Cuộc sống của người dân vùng 'rốn động đất'

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra nhiều trận động đất khiến người dân hoang mang, lo lắng. Đa số động đất xảy ra tại huyện Kon Plông vì trên địa bàn huyện này có các thủy điện.

Nhiều đêm mất ngủ

Chúng tôi tìm về thôn tái định cư Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) để tìm hiểu cuộc sống của người dân “rốn động đất”. Đây là khu vực liên tiếp xảy ra các trận động đất thời gian qua. Tại thôn tái định cư Đăk Tăng, người dân khá thưa thớt. Đa số bà con đều đi làm trên nương rẫy từ sáng sớm đến chiều muộn mới về. Gặp chúng tôi, ông A Khinh hỏi han, tuy nhiên trong giọng nói vẫn thể hiện tâm lý lo sợ bởi mỗi ngày ông đều cảm nhận được sự rung lắc mà các trận động đất gây nên. Hỏi ra mới biết, mọi người trong thôn đều lo lắng như ông Khinh.

Người dân lo lắng, bất an sống ở “rốn động đất”.

Người dân lo lắng, bất an sống ở “rốn động đất”.

Ông Khinh cho hay, trong thôn, động đất xảy ra liên tục. Đỉnh điểm, có ngày xảy ra đến 8 trận động đất. Có những hôm, ông đang ngủ trưa thì mái tôn vang tiếng cọt kẹt, nhà cửa nghiêng ngả, một số vật dụng trong gia đình cũng rung bần bật. Đặc biệt, có hôm cây cối, cột điện ngoài đường nghiêng ngả trong vài giây. “Thời gian đầu, một tháng xảy ra vài trận. Tuy nhiên, gần đây xả ra liên tục. Có khi một ngày xảy ra hơn chục trận. Nhiều đêm rung lắc mạnh, chúng tôi có ai dám đi ngủ đâu”, ông Khinh nói.

Tương tự, những năm gần đây, cuộc sống của gia đình ông A Hương (cùng trú thôn Đăk Tăng) chịu không ít xáo trộn. Theo ông Hương, từ ngày xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum, động đất diễn ra liên tục, cả ngày và đêm. Vào thời điểm rung lắc mạnh, mặt đất cũng rung chuyển, đồ đạc rớt lung tung. Thậm chí, nghe tiếng ùm ùm từ lòng đất. Nhiều đêm, ông cũng trằn trọc không ngủ được vì lo sợ.

Theo ông A Dinh, Trưởng thôn Đăk Tăng, tại thôn có hơn 100 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Trước đây, tất cả số hộ dân trên sinh sống gần khu vực sông Đăk Snghé. Tuy nhiên, từ năm 2015, hơn 100 hộ dân nhường đất để xây dựng lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Nơi ở mới nằm chênh vênh trên một mỏm đồi lở lói, có tên Đăk Tăng.

Ông Dinh cho hay, vào khoảng tháng 3/2021, thủy điện Thượng Kon Tum tích nước phát điện, cũng là lúc xuất hiện các trận động đất. Kể từ đó đến nay, tần suất và cường độ ngày một tăng. Đặc biệt, nhà của một số người dân có dấu hiệu bị nứt tường, sụt lún móng nhà. “Nhiều năm nay, trong các cuộc họp thôn, làng và các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh rất nhiều, tuy nhiên vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để, lâu dài. Bà con mong muốn, các cơ quan ban, ngành sớm tìm ra nguyên nhân, khắc phục để yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế”, ông Dinh nói.

Tập huấn, lắp trạm quan trắc động đất

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, trong 117 năm, từ 1903 đến 2020, huyện Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất, từ 2.5 độ trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021, khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước phát điện, đến nay đã xảy ra hàng trăm trận động đất. Mới đây, ngày 7/7, trong vòng chưa đầy mười giờ đồng hồ, huyện Kon Plông đã xảy ra 12 trận động đất gây dư chấn dao động từ 2.5 - 4.2 độ.

Trước những lo lắng của người dân, 8 trạm quan trắc động đất đã được lắp đặt tại khu vực hai thủy điện Thượng Kon Tum và Đắk Đrinh (huyện Kon Plông) để truyền thông tin liên tục, cảnh báo sớm các dấu hiệu động đất cường độ lớn. Đồng thời tỉnh Kon Tum chỉ đạo các nhà máy thủy điện chủ động triển khai phương án ứng phó sự cố bất thường xảy ra, nhất là sự cố về động đất, dư chấn động đất.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Thành Diễn, Trưởng phòng TN&MT huyện Kon Plông cho biết, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện liên tục xảy ra động đất. Nguyên nhân ban đầu được xác định do hoạt động tích, xả nước của các thủy điện đã làm thay đổi trường ứng suất trong khu vực dẫn đến các trận động đất xảy ra liên tục. Tuy nhiên, qua thống kê, đến nay chưa có thiệt hại gì về người cũng như tài sản.

Theo ông Diễn, để ứng phó với các trận động đất, các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho bà con. Huyện cũng đã phối hợp Viện Vật lý địa cầu tổ chức diễn tập về kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra đến các trường học và các thôn, làng. Tại các trường học, giáo viên cũng đưa ra một số tình huống giả định để học sinh xử lý, đảm bảo an toàn khi có động đất. “Đặc biệt, cả hệ thống chính trị huyện cũng đến từng nhà hay ở các cuộc họp thôn, làng để tuyên truyền, nhắc nhở để người dân an tâm mỗi khi động đất xảy ra”, ông Diễn cho hay.

Huyện Kon Plông (Kon Tum) là điểm nóng động đất hơn 3 năm qua với hàng trăm trận. Trong đó, trận mạnh nhất có độ lớn 4.7, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn, gồm Đà Nẵng và một số tỉnh Nam Trung bộ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 cho đến hết tháng 5, huyện này ghi nhận 89 trận động đất.

THÁI LÂM

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuoc-song-cua-nguoi-dan-vung-ron-dong-dat-post1654120.tpo
Zalo