Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết

Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Ất Tỵ năm 2025, những ngày này người dân làng hoa An Lạc, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đang tất bật chăm sóc các loại hoa.

Người dân chăm sóc hoa chuẩn bị cho vụ Tết.

Người dân chăm sóc hoa chuẩn bị cho vụ Tết.

Đây là làng nghề truyền thống trồng hoa duy nhất của tỉnh Quảng Trị, không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần giữ gìn văn hóa địa phương.

Tại làng hoa An Lạc trồng chủ yếu các loại hoa ngắn ngày là chủ lực để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán như: hoa cúc đại đóa, cúc mâm xôi, đồng tiền, thược dược, hoa pháo, dạ yến thảo, mai địa thảo, hoa thảo… Để đảm bảo quy trình chăm sóc, hệ thống nhà lưới và bóng điện được người dân đầu tư bài bản.

Năm nay, thời tiết thuận lợi nên các loại hoa đang được phát triển tốt. Đối với các loại hoa cúc đại đóa trồng chậu là loại hoa chủ lực của làng hoa An Lạc được người dân ưu tiên chăm sóc. Hiện nay, cây đã phát triển tốt, người dân đang tập trung thực hiện công đoạn cố định cây hoa bằng các que tre chuẩn bị cho giai đoạn cắt cành tỉa nụ.

Anh Nguyễn Thành Trung ở khu phố 1, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà chia sẻ, trồng hoa là nghề truyền thống của gia đình anh cũng như của địa phương. Để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình anh trồng khoảng 10.000 chậu hoa các loại; trong đó, cúc mâm xôi truyền thống là nhiều nhất với khoảng 3.000 chậu, còn lại là các loại hoa treo chưng tết. Để phục vụ cho việc tiêu thụ hoa, gia đình anh cũng đăng ký mở 2 lô quầy bán hoa trong dịp Tết. Sau khi trừ các chi phí, thu nhập mang lại cho gia đình từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Người dân tập trung thực hiện công đoạn cố định hoa cúc đại đóa bằng các que tre.

Người dân tập trung thực hiện công đoạn cố định hoa cúc đại đóa bằng các que tre.

Năm nay, do thời tiết khắc nghiệt nên nhiều địa phương trồng hoa phía Bắc bị thiệt hại nặng nề cho mưa lũ. Dự kiến, thị trường sẽ có nhiều biến động. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá cả khi thị trường khan hiếm hoa, các hộ dân trong vườn hoa An Lạc đã chủ động tăng số lượng hoa được trồng lên khoảng 10 - 15% các loại so với những năm trước.

Ông Trịnh Đức Quang ở khu phố 1, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà cho hay: Để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán năm nay, hiện tại gia đình đang trồng khoảng 2.500 chậu hoa các loại; trong đó, có khoảng 400 chậu cúc đại đóa, còn lại các loại hoa ngắn ngày khác. Thời tiết ở Quảng Trị thời gian qua thuận lợi hơn so với các năm trước nên hoa phát triển tốt. Buổi tối để cây phát triển đúng tiến độ, vườn thắp sáng bóng điện. Dự kiến năm nay, nhu cầu hoa sẽ lớn hơn so với các năm nên nhà vườn cũng đã tăng số lượng hoa được trồng.

Tổ hợp tác Làng hoa An Lạc được thành lập từ năm 2010 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa làng nghề trồng hoa vào sản xuất tập trung có quy mô. Các hộ dân trong tổ hợp tác được hỗ trợ các chính sách ưu đãi để giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Làng hoa An Lạc hiện có khoảng 20 gia đình làm nghề trên tổng diện tích 3 ha; trong đó, 2 ha trồng tập trung, 1 ha còn lại rải rác tại các hộ gia đình. Làng nghề trồng hoa quanh năm nhưng tập trung chính vào vụ Tết. Trung bình mỗi hộ gia đình tạo công ăn việc làm cho 3 - 5 lao động thường xuyên , 7 - 10 lao động thời vụ trong dịp Tết.

Ông Hoàng Hữu Khiêm, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc cho biết: Làng hoa An Lạc đã tồn tại từ xa xưa nay trở thành nghề chủ lực để bà con địa phương phát triển kinh tế. Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng phát triển, làng hoa đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương khi không còn ruộng. Đồng thời, kéo theo nhiều ngành nghề khác cùng phát triển như: vật tư, phân bón; sơn; đúc chậu; vận chuyển... Bên cạnh đó, thu nhập từ làng nghề cũng đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người dân ngày càng đi lên.

Vườn hoa cúc được thắp điện sáng vào ban đêm.

Vườn hoa cúc được thắp điện sáng vào ban đêm.

"Những năm qua, không chỉ gia đình tôi mà các hộ trồng hoa khác trong làng hoa đều được nhà nước hỗ trợ các chính sách ưu đãi về thuê mặt bằng lô quầy, vốn vay, tiền thuê đất, xây dựng nhà lưới, bể nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông vào làng hoa… nên bà con có thêm điều kiện để phát triển làng nghề. Qua đó, tăng thu nhập cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng", ông Hoàng Hữu Khiêm chia sẻ.

Trong quá trình đô thị hóa của thành phố, việc tạo quỹ đất bảo tồn nghề hoa sẽ tạo không gian xanh gắn với sự phát triển bền vững của thành phố Đông Hà. Tới đây, các hộ trồng hoa mong muốn chính quyền các cấp sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đầu tư, quảng bá, mở rộng làng nghề hơn nữa. Qua đó, làng hoa An Lạc không chỉ là địa điểm tin cậy trong việc cung cấp hoa mà trở thành địa điểm du lịch, tham quan tại địa phương.

Bài và ảnh: Thanh Thủy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/lang-hoa-an-lac-hoi-ha-chuan-bi-vu-tet-20241120074351870.htm
Zalo