Bài 1: Chiêu trò man trá hướng lái dư luận
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm xác lập nền tảng pháp lý vững chắc phát triển đất nước.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phù hợp với thực tiễn và chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là một quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm xác lập nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, lợi dụng quá trình này, các thế lực thù địch đã tung ra các quan điểm sai trái, xuyên tạc hòng chống phá chế độ.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Ảnh: VPQH
Sửa đổi Hiến pháp 2013: Những đòi hỏi từ thực tiễn
Hơn một thập kỷ qua kể từ khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, đất nước ta đã có nhiều thay đổi hết sức nhanh chóng trên mọi phương diện với rất nhiều những thành tựu to lớn đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn đó đang đặt ra vấn đề phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp năm 2013.
Đặc biệt là trước chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị nhằm xây dựng tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực, hiệu quả thì sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 càng trở thành yêu cầu tất yếu không thể không thực hiện, nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho sự phát triển đất nước.
Tuy nhiên, thời gian qua các thế lực thù địch đã lợi dụng chủ trương này cùng quy định việc sửa Hiến pháp sẽ phải tiến hành lấy ý kiến nhân dân để ra sức tuyên truyền những luận điệu sai trái, phản động đòi sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp năm 2013, nhằm hướng lái dư luận để hiện thực hóa âm mưu làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Những luận điệu này tập trung xoay quanh một số nội dung như: Đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp – Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đòi hỏi phải sửa đổi Điều 2 thành thực hiện mô hình tam quyền phân lập như các nước phương Tây; Tuyên truyền rằng Hiến pháp Việt Nam không bảo vệ quyền con người, đòi hỏi phải sửa đổi để “dân chủ hóa”…
Vấn đề đặt ra ở đây là, cần nhanh chóng nhận diện và đấu tranh phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc, vạch trần âm mưu hiểm độc ẩn đằng sau luận điệu này để bảo đảm quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đi đúng hướng trên cơ sở đồng thuận của nhân dân, đồng thời đạt được hiệu quả tối đa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được lịch sử chứng minh, nhân dân công nhận
Trước hết, đối với những luận điệu cho rằng, việc ghi nhận vai trò lãnh đạo của của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội trong Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 là phản dân chủ, không bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, do đó khi sửa đổi Hiến pháp cần xóa bỏ điều này.
Bản chất thực sự của luận điệu này không nằm ngoài mục đích là mở đường cho yêu sách đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, gây phân hóa, chia rẽ trong nội bộ của hệ thống chính trị cũng như gây hoang mang, dao động, bất ổn về tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, mọi mặt của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, từ đó làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây thực chất là những luận điệu sai trái, xuyên tạc vô căn cứ.
Thực tế trong suốt hơn 90 năm lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội với những thành tựu lớn lao đã đạt được đã trở thành minh chứng rõ nét nhất chứng minh Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước, của nhân dân. Do đó, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo cách mạng không có mục đích nào khác ngoài việc đem lại cho nhân dân cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, cơ hội phát triển toàn diện trên cơ sở xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Mặt khác, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không đứng trên Nhà nước, xã hội mà trong Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận rõ: Đảng lãnh đạo nhưng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân, không phải “độc quyền” mà là sự lãnh đạo dựa trên sự ủng hộ của đại đa số nhân dân.
Có thể thấy, vai trò lãnh đạo của Đảng không những được lịch sử chứng minh mà còn được chính nhân dân công nhận, bảo vệ trong suốt quá trình cách mạng và đồng thuận ghi nhận trở thành một trong những điều không thể thiếu của Hiến pháp Việt Nam. Bởi thế, sửa đổi Hiến pháp mục đích là để sửa đổi những điều không còn phù hợp với thực tiễn để thúc đẩy đất nước phát triển chứ tuyệt nhiên không phải là để từ bỏ những điều căn cốt như Điều 4 - một trong những yếu tố quyết định mọi thành công của cách mạng Việt Nam.

Cho ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: VPQH
Đập tan những luận điệu thiếu căn cứ về quyền lực nhà nước của thế lực thù địch
Đối với luận điệu lợi dụng quá trình sửa đổi Hiến pháp hiện nay để đòi sửa đổi Điều 2 trong Hiến pháp năm 2013, yêu cầu Việt Nam phải áp dụng mô hình tam quyền phân lập như ở các nước phương Tây. Đây cũng là sự xuyên tạc hết sức vô căn cứ khi cho rằng nếu không áp dụng mô hình tam quyền phân lập mà khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất như trong Hiến pháp hiện nay thì sẽ không thể bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và kiểm soát quyền lực nhà nước một cách hiệu quả.
Đúng là trong Điều 2, Hiến pháp năm 2013 có ghi nhận: Quyền lực nhà nước là thống nhất, không có sự phân chia. Tuy nhiên, điều này dựa trên xuất phát điểm: Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bởi thế quyền lực nhà nước nhất định phải là thống nhất, là quyền lực thuộc về nhân dân chứ không thể đem phân chia cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Bản thân các cơ quan, tổ chức và các cán bộ trong bộ máy nhà nước cũng do dân lập ra, bầu ra, thay mặt nhân dân để làm lợi cho dân, do đó, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. (1).
Mặt khác, cùng với việc khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân, Hiến pháp năm 2013 cũng xác định rõ phải có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm bảo đảm việc hoạt động có hiệu quả, đúng mục đích của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước, chứ không hề có chuyện quyền lực nhà nước là thống nhất thì tất yếu dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân như các thế lực thù địch, phản động vẫn rêu rao, tuyên truyền.
Thực tế cũng chứng minh, lựa chọn cách thức tổ chức thực thi quyền lực nhà nước như thế nào, tam quyền phân lập hay không phải phụ thuộc vào điều kiện chính trị, xã hội và văn hóa… cụ thể của mỗi quốc gia. Và nhất là, tam quyền phân lập không phải là “một kích cỡ phù hợp với tất cả” và nó càng không đồng nghĩa với dân chủ, bởi dân chủ hay không dân chủ, dân chủ đến đâu phụ thuộc vào bản chất quyền lực nhà nước thuộc về ai chứ không phải thông qua cách thức tổ chức và thực thi quyền lực của nhà nước.
Đối với những luận điệu cho rằng, Hiến pháp Việt Nam không ghi nhận và bảo vệ quyền công dân, quyền con người, do đó trong lần sửa đổi Hiến pháp tới đây cần thay đổi toàn bộ các nội dung của Hiến pháp để bảo đảm “dân chủ hóa”. Hoàn toàn trái ngược với những luận điệu mà các thế lực thù địch rêu rao, tuyên truyền, bản Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã đưa ra những điều khoản hết sức rõ ràng ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Chương 2 làm cơ sở pháp lý vững chắc để các cơ quan chức năng ban hành các bộ luật, điều luật cụ thể bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Không những thế, Hiến pháp năm 2013 đồng thời còn làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ quyền con người. Cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 02 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, tập trung điều chỉnh nhiều quan hệ xã hội, trong đó đặc biệt ưu tiên lĩnh vực bảo vệ các quyền con người trên các phương diện: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương… Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực đi đầu trong việc tham gia các cam kết quốc tế về quyền con người, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong các lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người dân như giáo dục, y tế, an sinh xã hội.
Tất nhiên đã là quyền thì bao giờ cũng đi liền với nghĩa vụ, bởi thế, quyền con người, quyền công dân cũng không thể tách rời các nghĩa vụ của công dân một quốc gia. Đây là nguyên lý phổ biến trong mọi xã hội, không chỉ có ở công dân Việt Nam mà công dân ở bất cứ quốc gia nào cũng phải tuân thủ nghĩa vụ của mình theo quy định của Hiến pháp, pháp luật của mỗi quốc gia phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể.
Bởi thế, ghi nhận những nghĩa vụ công dân bên cạnh quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 không có gì là phản dân chủ, vi phạm nhân quyền như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Do đó, đòi sửa đổi các nội dung của Hiến pháp 2013 để “dân chủ hóa” thực chất không nằm ngoài mục tiêu gây rối loạn xã hội, kích động tâm lý bất mãn, đòi “can thiệp quốc tế” với lý do Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, tạo cớ cho các tổ chức chống phá trong và ngoài nước xuyên tạc, kích động biểu tình, chống đối, can thiệp vào công việc nội bộ, hòng chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta.
Trước những luận điệu sai trái, thù địch xoay xung quanh quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nêu cao tình thần cảnh giác, đồng thời sớm nhận diện bản chất và mục đích thực sự ẩn sau những luận điệu này và đấu tranh phản bác có hiệu quả để việc sửa đổi Hiến pháp vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn vừa bảo đảm giữ vững chế độ chính trị, bảo vệ tính ổn định và phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.75.