Bài 2: Nghị quyết số 57-NQ/TW – Chuyển hóa thành năng lực đổi mới tại các doanh nghiệp
Trên con đường tạo ra tri thức mới cũng như việc phát triển các tri thức ấy thành công nghệ, giải pháp có tiềm năng ứng dụng và chuyển giao từ phòng thí nghiệm cho doanh nghiệp... các viện nghiên cứu gặp nhiều vướng mắc mà nguyên nhân cốt lõi chính là việc thiếu đồng bộ về mặt cơ chế chính sách.
Giữa bối cảnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành. Nghị quyết đã đặt mục tiêu quan trọng là gỡ bỏ rào cản, giải phóng năng lực sáng tạo từ khu vực nghiên cứu để chuyển hóa thành năng lực đổi mới tại các doanh nghiệp.
Đi tìm nguyên nhân...
Nhìn lại thực trạng nghiên cứu khoa học thời gian qua, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, bên cạnh các nghiên cứu có ích, được triển khai tốt trong thực tiễn và đem lại hiệu quả nhất định thì vẫn còn có nghiên cứu khoa học mang tính hình thức, phiến diện, ứng phó... Thậm chí có nghiên cứu xong chỉ “cất vào ngăn kéo” và tiêu tốn không ít tiền ngân sách của Nhà nước mà không hiệu quả. Từ đó, kết quả của các nghiên cứu không thực sự có ích cho cuộc sống và không đạt được mong muốn cho người dân.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh PV
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, có lẽ tâm lý sợ sai đã khiến các nhà khoa học không dám theo đuổi đề tài nghiên cứu mạo hiểm, đột phá, có tiềm năng cao mà phần lớn chọn vùng an toàn. Cũng do tâm lý sợ sai, nhiều nhà khoa học ít dám hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu bởi nếu thất bại, họ bị quy trách nhiệm, thậm chí xử lý hình sự nếu số tiền lớn.
GS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, thời gian qua, các nhà khoa học ở cơ sở nghiên cứu công lập có mức lương thấp, không có phụ cấp, bị hạn chế thu nhập tăng thêm, hoạt động chuyển giao công nghệ vướng mắc về cơ chế… Vì thế đời sống của nhà khoa học rất khó khăn và không sống được bằng nghề. Để tránh rủi ro, nhiều thủ tục phức tạp được đưa ra, dồn trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu, khiến họ không dám nhận những nghiên cứu lớn. Chủ trương tạo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP năm 2005, do được diễn giải khác nhau ở mỗi góc độ quản lý, khiến cho khoa học công nghệ chưa thực sự phát triển theo đúng bản chất của nó.
GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp đánh giá, sau quá trình thực hiện gần 20 năm, chính sách này ngày càng tỏ ra bất cập. Việc tự chủ hướng nghiên cứu, nghe có vẻ hợp lý nhưng lại là chỗ yếu nhất của quy chế này. Một cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), bất kỳ ở cấp nào, đều được thành lập với một chức năng nhiệm vụ nhất định và phải được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện. Nay, yêu cầu các cơ sở đó tự chủ về hướng nghiên cứu để không phụ thuộc vào ngân sách thì vô hình trung đã tách rời họ khỏi nhiệm vụ chính trị đã được chỉ định. Có những lĩnh vực thì nhiều Viện/trường tranh nhau lao vào, có những lĩnh vực bỏ ngỏ, mặc dù cần thiết. Sự phân công nhiệm vụ ban đầu bị vô hiệu hóa.

GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp. Ảnh PV
“Chúng ta đều biết rằng, trong nghiên cứu khoa học, chỉ dưới 10% nhiệm vụ đi được đến ứng dụng thương mại. Khi bị yêu cầu tự chủ tài chính, các cơ sở R&D sẽ đổ xô vào các nhiệm vụ có thể thương mại hóa sản phẩm ngay, thì hơn 90% nhiệm vụ kia sẽ không có ai muốn làm. Ở các nước khác, ngay ở các viện nghiên cứu thuộc công ty/tập đoàn, người ta cũng không yêu cầu các cơ sở R&D của họ tự chủ về tài chính. Các cơ sở R&D làm việc theo đặt hàng của công ty, tập đoàn để phục vụ cho kinh doanh. Họ tạo động lực cho cán bộ qua việc đánh giá đóng góp theo nhiệm vụ được giao. Tự chủ về hướng nghiên cứu và tài chính cộng với độ trễ của nghiên cứu khoa học sẽ dẫn đến việc các cơ sở R&D sẽ đổ xô vào để ăn phần ngọn, phần gốc sẽ không ai làm. Cuối cùng sẽ tạo ra hệ thống nghiên cứu mà không ai mong muốn” - GS.TS. Lê Huy Hàm chia sẻ.
Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích, theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP, một tổ chức khoa học và công nghệ công lập khi sản xuất kinh doanh thì được cấp giấy chứng nhận kinh doanh như doanh nghiệp, nhưng trên thực tế đi xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các tổ chức sự nghiệp công lập là vô cùng khó, vì Luật Doanh nghiệp không có quy định này. Nghị định 115/2005/NĐ-CP cho phép tổ chức khoa học và công nghệ công lập được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất, kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng nhưng trên thực tế, không thực hiện được điều này bởi theo quy định của Luật Đất đai, các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nghị định 115/2005/NĐ-CP cho phép tổ chức khoa học và công nghệ công lập khi chưa tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên vẫn có quyền tự chủ về nhân lực, nhưng trên thực tế cũng không thực hiện được. Bởi theo quy định trong Luật Viên chức về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập dù được tự chủ vẫn không thể tự quyết định về số người làm việc trong đơn vị mà phải do Bộ Nội vụ phê duyệt biên chế...
Mặt khác, trên con đường đưa một kết quả nghiên cứu có tiềm năng trở thành hàng hóa, có thể chuyển giao được cho doanh nghiệp hoặc tạo tiền đề để thành lập một “doanh nghiệp khởi nguồn” (spin-off), các nhà khoa học và các viện nghiên cứu cũng đứng trước rất nhiều trở ngại.

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Viết Thành
“Luật Quản lý sử dụng tài sản công quy định, kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước thuộc sở hữu của nhà nước. Đặc biệt, Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học sử dụng vốn nhà nước đã khiến công nghệ gần như chôn chân không đến được với doanh nghiệp. Nếu muốn tuân thủ quy định của nhà nước để “mua đứt” công nghệ cũng rất phức tạp vì khó định giá được sản phẩm trí tuệ. Nhà khoa học bị trói chân, trói tay, không cựa quậy được gì” – ông Nguyễn Quân bày tỏ.
Sự lệch pha trong cách hiểu về cơ chế tự chủ cũng như sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy định pháp luật đã dẫn đến vô vàn vướng mắc trong hoạt động. TS Nguyễn Quân nhận xét: “Vướng mắc lớn nhất, theo tôi, chính là sự không đồng bộ, không thống nhất của hệ thống luật pháp. Một chính sách có thể đúng theo quy định của luật này nhưng lại không đúng theo quy định của luật khác, nhất là các luật được mặc nhiên coi là luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao hơn, dẫn tới vô hiệu hóa các chính sách mới tiến bộ hơn”.
Giải tỏa “vòng kim cô” cho khoa học
Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban chỉ đạo. Đây là chủ trương quyết sách mạnh mẽ mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Nghị quyết số 57-NQ/TW như một mũi nhọn tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn từ nhận thức chung đến thể chế, từ đó, giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. “Nghị quyết của Bộ Chính trị được đánh giá là một bước tiến lớn khi xác định rõ thực trạng, định hướng chỉ đạo cùng những yêu cầu cấp bách trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điểm nổi bật được quan tâm là các chủ trương thúc đẩy hợp tác công tư về phát triển công nghệ chiến lược, tạo cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và bố trí nguồn lực tạo đà cho khoa học công nghệ phát triển” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy chỉ rõ.

GS.TS.Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh PV
GS.TS.Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận xét, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ do Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nghị quyết đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo như: Đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và khuyến khích hợp tác công - tư. Tầm nhìn này hướng tới việc tháo gỡ các rào cản lâu nay trong hệ thống, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Với quan điểm và cách tiếp cận mới, 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhất là nhóm nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập, được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp... thực sự sẽ là động lực để phát triển khoa học và công nghệ, sớm đưa những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, việc chấp nhận rủi ro và đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học sẽ cho phép các nhà khoa học mạnh dạn khai phá những ý tưởng và hướng đi mới.
Theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ đơn thuần là một chủ trương, mà là một bước ngoặt thực sự trong cách tiếp cận khoa học công nghệ ở Việt Nam. Từ việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp, cho phép nhà khoa học lập công ty, đến việc bảo đảm cơ chế đãi ngộ hợp lý... Nghị quyết số 57-NQ/TW sẽ “cởi trói” cho những vướng mắc về cơ chế chính sách, giúp các đơn vị nghiên cứu có quyền chủ động hơn trong hợp tác, huy động nguồn lực xã hội hóa, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP, xấp xỉ 9 tỷ USD/năm là một khoản ngân sách lớn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.
(còn nữa)