Bài 1: Mô hình 'Dân vận khéo' của Công an huyện Lục Nam (Bắc Giang), hóa giải những điểm nóng

LTS: Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh 'lòng dân' và 'thế trận lòng dân' là một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng, là sức mạnh đoàn kết nội sinh giúp dân tộc giữ vững giang sơn, gấm vóc, phát triển trường tồn. Vận dụng sức mạnh từ nhân dân, trong những năm qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã luôn nỗ lực duy trì, nhân rộng các mô hình, tổ chức quần chúng trong phong trào toàn bảo vệ an ninh Tổ quốc. Với cách làm hay, sáng tạo từ nhân dân và lực lượng Công an nhân dân, nhiều mô hình đã được Bộ Công an thẩm định, đánh giá và cho thông báo, phổ biến nhân rộng trên toàn quốc. Để làm rõ vai trò của lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang, Công an cấp huyện, xã trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Báo điện tử Xây dựng khởi đăng loạt bài: 'Lòng dân' - sức mạnh nội sinh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc'.

(Xây dựng) - Nhiều công trình, dự án về xây dựng, giao thông triển khai trên địa bàn huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) tưởng như đã đi vào bế tắc, tạo nên thế cuộc căng thẳng giữa chính quyền và những hộ dân không đồng thuận. Tuy nhiên với sự vào cuộc vừa mạnh mẽ, vừa mềm mỏng, vừa kiên quyết của lực lượng Công an đã hóa giải những điểm nóng để mang đến sự bình yên trên địa bàn.

Trước khi tiến hành GPMB, các phương án đều được chính quyền và Công an huyện Lục Nam bàn thảo kỹ lưỡng.

Trước khi tiến hành GPMB, các phương án đều được chính quyền và Công an huyện Lục Nam bàn thảo kỹ lưỡng.

Cuộc nói chuyện lúc nửa đêm

Dự án xây dựng khu đô thị Bảo Sơn là một trong những dự án trọng điểm của huyện Lục Nam. Để triển khai dự án cần thu hồi lượng lớn đất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn. Trong đó, có gia đình nhà ông G.V.S (xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam).

Điểm mấu chốt trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với gia đình ông S. là giải quyết câu chuyện công trình đã xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đồng thời đây cũng là hộ gia đình có diện tích đất phải thu hồi khá lớn: Hơn 3 nghìn m2 đất, trong đó có khoảng gần 200m2 đã xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố. Theo quy định, đối với những trường hợp này thì không được nhận bồi thường do đã xây dựng trái phép nhưng gia đình ông S. nhất quyết đòi bồi thường và phản đối kịch liệt. Chính quyền địa phương đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng và thực hiện nhiều biện pháp thuyết phục gia đình ông nhưng đều bất thành, dẫn đến việc UBND huyện quyết định phải tổ chức cưỡng chế. Đêm trước ngày diễn ra cưỡng chế, tại nhà ông S. đã tổ chức người thân, họ hàng ăn uống tại nhà, lên kế hoạch chống trả lực lượng chức năng, thậm chí đã chuẩn bị nhiều dụng cụ để ứng phó. Về phía chính quyền địa phương, xác định đây là vụ việc phức tạp, đối tượng manh động nên đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, đồng thời huy động gần 500 người, bao gồm cả Công an, Quân đội cùng vào cuộc để ra quân bảo vệ thi công. Tình thế cực kỳ căng thẳng.

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Công an huyện Lục Nam nhớ lại: “Sau khi cân nhắc tình hình đồng thời báo cáo xin ý kiến Trưởng Công an huyện và báo cáo Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, tôi đã quyết định tới nhà ông S. để vận động lần cuối. Chủ tịch UBND huyện lúc đó cũng căn dặn tôi là cần phải hết sức cẩn trọng vì đối tượng rất đông và liều lĩnh, thời điểm đó lại là đêm khuya nên việc ứng phó sẽ gặp nhiều bất lợi. Tuy nhiên, với quyết tâm cao tôi vẫn đến. Đó thực sự là một cuộc đấu trí đầy cam go và căng thẳng. Gia đình ông S. với hàng chục thanh niên trai tráng sẵn sàng lao vào như thể muốn “quyết chiến” với tôi”.

Cùng thời điểm ấy, ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam và các cán bộ huyện Lục Nam cũng như ngồi trên đống lửa. Ông Đặng Văn Nhàn cũng không ngủ bởi cứ vài chục phút, điện thoại từ phía Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Công an huyện lại vang lên xin ý kiến chỉ đạo và chốt phương án với gia đình ông S.

“Ngoài sự thuyết phục của mình thì vai trò của người đứng đầu địa phương rất quan trọng vì nếu như các phương án mình đưa ra không được chấp thuận thì sự việc cũng không thành. Vì thế, mình luôn phải xin ý kiến, đồng thời Chủ tịch UBND huyện phải căn cứ vào từng diễn biến sự việc nhưng vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật để nhất trí hoặc không với các phương án mà gia đình ông S. và mình đã đưa ra”, Thượng tá Nguyễn Trung chia sẻ.

Cứ từng bước một, vừa mềm mỏng, vừa quyết liệt, vừa tâm sự tình cảm nhưng lại vừa có tính pháp lý chặt chẽ khiến cho cuộc nói chuyện giữa ông S. và Thượng tá Nguyễn Trung Kiên dần đi đến sự thấu hiểu lẫn nhau. Đến hơn 12 giờ đêm thì ông S. “đuổi” hết cánh thanh niên và những người “cứng đầu” trong buổi tiệc đi ngủ, chỉ còn 2 người nói chuyện. Đến hơn 4 giờ sáng thì Thượng tá Nguyễn Trung Kiên rời khỏi nhà ông S. với thông điệp: Ông S. sẽ không chống đối nữa và để cho hoạt động thi công diễn ra bình thường... Hơn 500 người đã chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai trong trường hợp có biến cố lớn đã không phải “ra quân” cùng với hàng loạt phương án bố trí bảo đảm an toàn, “bảo vệ thi công” đã không phải thực hiện.

Những “cơn mưa mát lành” trong điểm nóng giải phóng mặt bằng

Ông Vũ Xuân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Lục Nam cho biết, đến nay trên địa bàn toàn huyện đang phải tiến hành giải phóng mặt bằng đối với hơn 60 dự án, ảnh hưởng tới quyền lợi của khoảng 8-9 nghìn hộ dân. Đây thực sự là một con số rất lớn. Trong đó, có nhiều dự án lớn như: Khu đô thị Đồng Cửa số 2, thị trấn Đồi Ngô; Khu đô thị mới phía Đông thị trấn Đồi Ngô; Dự án xây dựng đường dây 220KV Bắc Giang - Lạng Sơn; Dự án sân Golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang; Khu dân cư số 2 xã Bảo Sơn; Khu dân cư mới xã Tam Dị; Dự án cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 31; Dự án xây dựng tuyến đường nối QL31 đi ĐT 293 (đoạn Phương Sơn - Yên Sơn)...

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Công an huyện Lục Nam chia sẻ về những câu chuyện “có một không hai” trong quá trình hỗ trợ đền bù GPMB.

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Công an huyện Lục Nam chia sẻ về những câu chuyện “có một không hai” trong quá trình hỗ trợ đền bù GPMB.

Quá trình triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cho thấy, không phải dự án nào cũng dễ dàng trong việc giải phóng mặt bằng. Còn nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc do một số hộ dân không đồng thuận, không ủng hộ các chủ trương.

Trước tình hình đó, Công an huyện Lục Nam đã xây dựng Mô hình “Dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lục Nam giai đoạn 2021 - 2025”. Mô hình hoạt động với 37 thành viên, nòng cốt là lãnh đạo Công an huyện, chỉ huy các đội nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn. Nhiệm vụ của các thành viên mô hình là triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; không để xảy ra phức tạp về an ninh, trật tự.

Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của mô hình đã phối hợp có hiệu quả với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể cùng với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, thành lập các đoàn tuyên truyền vận động đến từng hộ dân để phổ biến cơ chế chính sách, động viên thuyết phục các đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành tốt chủ trương, cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao đất và tạo điều kiện cho các công trình, dự án được triển khai. Với phương châm vận động nhân dân là đối tượng nào, hình thức đó.

Theo báo cáo của Công an huyện Lục Nam, từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã tuyên truyền vận động đối với 2 dự án (Dự án khu dân cư thôn Quyết Tâm xã Yên Sơn và Dự án xây dựng đường dây 220kV Bắc Giang - Lạng Sơn qua xã Bảo Sơn) không phải tiến hành cưỡng chế dù đã ban hành quyết định cưỡng chế. Đồng thời, giảm số hộ phải tiến hành cưỡng chế và giảm sự chống đối khi tiến hành cưỡng chế (bảo vệ thi công) đối với: 14/15 hộ liên quan Khu dân cư số 2 xã Phương Sơn, 84/97 hộ liên quan Dự án Đồng Cửa 2, 15/20 hộ liên quan Khu dân cư số 2 xã Bảo Sơn...

Bài học từ lòng dân

Cách làm của mô hình “Dân vận khéo” của Công an huyện Lục Nam là huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng tham gia chứ không phải trách nhiệm riêng của Đội An ninh. Mỗi người đều được tận dụng các mối quan hệ họ hàng, bạn bè, thậm chí cả các mối quan hệ khác để tiếp cận các đối tượng một cách tự nhiên nhất, không kể đó là Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông hay điều tra… Mỗi vụ việc, mỗi dự án, lãnh đạo Công an huyện đều nghiên cứu, phân tích tình hình, phân tích các mối quan hệ trong nội bộ lực lượng của mình để tìm ra những nhân tố hợp lý để tiếp cận và vận động người dân. Sự vận động cũng đa dạng, phong phú, khi mềm mỏng, khi quyết liệt, không chỉ bằng tình cảm mà còn bằng cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, người dân không phải lúc nào và không phải ai cũng hiểu được. Đã có không ít trường hợp, cán bộ chiến sĩ phải “lì” trước sự lạnh nhạt của người dân khi từ chối tiếp chính quyền và Công an và cũng nhiều người phải “chơi” với người dân thật “đẹp”: tức là còn phải uống rượu, ăn ở cùng với người dân. Thượng tá Kiên chia sẻ vui: Có chiến sĩ thông báo rằng sau khi hoàn thành dự án thì “chó cũng quen hơi” và “bỗng dưng nghiện rượu”...

Còn đối với người dân, cần phải thấu hiểu với hoàn cảnh, với tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân để đưa ra cách xử lý phù hợp. Đến với dân như đến với những người bạn. Việc cưỡng chế chỉ là cùng bất đắc dĩ và mục đích cuối cùng vẫn là bảo vệ người dân khỏi các vi phạm nếu có.

Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đã tạo nên những kết quả của mô hình “Dân vận khéo” của lực lượng Công an.

“Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để mô hình hoạt động hiệu quả; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp; thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi dự án giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thi công dự án, giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng tranh chấp, bất đồng, khiếu nại tố cáo trong nhân dân và những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự”, ông Đặng Văn Nhàn cho biết.

Nhờ mô hình “Dân vận khéo” của Công an huyện Lục Nam, nhiều dự án lớn được đảm bảo triển khai thực hiện đúng tiến độ.

Nhờ mô hình “Dân vận khéo” của Công an huyện Lục Nam, nhiều dự án lớn được đảm bảo triển khai thực hiện đúng tiến độ.

Trao đổi về tính hiệu quả, hướng triển khai nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” của Công an huyện Lục Nam, Đại tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho hay: Công an tỉnh Bắc Giang hiện đang duy trì 404 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, trong đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, mô hình “Tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận ủng hộ chủ trương chính sách thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lục Nam” được thành lập từ năm 2021.

“Đây là mô hình tiêu biểu, hoạt động rất hiệu quả; từ khi đi vào hoạt động, mô hình đã kịp thời tham mưu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân dân tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương, chính sách thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án; hoạt động mô hình đã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó, có nhiều dự án không phải tổ chức cưỡng chế. Với kết quả đạt được, mô hình đã được Bộ Công an đánh giá cao và thông báo phổ biến, nhân rộng toàn quốc”, Đại tá Đỗ Đức Trịnh nhấn mạnh.

Bài 2: Tiếng kẻng miền an yên

Kim Thoa – Vũ Anh Tuấn – Chương Huyền – Hào Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-1-mo-hinh-dan-van-kheo-cua-cong-an-huyen-luc-nam-bac-giang-hoa-giai-nhung-diem-nong-395174.html
Zalo