việt Nam, chúng ta may mắn có Chủ tịch Hồ Chí Minh – bậc thầy vĩ đại và là người đặt nền móng nền ngoại giao hiện đại Việt Nam. Để làm tốt hơn nữa công tác này trong tương lai, cần chú ý ba vấn đề mà chúng ta thấy ở Người, đó là về tác phong Hồ Chí Minh, về tư duy cấu trúc chính trị và giá trị dân chủ phổ quát của Người.

Đầu tiên, có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những người bạn là học giả, trí thức, nhà khoa học cũng như giới chính khách trên toàn thế giới. Trong hoạt động của Người, những cá nhân ấy không thể không có ảnh hưởng hoặc tác động đến Người. Người vẫn có tác phong quần chúng, rất bình dị và tiết kiệm. Điều ấy làm nhân dân cũng như nhân loại tiến bộ thế giới gần gũi được với Người.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết lựa chọn người của miền này, nơi kia cho những việc cụ thể. Tức là, tính đại diện rất cao. Giá trị ấy cũng cần thiết cho công tác đối ngoại, việc bố trí và thiết kế một cấu trúc hợp lý trong đối ngoại là lan tỏa được giá trị văn hóa ngoại giao của dân tộc thông qua các cá nhân, con người phù hợp, điển hình vì họ hiểu thấu địa bàn, khu vực.

Thứ ba, giá trị phổ quát về dân chủ, công tác đối ngoại thường xa Tổ quốc, có khi biệt lập. Để đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất vì lợi ích của quốc gia, dân tộc thì dân chủ trong tổ chức là rất quan trọng. Do vậy, học Người là học ở những giá trị của một nhà hoạt động đối ngoại trên các phương diện.

Không có gì khác ngoài tình yêu con người với con người ra, học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh không đâu xa chính là học từ Người về lòng trắc ẩn, về những số phận thấp hèn của con người ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Câu hỏi tại sao Người để lại trong lòng chính khách các nước cũng như nhân loại toàn thế giới nhiều tình cảm vô cùng tốt đẹp như vậy? Đó chính là do Bác biết yêu thương đồng loại, dành từng cốc cà phê cho người thủ thủy dạy mình học tiếng Anh. Bác xót xa trước thân phận những người da đen bị chà đạp, coi như vật thế thân của người bản xử, khóc với nỗi đau của những con người cùng khổ…

Tất cả những điều đó đã tạo dựng lên một nhà chính trị Hồ Chí Minh xa mà lại gần. Ở trong Người có giá trị đẹp đẽ của văn hóa Phương Đông và Phương Tây. Có một nhà văn trên thế giới từng nó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân của văn hóa tương lai. Điều làm cho Người sống mãi, đi vào cõi trường sinh ấy chính là Người không coi bất cứ khu vực nào, bất cứ ai là sự khác biệt mà ở đó nhân loại cần tìm đến con đường của sự chung sống, hòa bình, nhân văn sâu sắc.

Vì vậy, thế hệ trẻ muốn lan tỏa văn hóa của dân tộc, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh với quốc tế và cộng đồng dân tộc khác thì cần lan tỏa tinh thần trọng tình nghĩa, biết quý trọng cái đẹp, biết đấu tranh với cái xấu xa, nâng cao hình ảnh về một dân tộc chính nghĩa, một cộng đồng xã hội gắn kết, có trách nhiệm.

Đất nước Việt Nam đã có lịch sử về tinh thần hòa bình và chính nghĩa. Bác Hồ kính yêu như một minh chứng sống động như vậy.

Đúng như lời Tổng Bí thư Tô Lâm: "Đối với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường và hoài bão cống hiến. Những câu chuyện giản dị mà cảm động về đức hy sinh, về lối sống khiêm tốn, giản dị của Bác luôn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thanh niên Việt Nam học tập và phấn đấu. Từ em nhỏ học sinh thuộc từng câu thơ, từng bài hát về Bác, đến những thanh niên, trí thức đang miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực, tất cả đều tìm thấy ở Bác nguồn động lực tinh thần to lớn. Chính nguồn cảm hứng ấy đã thôi thúc biết bao người trẻ xung phong đảm nhận việc khó, tình nguyện đến những nơi gian khổ, chung tay dựng xây đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như di nguyện của Người. Có thể nói, sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh đang tiếp tục tỏa sáng trong mỗi người Việt, tạo nên sức mạnh mềm nâng bước dân tộc ta trên con đường hướng tới tương lai".

Nguyệt Hà (ghi)

TS. Cù Văn Trung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bai-3-hoc-van-hoa-ngoai-giao-ho-chi-minh-tu-nhung-dieu-gian-di-314739.html
Zalo