Bài 3: Cần đưa yếu tố môi trường lên hàng đầu trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Tại Hội thảo 'Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược' do Bộ Công Thương tổ chức, vấn đề đảm bảo môi trường trong phát triển điện lực được rất nhiều chuyên gia quan tâm. Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Trưởng Phòng Môi trường và Phát triển bền vững (Viện Năng lượng) cho rằng, đối với các dự án truyền tải điện, nguy cơ phá vỡ các vùng sinh thái quan trọng là một vấn đề cần được lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, trong quá trình đánh giá môi trường, các kịch bản phát triển nguồn điện và lưới điện đã được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững. Đồng thời, việc tuân thủ các quy định môi trường hiện hành cũng được chú trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, phải bảo đảm tính bền vững về môi trường trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, phải bảo đảm tính bền vững về môi trường trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh, một trong những mục tiêu chính của điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) là phát triển năng lượng đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội, nhưng vẫn bảo đảm tính bền vững về môi trường. Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các vấn đề môi trường xuyên biên giới, liên vùng, liên tỉnh cũng sẽ được giải quyết thông qua các chiến lược phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Bà Huyền cũng cho biết, việc đánh giá môi trường chiến lược đã được thực hiện theo quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia cho 6 vùng và các khu vực quy hoạch sử dụng đất, biển đã được phê duyệt. Một trong những vấn đề quan trọng trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII lần này là các tác động từ biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, sử dụng đất, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ di sản văn hóa. Đặc biệt, bà Huyền chỉ ra rằng, các kịch bản phát triển nguồn điện đã được xem xét để giảm thiểu khí thải và đảm bảo cam kết về khí hậu, đồng thời dự báo chi phí xã hội cho các tác động môi trường sẽ giảm đáng kể vào năm 2050.

“Trong công tác bảo vệ môi trường, các yếu tố như nước thải và chất thải rắn từ nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân sẽ được quản lý và xử lý nghiêm ngặt. Một trong những sáng kiến quan trọng là tái chế và sử dụng lại chất thải, đặc biệt là tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, để giảm thiểu tác động môi trường. Dự kiến đến năm 2050, lượng tro, xỉ sẽ không còn là vấn đề nổi cộm như trước”, bà Huyền phân tích.

Bà cũng lưu ý rằng, Quy hoạch điện VIII cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong quá trình triển khai, đặc biệt về nhu cầu đất đai. Mặc dù hiện nay diện tích đất đã được phân bổ hợp lý nhưng cần có sự xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi trong các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là giai đoạn 2031-2050.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Huyền đã đưa ra những phân tích về tác động của phát triển nguồn điện đối với tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và môi trường sinh thái. Việc phát triển các nguồn điện, đặc biệt là thủy điện, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước và các di sản thiên nhiên nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, các dự án thủy điện mở rộng và thủy điện nhỏ sẽ tiếp tục được triển khai trong khuôn khổ Quy hoạch điện hiện nay.

Đối với các dự án nhiệt điện, tác động tới tài nguyên thiên nhiên không quá nghiêm trọng nhưng bà Huyền cũng khuyến cáo cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như quy mô, công suất và biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình lựa chọn dự án. Bà Huyền còn đề cập đến nguy cơ lớn từ các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời tập trung và các dự án điện gió trên mặt đất, do việc chiếm đất và mặt nước lớn có thể làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên.

Trong lĩnh vực điện hạt nhân, tác động đến tài nguyên thiên nhiên và di sản thiên nhiên không đáng kể, nhưng đối với các dự án truyền tải điện, nguy cơ phá vỡ các vùng sinh thái quan trọng là một vấn đề cần được lưu ý. Bà Huyền cho biết, việc phát triển truyền tải điện trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII điều chỉnh có thể gây khó khăn trong việc bảo vệ các hệ sinh thái.

Phó Trưởng Phòng Môi trường và Phát triển bền vững cũng đề cập đến mối lo ngại về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, nước và đất, do sự gia tăng quy mô của các dự án nhiệt điện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại các khu vực phát triển nguồn điện.

Các dự án truyền tải điện có nguy cơ phá vỡ sinh thái (Ảnh minh họa)

Các dự án truyền tải điện có nguy cơ phá vỡ sinh thái (Ảnh minh họa)

Bà Huyền cũng nhấn mạnh vấn đề quản lý rủi ro thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các yếu tố thiên tai. Việc lựa chọn dự án và giải pháp giảm thiểu phải được thực hiện cẩn thận để đảm bảo sự thích ứng và giảm thiểu rủi ro đối với các cơ sở hạ tầng điện lực.

Về các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình phát triển điện lực, bà Huyền cho biết, Viện Năng lượng đã nghiên cứu và đưa ra các mục tiêu quốc gia để bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các tỉnh và khu vực có ảnh hưởng từ Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Cụ thể, các mục tiêu này bao gồm việc giảm tỷ lệ chất độc hại trong không khí và nước, xử lý nước thải đạt chuẩn quốc gia và cải thiện tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp.

Ngoài ra, các chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cần được đảm bảo, như việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng và nguồn nước. Bà Huyền cũng đề xuất những giải pháp công nghệ và quản lý liên quan đến xử lý nước thải, khí thải tại các nhà máy năng lượng, nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, sẽ có các kịch bản phát triển nguồn điện tái tạo, như điện mặt trời, điện gió và điện hạt nhân. Các giải pháp này nhằm giảm áp lực lên tài nguyên đất, nước và nguyên liệu, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án điện hạt nhân mới cũng sẽ đòi hỏi một cơ chế đầu tư và chính sách thuận lợi để đáp ứng các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế về an toàn môi trường.

Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề án cũng tuân thủ các văn kiện của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch tổng thể quốc gia, bám sát và tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước có liên quan.

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-3-can-dua-yeu-to-moi-truong-len-hang-dau-trong-dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-724256.html
Zalo