Bài 1: Đưa Nghị quyết số 17-NQ/TU vào cuộc sống

Cụ thể hóa quan điểm, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 'Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững'. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng có chuỗi bài phản ánh việc triển khai xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, mở đầu là trao cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Ông Hoàng Văn Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Ông Hoàng Văn Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.

PV: Ông có thể cho biết ý nghĩa, mục đích của Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh?

Ông Hoàng Văn Hải: Quảng Ninh là tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, con người Quảng Ninh cũng thể hiện những đặc trưng chung, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, kết hợp với bản sắc rất riêng của vùng đất được coi là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam; truyền thống công nhân Vùng mỏ - “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được hình thành, vun bồi thành một di sản tinh thần của công nhân vùng mỏ, trở thành một đặc trưng của con người vùng Mỏ. Tuy nhiên, xu thế vận động và phát triển tiếp tục đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi Quảng Ninh không chỉ tiếp cận những nhận thức mới về phát triển bền vững, nhận diện mới về các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh hiện tại đồng thời đặt trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn, mà còn phải có giải pháp thực tế, hiệu quả để chuyển hóa các giá trị này thực sự trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển là tất yếu.

Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trên cơ sở quán triệt sâu sắc những chỉ đạo, định hướng lớn trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng thời là bước cụ thể hóa quan trọng thực hiện khâu đột phá thứ 3 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả trong thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Nghị quyết 17-NQ/TU đã khẳng định những giá trị cốt lõi, định vị các giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc” và việc xây dựng hệ giá trị con người Quảng Ninh với các phẩm chất “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh”. Các giải pháp để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp. Đó là cơ sở khoa học - thực tiễn quan trọng, góp phần để văn hóa, con người thực sự được phát huy trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

PV: Ông cho biết thêm về những nhiệm vụ cần quan tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đối với các cấp, các ngành, các địa phương hiện nay?

Ông Hoàng Văn Hải: Những quan điểm, mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” không chỉ đáp ứng sự đòi hỏi của thực tiễn đời sống xã hội hiện nay mà còn là những định hướng lớn, mang tính chiến lược lâu dài đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương phải có sự đầu tư nghiên cứu, thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, để Nghị quyết số 17-NQ/TU sớm đi vào cuộc sống.

Nghị quyết số 17-NQ/TU đã nêu 4 quan điểm, 3 khâu đột phá, mục tiêu chung, 18 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện đến các Chi bộ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, đến từng cán bộ, đảng viên công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo sát sao, căn cơ, bài bản, ban hành Kế hoạch số 383-KH/TU ngày 26/3/2024; trong đó chỉ đạo, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành đối với từng cấp, từng ngành trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU. Các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 17-NQ/TU, Kế hoạch 383-KH/TU đã được UBND tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động với lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng trong triển khai các nhiệm vụ, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Công tác tuyên truyền, quán triệt về Nghị quyết, chủ đề công tác năm, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh, giá trị con người Quảng Ninh được triển khai phong phú, đa dạng như: tuyên truyền trực quan, chương trình biểu diễn nghệ thuật, các phóng sự, tin bài trên các phương tiện truyền thông... đã thực sự tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị được nâng lên; nhiều mô hình, cách làm hay thể hiện sự chủ động, sáng tạo của các địa phương trong triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp bám sát Nghị quyết số 17-NQ/TU quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu. Đồng thời, quan tâm thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tổ chức cập nhật, bổ sung hệ giá trị văn hóa, con người, văn hóa dân gian tỉnh Quảng Ninh vào tài liệu giáo dục địa phương các cấp để tổ chức giảng dạy và đưa vào các hoạt động trải nghiệm thực tế của học sinh, sinh viên ngay trong năm học 2024 - 2025 ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành bộ tiêu chí nhận diện thương hiệu tỉnh Quảng Ninh và các bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh cũng như trong các cơ quan, đơn vị. Hoàn thiện xây dựng bộ tiêu chí về “thôn, làng, khu dân cư văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” để đưa vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng dân cư trong năm 2025. Tiếp tục xây dựng, triển khai các mô hình tự quản tích cực, hiệu quả trong cộng đồng dân cư.

Ba là, xây dựng lộ trình triển khai cụ thể để hoàn thành mục tiêu hết năm 2025, Quảng Ninh có ít nhất 2 thành phố nằm trong mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, nhất là Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Khu liên hợp thể thao tỉnh, Trung tâm văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, trong đó mở rộng liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế để tổ chức các sự kiện, các giải thi đấu thể thao nhằm khai thác tối đa hạ tầng, cơ sở vật chất của Khu liên hợp thể thao tỉnh, hướng tới việc phát triển kinh tế thể thao gắn với lợi thế cảnh quan, tiềm năng du lịch của tỉnh. Rà soát quỹ đất, các điều kiện cần thiết để phục vụ cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Năm là, triển khai đồng bộ các định hướng, giải pháp nhằm gắn phát triển văn hóa với nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế, nhất là ngành Du lịch; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới dựa trên các giá trị văn hóa (định hình sản phẩm cụ thể để có kế hoạch cụ thể xây dựng và quảng bá sản phẩm), tiếp tục có các cơ chế để chuyển hóa vốn tài nguyên văn hóa trở thành nguồn lực để phát triển du lịch, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, gắn với nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân.

Sáu là, quan tâm phát triển văn hóa gắn với phát triển con người, hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa; gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hóa với xây dựng cộng đồng khu dân cư văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội… làm tiền đề để xây dựng và hoàn thiện con người, bảo đảm an ninh con người, an ninh văn hóa, an ninh xã hội; góp phần xây dựng xã hội văn minh, văn hóa hướng đến mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại và nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Vũ Phong Cầm (thực hiện)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-1-dua-nghi-quyet-so-17-nqtu-vao-cuoc-song-378806.html
Zalo