Bài 1: 'Bảo tàng' sống động của văn hóa Việt Nam

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10.10.1954 - 10.10.2024)

Tỏa sáng giá trị văn hóa nghìn năm

Từ thuở là kinh thành Thăng Long tới nay, Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước. Vùng đất lành không chỉ là nơi sản sinh ra nền văn hóa mà còn kết tụ và dung dưỡng tinh hoa khắp chốn, biến thành nguồn lực phát triển bền vững.

Bài 1:

“Bảo tàng” sống động của văn hóa Việt Nam

Có một thứ gọi là “chất Hà Nội”

Tự nhận mình là “kẻ nặng tình” với Hà Nội, cảm nhận mạch ngầm văn hóa chìm sâu trong thành phố, nhà thơ Bằng Việt không khó để gọi ra “chất Hà Nội”, lấy đó làm nền để so sánh Hà Nội với các vùng văn hóa khác. Trải qua thăng trầm thời cuộc với những lần chuyển giao triều đại, biến cố chiến tranh…, vẫn còn trên mảnh đất này các địa danh ghi đậm dấu ấn lịch sử, quần thể di tích dày đặc... Hòa trong đó là cuộc sống phong phú, sinh động của con người Hà Nội.

Theo nhà thơ Bằng Việt, là Thủ đô nghìn năm, đi qua bao lịch sử thăng trầm, Hà Nội đương nhiên là mảnh đất hấp dẫn cả “trăm họ đổ về”, luôn tập hợp đủ hương vị, sắc màu từ những vùng đất khác nhau. Theo cách nói của GS. Trần Quốc Vượng, Hà Nội nhờ vậy có nền văn hóa ưu việt để “hội tụ, kết tinh, lan tỏa” tinh hoa văn hóa của cả nước. Một yếu tố nữa, Hà Nội không cố ý tạo nên “tính bản vị” mạnh như một số địa phương khác, vì vị thế là kinh đô, là nơi tụ hội hợp pháp, tự nguyện của dân tứ xứ.

 Là đất kinh đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội đã hình thành lớp lang văn hóa dày dặn, đặc thù . Ảnh: TQ

Là đất kinh đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội đã hình thành lớp lang văn hóa dày dặn, đặc thù . Ảnh: TQ

Có một thứ gọi là “chất Hà Nội” - nhà thơ Bằng Việt lý giải, nói như vậy có vẻ trừu tượng, khó hình dung nhưng nó đúng là kết tinh của những gì hào hoa, thanh lịch và sống động của một Hà Nội từ xưa, của Thăng Long - Kẻ Chợ nghìn đời. Những ưu thế của tinh hoa, lọc ra từ nền văn minh Sông Hồng truyền thống, hòa quyện lại, có vẻ khó diễn giải cụ thể, nhưng thực ra, vẫn cảm nhận được một cách trực quan. “Từ ‘chất Hà Nội’, từ tình cảm sâu nặng với thành phố, mỗi người lại có cách đáp trả theo cách riêng. Đấy cũng là mối quan hệ hữu cơ, là sự đáp đền công bằng trên vùng đất luôn có đủ các yếu tố địa linh, nhân kiệt”, nhà thơ Bằng Việt nói.

Từ quan sát và suy ngẫm về mảnh đất nơi mình sinh ra, trưởng thành, lập nghiệp, họa sĩ Lê Thiết Cương nhìn ra đằng sau Hà Nội là một cội rễ làng. 36 phố, 36 nghề, 36 làng nghề nhưng phố phường Hà Nội thực ra vẫn có một đặc điểm chung: văn hóa làng - làng trong phố… Trong bài viết về Hà Nội cũng như trên một số diễn đàn văn hóa, họa sĩ Lê Thiết Cương còn chỉ ra một đặc điểm nữa của 36 phố phường Hà Nội là chất chợ - sông.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, chính yếu tố địa lý “cận giang” tạo ra đặc điểm phố - làng của Hà Nội. Nói cách khác, đô thị cận giang như một cục nam châm hút toàn bộ tinh hoa của làng nghề thủ công ở khắp mọi miền về Hà Nội và tạo ra 36 làng nghề. Sức hút này hoàn toàn tự nhiên, nó vừa hướng về cái tâm đô thị nhưng vẫn không đánh mất mối liên hệ với gốc nghề ở làng. Nó là cầu nối, sản xuất ở làng, mang ra phố tiêu thụ. Thợ thủ công cùng với đặc trưng văn hóa vùng miền của họ từ tứ xứ chảy về, đọng lại. Nó vừa có cái riêng của mỗi vùng, vừa có cái chung sau quá trình giao tiếp với nhau tạo thành sự đặc sắc đa văn hóa. Chất chợ - sông làm nên cái đáng yêu, cái duyên của phố Hà Nội, cho dù hơi nhỏ hẹp, không gọn gàng, quê quê tỉnh tỉnh… nhưng rất đẹp, rất riêng.

“Mỗi một phố là một cái chợ, 36 phố là 36 cái chợ. Nó ồn ào náo nhiệt, xô bồ cởi mở. Đó là đặc thù của Hà Nội mà người ta có thể xem, nghe, ngửi, sờ thấy. Người ta được tham gia và sống trực tiếp cùng với nó. Chính đó là yếu tố quyến rũ đặc biệt của Hà Nội. Kẻ Chợ - Hà Nội là mua bán mặc cả nhưng đồng thời cũng là lễ hội, hội hè đình đám. Nó là festival vĩnh cửu không nghỉ bao giờ…” - họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định.

Trữ lượng di sản phong phú và đa dạng

Ưu thế là Thủ đô, trung tâm của cả nước, Hà Nội trở thành nơi hội tụ gần như đầy đủ các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu. Theo GS.TS Sử học Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày nay, bên cạnh một Hà Nội hiện đại để hội nhập với thế giới, vẫn còn một Hà Nội 36 phố phường, một Hà Nội có trên 1.200 làng nghề; bên cạnh một Hà Nội hiện đại với những tòa cao ốc chọc trời vẫn còn một Hà Nội rêu phong cổ kính... Dù ở bất cứ nơi đâu trên Trái đất này, người Việt Nam đều không khỏi cảm thấy bồi hồi xúc động mỗi khi nhìn thấy hình ảnh thành Cổ Loa, chùa Một Cột, hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, cột cờ Hà Nội… Đó cũng là những dấu hiệu bạn bè quốc tế nhận ra Việt Nam.

Mở rộng không gian địa lý từ năm 2008, Thủ đô Hà Nội tiếp tục được bổ sung một nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đặc sắc của tỉnh Hà Tây cũ - cái nôi văn hóa xứ Đoài với rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, danh lam thắng cảnh, các loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo. Điều đó khiến Hà Nội vốn giàu tinh hoa văn hóa tiếp tục kết tụ, thăng hoa, xứng danh trung tâm di sản lớn nhất cả nước về mọi mặt, điển hình là di tích, lễ hội, làng nghề…

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, thành phố hiện có lượng di tích lịch sử nhiều nhất cả nước, với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề thủ công. Tinh hoa văn hóa của đất kinh kỳ còn là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với trữ lượng lớn, phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hóa của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Những điều đó làm nên kho tàng văn hóa quý giá của Hà Nội, đưa thành phố trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Nhà thơ Bằng Việt chia sẻ: trong giới văn học nghệ thuật, dường như ai cũng cảm thấy tình yêu Hà Nội dào dạt trong mình, dù sống ở bất cứ đâu. Riêng đối với người từng sinh sống, làm việc ở Hà Nội, tình yêu đó như một sự thôi thúc, một “món nợ” mà nếu không “trả” được thì cảm thấy rất ân hận. Do thế, nhìn vào đời sống văn học nghệ thuật, không riêng văn chương mà cả điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật… lĩnh vực nào cũng có một lượng tác phẩm khá đồ sộ về Hà Nội, xuyên suốt từ thời chiến đến khi hòa bình…

Hơn bất cứ địa phương nào trong cả nước, Hà Nội có nguồn lực văn hóa phong phú, dồi dào bậc nhất. Đây chính là sức mạnh mềm, là cơ sở quan trọng chắp cánh cho Hà Nội và cả nước trong thời đại mới.

Hải Đường

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-bao-tang-song-dong-cua-van-hoa-viet-nam-post392099.html
Zalo