Bài 2: Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa ở tỉnh Hưng Yên

* Di sản văn hóa tỉnh Hưng Yên - Tiềm năng và giá trị

Hưng Yên nổi tiếng là một tỉnh giàu truyền thống văn hóa với niềm tự hào “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Là một thương cảng lớn phát triển cực thịnh vào thế kỷ XVI-XVII, Phố Hiến được đánh giá là một trong ba đô thị cổ của Việt Nam sau phố cổ Hà Nội và Hội An (Quảng Nam). Nếu Kinh thành Thăng Long có 36 phố phường thì Phố Hiến cũng tự hào có 20 phường thị, được coi như một “Tiểu Tràng An”, “chốn phồn hoa đô hội” - nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa Đông - Tây.

Là tỉnh có truyền thống văn hóa lâu đời, Hưng Yên còn bảo tồn được nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tín ngưỡng, lễ hội, làng nghề truyền thống và hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa phong phú và đặc sắc, tạo nên nét khác biệt và độc đáo riêng có. Tính đến năm 2023, cả tỉnh Hưng Yên kiểm kê được 1.802 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 175 di tích quốc gia, 260 di tích cấp tỉnh với hơn 500 lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa, phong tục Việt . Hưng Yên tự hào có 5 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Nghệ thuật Hát Trống quân (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu), Lễ hội Đền Tống Trân (xã Tống Trân, huyện Phù Cừ), Lễ hội Cầu mưa (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm), Lễ hội Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện khoái Châu), Lễ hội Đền An Xá (xã An Viên, huyện Tiên Lữ) .

Trong cuốn sách “Hưng Yên - Thế và lực”, người ta đã điểm danh được 12 di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của tỉnh có sức thu hút du lịch rất lớn là: Văn Miếu Xích Đằng, Chùa Hương Lãng, Chùa Thái Lạc, Đền Đậu An, Đền Mẫu, Đền Ủng, Chùa Nễ Châu, Chùa Hiến, Chùa Chuông, Chùa Phố, Đền Dạ Trạch, Đền Đa Hòa.

Nói đến đất Hưng Yên, chắc chắn phải nhắc đến một di tích quốc gia đặc biệt là khu di tích Phố Hiến - một đô thị cổ - một thương cảng cổ nổi tiếng cả ở Việt Nam và Đông Nam Á. Trong Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Khu di tích Phố Hiến đã liệt kê danh sách 16 di tích tiêu biểu hợp thành là: Văn Miếu Xích Đằng, Đền Mây, Đền Kim Đằng, Đền Trần, Đền Mẫu, Đền Thiên Hậu, Võ Miếu, Chùa Phố, Đền Bà Chúa Kho, Chùa Chuông, Đình An Vũ, Đền Nam Hòa, Đền Cửu Thiên Huyền Vũ, Đình - Chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội và Chùa Nễ Châu.

Con số thống kê nêu trên cho thấy, Hưng Yên là một tỉnh có có lịch sử lâu đời, có tiềm năng lớn về văn hóa và di sản văn hóa. Phải coi đây là tài nguyên và nguồn vốn cho phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch văn hóa. Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra là phải bằng mọi cách bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tài nguyên to lớn đó phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng:

- Bảo tồn bền vững di sản văn hóa về mặt xã hội nhằm tạo lập cơ sở pháp lý, khoa học - kỹ thuật để di sản văn hóa không bị tách biệt, “khô cứng” hoặc “ngưng đọng”, ngược lại phải được tôn trọng và có khả năng tồn tại trong đời sống xã hội, hòa nhập một cách linh hoạt vào không gian văn hóa - xã hội của cộng đồng cư dân địa phương. Tức là làm cho di sản văn hóa trở thành một bộ phận hữu cơ của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mọi tầng lớp cư dân trong xã hội.

- Bảo tồn bền vững di sản văn hóa về mặt môi trường đặt ra yêu cầu giữ gìn di sản văn hóa phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan văn hóa bao quanh, liền kề di tích lịch sử - văn hóa. Quan trọng nhất là phải duy trì một tập thể bền chặt và hài hòa giữa hai thành phần tự nhiên và nhân tạo trong lòng di sản văn hóa. Mặt khác, phải tận dụng lợi thế từ môi trường thiên nhiên làm gia tăng các giá trị và sức hấp dẫn cho di sản văn hóa.

- Bảo tồn bền vững di sản văn hóa về mặt kinh tế. Cần khẳng định, bảo vệ di sản văn hóa và phát triển là hai mặt hoạt động gắn bó hữu cơ và tác động tương hỗ lẫn nhau. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa không được cản trở các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà ngược lại, cần làm cho các giá trị di sản văn hóa trở thành mục tiêu và động lực cho phát triển. Phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa hiệu quả về mặt kinh tế sẽ tạo thêm nguồn lực vật chất để tăng cường khả năng bảo tồn di sản văn hóa.

Bảo tồn bền vững di sản văn hóa là tạo lập các cơ chế quản lý có hiệu quả làm cho các yếu tố cấu thành giá trị di sản văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội, các hoạt động sáng tạo của con người: Văn hóa sản xuất, văn hóa quản lý, văn hóa lối sống, giao tiếp, sinh hoạt gia đình - xã hội, văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế. Với tư cách là tài sản văn hóa vô giá, di sản văn hóa sẽ đóng góp thiết thực vào việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và tạo lập môi trường xã hội lành mạnh, ổn định phục vụ yêu cầu phát triển.

* Hợp tác liên ngành và đa ngành trong bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Hưng Yên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 18 tháng 10 năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về “Chương trình Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”. Nghị quyết quan trọng này đã khẳng định những mục tiêu cụ thể cần vươn tới là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống lịch sử con người Hưng Yên hiện đại, vì sự phát triển bền vững, quan tâm đầu tư các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật tiêu biểu, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giáo dục truyền thống yêu nước, làm phong phú kho tàng di sản văn hóa, lịch sử dân tộc. Xây dựng Hưng Yên trở thành một Trung tâm di sản văn hóa đặc sắc tại Khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước – một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Muốn thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, chúng ta phải tạo lập được cơ chế hợp tác giữa các ngành hữu quan ở địa phương thông qua các quy hoạch tổng thể, các Chương trình hành động và các dự án mang tính đa ngành để: (1) huy động tối đa các nguồn lực tổng hợp của toàn tỉnh cho các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Hưng Yên, (2) ngành di sản văn hóa và du lịch phải hợp tác chặt chẽ trong việc sáng tạo các dịch vụ văn hóa để biến kho tàng di sản văn hóa phong phú đa dạng của Hưng Yên thành những sản phẩm du lịch, chuỗi sản phẩm, tour, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn, kết nối hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trong nội tỉnh và các tỉnh bạn liền kề trong vùng trọng điểm kinh tế đồng bằng sông Hồng.

Qua những nội dung trình bày ở trên, xin đề xuất một số kiến nghị cụ thể về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Hưng Yên:

Thứ nhất, trước đây chúng ta thường xây dựng Quy hoạch tổng thể hoặc các Dự án tổng thể của từng ngành tách biệt ví dụ Quy hoạch hay Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn; Quy hoạch hay Dự án tổng thể bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa giai đoạn… nên không có khả năng kết nối, khai thác thế mạnh của từng ngành để tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh cho những mục tiêu cụ thể đặt ra. Tôi đề xuất xây dựng một Quy hoạch tổng thể hoặc Dự án tổng thể “Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Hưng Yên” hoặc ngược lại “Phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên gắn với (hoặc trên cơ sở) bảo tồn di sản văn hóa”, trong đó có phối hợp giữa hai ngành Di sản và Du lịch, đồng thời kết hợp với “Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao” hoặc “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa mới”.

Thứ hai, Hưng Yên có một ngôi làng cổ độc đáo và hấp dẫn của tỉnh và cả nước là làng Nôm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia tại Quyết định số 50/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 01 năm 2020. Có thể khẳng định, đây là một trong những ngôi làng cổ và trù phú còn lại ở Việt Nam với quần thể di tích lịch sử - văn hóa độc đáo và vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và nét cổ kính của làng quê Việt: Cổng làng, ao làng, giếng làng (ba giếng cổ), các ngôi nhà ở dân dụng truyền thống với lối kiến trúc xưa cũ, những tán cây cổ thụ và hàng cau cao vút soi bóng xuống mặt nước ao làng trong xanh, hệ thống đường ngang ngõ tắt như xương cá, chùa Nôm cổ kính còn lưu giữ hơn 100 bức tượng cổ bằng đất nung, đặc biệt phải kể đến cầu Nôm được xây bằng đá và đã đi vào ca dao, dân ca:

Đi về cầu đá làng Nôm
Mà xem phong cảnh nước non hữu tình

Tôi cho rằng, hiện trạng di sản văn hóa làng Nôm tỉnh Hưng Yên hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để xây dựng một “Bảo tàng sinh thái” điển hình để biến không gian văn hóa làng thành một sản phẩm du lịch mang tính tổng hợp có sức hấp dẫn đông đảo du khách. Những năm trước đây khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thảo về bảo tồn di sản văn hóa tôi đã có bài báo cáo “Bảo tồn làng cổ từ góc nhìn di sản văn hóa”, trong đó đã trình bày khá kỹ về mô hình “Bảo tàng sinh thái” nên sẽ không bàn sâu ở đây.

Thứ ba, theo tôi biết, ngày 25 tháng 5 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 740/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch. Quy hoạch đặt ra ba mục tiêu lớn:

Một, bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến thông qua các di tích hiện hữu trong phạm vi Phố Hiến cổ, tái hiện hình ảnh phố cổ… đồng thời, tạo điều kiện khai thác phát triển du lịch.

Hai, làm cơ sở pháp lý cho việc xếp hạng khu di tích Phố Hiến, bảo tồn, quản lý, lập, thẩm định và phê duyệt các Dự án đầu tư.

Ba, hoàn thiện không gian kiến trúc về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Phố Hiến góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của tỉnh, xây dựng Hưng Yên giàu mạnh, văn minh, trở thành tỉnh khá trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đã xác định 7 nhóm Dự án thành phần cần được triển khai gồm:

Nhóm Dự án số 1, Lập hồ sơ xếp hạng bổ sung các di tích, ngoài những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, lập hồ sơ các hạng mục di tích còn lại nằm trong khu vực Phố Hiến cổ (phạm vi nghiên cứu quy hoạch), trình cấp có thẩm quyền xếp hạng bổ sung.

Nhóm Dự án số 2, Đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và cắm mốc giới bảo vệ di tích.

Nhóm Dự án số 3, Khai quật khảo cổ, thám sát trên địa bàn khu vực Phố Hiến xưa, khai quật có trọng tâm được lựa chọn thông qua những khu vực đã thám sát.

Nhóm Dự án số 4, Phục dựng Phố Hiến cổ, bao gồm các công trình nhà cổ, thương điếm, thuyền Trung Quốc, thuyền Nhật Bản, các di tích… phục dựng Đền thờ Lê Đình Kiên và các công trình cảnh quan, giao thông và hạ tầng phụ trợ…

Nhóm Dự án số 5, Tu bổ, tôn tạo các di tích nằm ngoài khu di tích Phố Hiến cổ, thuộc phạm vi quy hoạch, tu bổ các di tích nguyên gốc đã bị xuống cấp, tôn tạo các hạng mục công trình, phát huy giá trị di tích.

Nhóm Dự án số 6, Phục dựng mặt đứng phố cổ nối từ Phố Hiến Hạ đến các điểm di tích (Khu vực Hồ Bán Nguyệt, Chùa Chuông và Văn Miếu Xích Đằng).

Nhóm Dự án số 7, Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ di tích và phục vụ du lịch cho cộng đồng.

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tổng xét lại để biết rõ những Dự án nào đã được thực hiện và hiệu quả đã đạt được ở mức độ nào, đồng thời tìm ra nguyên nhân vì sao các Dự án khác lại bị tồn đọng. Đây là cơ sở khoa học cho việc đề xuất điều chỉnh Quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt với mục tiêu bảo tồn Khu di tích Phố Hiến gắn với phát triển du lịch trong tình hình mới phù hợp với nội dung Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Tỉnh ủy Hưng Yên.

Theo ý nghĩ chủ quan của tôi, trước mắt Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên nên ưu tiên đầu tư thực hiện ba Dự án lớn nêu trên để tạo động lực mới thúc đẩy các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

PGS.TS. Đặng Văn Bài
Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia

Giá trị văn hóa của vùng đất Hưng Yên văn hiến và cách mạng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/bai-2-bao-ton-di-san-van-hoa-gan-voi-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-o-tinh-hung-yen-3175063.html
Zalo