Bài 2: 'Còn người là còn đảo' - ý chí thép giữ từng tấc đất, sải biển

Những khuôn mặt người lính Trường Sa chai sạm vì nắng gió nhưng rắn rỏi, đầy cương nghị như những cây phong ba vươn mình giữa muôn trùng khơi bạt ngàn sóng nước; ở các anh luôn vững vàng một ý chí quyết tâm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Pháo đài Cô Lin sừng sững giữa bốn bề sóng nước Trường Sa.

Pháo đài Cô Lin sừng sững giữa bốn bề sóng nước Trường Sa.

Trong chuyến hải trình đến với các đảo ở Trường Sa, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn, gian khổ cũng như hy sinh, mất mát của quân và dân trong hành trình bảo vệ từng tấc đất, sải biển ở Trường Sa; trên hết vẫn là tinh thần cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm “còn người là còn đảo”.

Cuộc trường chinh bảo vệ trời biển, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc

Tại Gạc Ma, Đoàn công tác số 8 do Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân làm trưởng đoàn đã làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988; từ đây, có thể nhìn thấy rõ toàn bộ đảo Gạc Ma cũng như các công trình xây dựng ở trên đó.

Trong không khí bi hùng, trang nghiêm, những vòng hoa, những con hạc giấy được thả xuôi theo dòng biển như lời tri ân, tưởng nhớ đến những anh hùng đã hy sinh thân mình trong cuộc chiến bảo vệ đảo ngày hôm ấy. Đã có những giọt nước mắt, những tiếng khóc nấc nghẹn dâng trào khi hàng ngàn cánh hoa trôi về phía Gạc Ma. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Công Thanh nghẹn ngào, xúc động: những ngày qua, khi đến các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Thị... chúng tôi đã thấu hiểu gian lao, hy sinh của những người lính đảo. Còn hôm nay, trên vùng biển mà 37 năm về trước, các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng đã hy sinh thân mình để bảo vệ biển trời của tổ quốc thân yêu. Các anh nằm lại với biển khơi nhưng linh hồn các anh sẽ mãi dõi theo bước chân của từng người lính, tiếp sức cho họ trong cuộc trường chinh bảo vệ trời biển và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc”.

 Những cánh hoa tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh thân mình trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988

Những cánh hoa tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh thân mình trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988

Trong tiếng ầm ầm của máy tàu, chúng tôi được nghe những người lính hải quân kể về câu chuyện linh thiêng của vùng biển Gạc Ma, nơi những con tàu khi qua đây dường như phải chậm lại để nhớ về một cuộc chiến bi hùng nhiều năm trước. Có một điều thật đặc biệt là tàu chở Đoàn công tác đến vùng biển Gạc Ma thì trời cũng bắt đầu nổi mưa. Cơn mưa như những giọt nước mắt tưởng nhớ những người con đất Việt đã mãi nằm lại giữa lòng biển khơi vì một lý tưởng cao đẹp nhất của cuộc đời - lý tưởng bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Cơn mưa giông kéo đến rồi vội đi. Tiếng còi tàu lại hú vang như lời chào biển trời Gạc Ma.

Những ngày "ăn sóng" ở Trường Sa, đến với những đảo nổi, đảo chìm, chúng tôi cảm nhận được tinh thần cảnh giác cao độ của những người lính nơi đây. Nằm kế bên đảo Gạc Ma là pháo đài Cô Lin, nơi tiếng còi báo động dường như vang lên từng ngày. Dù trời đã về chiều, sóng táp thẳng vào mạn tàu nhưng chúng tôi vẫn tìm cách vào đảo. Từ xa, những cọc nhọn bằng bê tông dựng đứng xếp thành từng hàng dài, lớp lớp chồng lên nhau. Những chiếc cọc nhọn sừng sững giữa những cơn sóng lớn quá đầu người như những cọc nhọn trên Bạch Đằng giang mà cha ông ta hàng trăm năm trước đã sử dụng để bảo vệ đất nước trước sự tấn công của kẻ thù phương Bắc. Những thế hệ con cháu hôm nay vẫn nối tiếp cha ông, dựng nên một thế trận ”Bạch Đằng giang” trên biển Đông để bảo vệ biển đảo. Một chỉ huy hải quân nói với chúng tôi, những lớp cọc ấy cắm sâu vào biển không chỉ để cảnh báo tàu thuyền qua lại vùng biển dễ mắc cạn mà còn đối phó với những con tàu chở quân đổ bộ, đánh chiếm đảo.

Những chiếc cọc Bạch Đằng giang trên sóng Biển Đông

Không chỉ có những cọc bê tông đóng sâu vào biển, chĩa mũi nhọn như ngọn giáo bảo vệ biển đảo mà ở Trường Sa còn có những chiếc cọc Bạch Đằng giang bằng xương, bằng thịt, vững vàng trước phong ba, bão tố để ngày đêm bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc; đó là những chỉ huy đảo, những người lính tuổi còn rất trẻ, chỉ vừa mười tám, đôi mươi nhưng đã “gánh” trên vai trách nhiệm, vinh dự canh giữ biển trời Tổ quốc.

 Những chiếc cọc Bạch Đằng Giang bằng xương, bằng thịt đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của tổ quốc

Những chiếc cọc Bạch Đằng Giang bằng xương, bằng thịt đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của tổ quốc

Là chỉ huy đảo thuộc thế hệ 9X, Thượng úy Mai Vũ Thanh Nguyên, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị C, một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa có khuôn mặt rắn rỏi, rám nắng nhưng đầy cương nghị. Đón chúng tôi trên một trụ đá bê tông giữa bốn bề gió táp, Thượng úy Nguyên chia sẻ, mặc dù điều kiện trên đảo còn nhiều khó khăn nhưng các chiến sĩ luôn vững vàng, sẵn sàng ứng phó với bất kỳ hoàn cảnh nào. “50 năm trước, cha ông ta đã vượt biển ra giải phóng Trường Sa, chiến dịch đó đã để lại cho chúng tôi nhiều bài học sâu sắc xen lẫn niềm vinh dự, tự hào. Phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, chúng tôi - những người lính giữ đảo nguyện đoàn kết một lòng, ra sức học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu hy sinh thân mình để giữ vững biển trời và thềm lục địa của Tổ quốc; mỗi chiến sĩ đảo Đá Thị C đều xác định rõ rằng: “còn người là còn đảo”, Thượng úy Mai Vũ Thanh Nguyên xúc động.

Bồng bềnh trên những cơn sóng Trường Sa, vượt qua đợt sóng lừng táp thẳng vào mạn xuồng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nhà giàn DK1 - Phúc Tần, một công trình kỳ vĩ, biểu tượng cho sự kiên cường, dũng cảm của những người lính Trường Sa; giữa bốn bề mênh mông sóng nước, Phúc Tần hiện rõ với dòng chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” như một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của đất nước hình chữ S. Để lên với nhà giàn, ngoài yếu tố “thiên thời” là điều kiện thời tiết thuận lợi, sóng nhỏ thì mỗi người phải có sức khỏe, “không yếu tim” để leo lên những bậc cao thang cao vút, dựng đứng.

 Những chiếc cọc được cắm sâu vào lòng biển

Những chiếc cọc được cắm sâu vào lòng biển

Báo cáo với Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thiên Quân cùng Đoàn công tác, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1 - Phúc Tần khẳng định, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ thì mỗi người lính DK1 đều vững chắc tay súng, quyết tâm bảo vệ nhà giàn với phương châm: “còn người là còn nhà giàn DK1 - Phúc Tần”. “Ở nơi xa đất liền, chúng tôi khó khăn hơn trong sinh hoạt, thiếu thốn về vật chất nhưng mỗi người đều tự dặn lòng mình quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trong câu chuyện với những người lính đảo, chúng tôi cảm nhận được sự quyết tâm, ý chí kiên cường của người lính Trường Sa; sóng - gió - bão mưa và yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo đã hun đúc nên những người lính gan dạ, kiên cường giữa muôn trùng phong ba.

Tấn Tài

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-2-con-nguoi-la-con-dao-y-chi-thep-giu-tung-tac-dat-sai-bien-post410747.html
Zalo