Bài 1: Ngổn ngang trên những công trình, dự án

Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế.

Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và một số quy định còn bất cập, chính sách và đội ngũ cán bộ một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các công trình, dự án trên địa bàn và tác động trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nhà thầu nằm chờ mặt bằng

Trên địa bàn huyện Bát Xát đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, cả huyện như một đại công trường. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai theo kế hoạch. Nhiều dự án phải gia hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa biết khi nào hoàn thành bởi nhà thầu không có mặt bằng thi công.

Tại Dự án xây dựng bãi đỗ xe trung tâm xã Y Tý (Bát Xát), nhà thầu đã tập kết thiết bị, máy móc ra công trường, sau đó phải rút về. Từ nay đến cuối năm, thời tiết ở Y Tý càng khó khăn nên khả năng khởi động dự án này vẫn bỏ ngỏ. Trong khi đó, theo hợp đồng thì dự án phải triển khai từ tháng 9/2021 và hoàn thành vào tháng 9/2023. Để thi công dự án này phải thu hồi đất của 26 hộ và 1 tổ chức với tổng diện tích 20.229,5 m², tuy nhiên đến nay mới giải phóng mặt bằng chưa được một nửa diện tích.

Ông Kiều Đức Sơn, Giám đốc Công ty Thương mại Hoàng Sơn (đơn vị thi công) cho biết: Chưa có mặt bằng nên nhà thầu có muốn thi công cũng không được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Hoặc tại Dự án đầu tư xây dựng phân khu du lịch Y Tý (Bát Xát) thuộc Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, mặc dù đã huy động nhân lực, phương tiện hùng hậu thi công nhưng vướng mặt bằng khiến nhà thầu không thể thi công thông suốt. Có 71 hộ và 6 tổ chức trong diện ảnh hưởng của dự án phải thực hiện giải phóng mặt bằng với diện tích thu hồi 104.031,8 m², chiều dài tuyến 4,5 km. Đến nay, đã bàn giao được mặt bằng theo chiều dài tuyến là 3,1 km, tuy nhiên lại giải phóng kiểu “xôi đỗ” nên rất khó khăn để triển khai thi công.

Ông Bùi Văn Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng Hoàng Nguyên (đơn vị thi công) cho biết: Nếu được bàn giao mặt bằng sạch, nhà thầu cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành ngay trong năm nay.

Điển hình của việc chậm tiến độ do vướng mặt bằng phải kể đến Dự án cải tạo, nâng cấp đường Bản Xèo - Dền Sáng - Y Tý. Tổng số hộ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án này là 319 hộ (trong đó xã Dền Sáng 141 hộ, xã Sàng Ma Sáo 104 hộ, xã Mường Hum 63 hộ, xã Bản Xèo 11 hộ) và 5 tổ chức với tổng diện tích thu hồi 519.200 m², chiều dài tuyến 34,5 km. Do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến dự án thi công ì ạch, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân và khách du lịch. Mặc dù dự án đã được gia hạn nhưng với tiến độ như hiện nay thì không thể về đích đúng hẹn.

Ông Vũ Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bát Xát cho biết: Ban đang triển khai giải phóng mặt bằng 32 công trình (trong đó 26 công trình chuyển tiếp, 6 công trình khởi công mới). Đến nay mới có 3 công trình thực hiện xong giải phóng mặt bằng, 1 công trình đang tạm dừng giải phóng mặt bằng do điều chỉnh dự án, 28 công trình đang tiếp tục triển khai. Khó khăn nhất là các dự án giao thông với tổng chiều dài tuyến cần giải phóng mặt bằng 88,58 km, hiện ban mới bàn giao mặt bằng được 43,6 km (bằng 49,22%).

Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ

Việc hoàn thiện các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn như Cảng Hàng không Sa Pa, cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược (Bát Xát) và hạ tầng kết nối; cầu Phú Thịnh (thành phố Lào Cai); cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ và đường tỉnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn 2; bệnh viện đa khoa các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà; Trường THPT Chuyên Lào Cai; trụ sở UBND các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Sa Pa… sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế trên một số công trình, dự án trọng điểm tiến độ chưa đạt như kỳ vọng.

Tại dự án thành phần 1 - xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng; nâng cấp Tỉnh lộ 156 (Kim Thành - Ngòi Phát) đoạn từ nút giao với đường BV32 và BV28 đến giao với đường BV19 thuộc Dự án cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối, tổng giá trị giải ngân đến nay đạt 57,66% so với tổng mức đầu tư (386,325/670 tỷ đồng). Tuy nhiên, tổng giá trị thực hiện mới đạt 196,919/670 tỷ đồng, bằng 29,39% tổng mức, bởi hầu hết các gói thầu chậm tiến độ so với hợp đồng ký kết.

Trong đó phải kể đến gói thầu số 9 (thi công xây dựng tuyến đường BV20), nhà thầu thi công là Công ty TNHH Xuất - Nhập khẩu và Đầu tư chợ gỗ Tài Anh. Giá trị hợp đồng là 113,2 tỷ đồng và thời gian thực hiện hợp đồng là 540 ngày kể từ ngày 24/12/2021 (ngày khởi công), được gia hạn đến ngày 17/6/2024. Hiện nay, đã bàn giao cho nhà thầu 2,1/3,55 km để triển khai thi công. Tuy nhiên, đến nay giá trị xây lắp mới đạt khoảng 52,2/113,19 tỷ đồng, bằng 46%.

Gói thầu số 10 (thi công xây dựng tuyến Tỉnh lộ 156 và đường BV21), nhà thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức. Giá trị hợp đồng là 87,76 tỷ đồng và thời gian thực hiện hợp đồng là 540 ngày kể từ ngày 24/12/2021 (ngày khởi công), đã được gia hạn đến ngày 17/6/2024. Đến nay, giá trị xây lắp thực hiện mới đạt 28,3/87,7 tỷ đồng, bằng 32%.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đến nay công tác giải phóng mặt bằng các hộ dân đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên còn một số vướng mắc liên quan đến diện tích chồng lấn khoáng sản tại khai trường 28, 29 và thu hồi đất của một số tổ chức. Ngoài ra, vướng mắc về việc đất đắp cho dự án cũng chưa được giải quyết.

Theo hồ sơ thiết kế được duyệt, dự án thành phần 1 có nhu cầu khoảng 380.000 m3 đất để đắp nền đường K95 và K98, vị trí lấy đất đắp tại Km13+800, Tỉnh lộ 156, nằm tiếp giáp bên phải tuyến thuộc thôn 2, xã Bản Vược (huyện Bát Xát) với cự ly vận chuyển trung bình 3 km.

Do vướng mắc quy định về vật liệu san lấp công trình là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo Luật Khoáng sản nên phải thực hiện việc đăng ký và thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với diện tích khai thác nằm ngoài dự án và hiện nay tỉnh chưa có hướng dẫn lấy đất điều phối từ dự án khác về đắp, vì vậy đến nay Tỉnh lộ 156, BV20 và BV21 chưa có đất đắp nền đường.

Tại dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường kết nối từ cầu Làng Giàng đến Quốc lộ 70, giá trị xây lắp thực hiện đến nay mới đạt 47% (56/120,058 tỷ đồng). Dự án còn vướng 14 vị trí nhà dân chưa bàn giao mặt bằng để thi công. Dự án cũng chưa có vị trí tái định cư để bố trí cho các hộ phải di chuyển chỗ ở, chưa có giá đất thổ cư cụ thể nên vẫn chưa thực hiện đền bù đối với đất thổ cư. Đến nay, tổng chi phí giải phóng mặt bằng đã thực hiện là 71,6 tỷ đồng, vượt so với chi phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư của dự án nên phần chi phí giải phóng mặt bằng duyệt tăng thêm sau này Kho bạc Nhà nước tỉnh Lào Cai không đồng ý cho rút.

Nhiều dự án trọng điểm khác như Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn 2; bệnh viện đa khoa các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà; Trụ sở Trung tâm hành chính huyện Bảo Thắng, Trung tâm hành chính thị xã Sa Pa cũng vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên việc bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng chậm hơn so với thời điểm ký hợp đồng đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Bài 2: Tháo nút thắt về giải phóng mặt bằng

Đinh Viết Vinh - Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-1-ngon-ngang-tren-nhung-cong-trinh-du-an-post388776.html
Zalo