BaF Việt Nam (BAF): Mục tiêu lãi tăng gấp đôi, cần 53.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ nay đến 2030

Sau năm 2024 bứt phá ấn tượng với lãi tăng gấp 10 lần năm 2023, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF) tự tin lợi nhuận năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng gấp đôi khi dồn lực cho mảng chăn nuôi.

Mục tiêu lãi năm nay cao gấp đôi, dồn lực cho mảng chăn nuôi

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa diễn ra, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF - sàn HoSE) đã dành nhiều thời gian cập nhật, giải đáp các câu hỏi của cổ đông về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới.

Theo đó, Hội đồng Quản trị BAF Việt Nam trình cổ đông thông qua mục tiêu kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 5.600 tỷ đồng, tương đương với năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi, đạt 638 tỷ đồng. Trong năm 2024, lãi ròng của công ty đã tăng gấp 10 lần so với năm 2023 và đạt mức cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động. Chi tiết kế hoạch kinh doanh chỉ được ban lãnh đạo công ty công bố tại Đại hội.

 Bà Bùi Hương Giang - Tổng Giám đốc BaF Việt Nam trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.

Bà Bùi Hương Giang - Tổng Giám đốc BaF Việt Nam trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.

Chia sẽ về mục tiêu kinh doanh năm nay, bà Bùi Hương Giang - Tổng Giám đốc BaF Việt Nam cho biết lợi nhuận năm 2025 dự kiến sẽ tăng mạnh do dự kiến toàn bộ doanh thu sẽ đến từ mảng chăn nuôi, thay vì chỉ chiếm 60% như trong năm 2024.

Công ty dự kiến sẽ bán ra hơn 831.000 heo thịt và hơn 41.000 heo giống, tổng cộng hơn 872.000 heo các loại trong năm 2025. Tổng doanh thu từ bán heo ước đạt 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận gộp gần 1.500 tỷ đồng, với biên lãi gộp rơi vào khoảng 27%, bà Bùi Hương Giang cho biết.

Tổng Giám đốc BaF Việt Nam cũng tiết lộ, công ty đã bán ra khoảng 160.000 heo trong quý 1/2025, doanh thu đạt hơn 1.100 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế đạt 140 tỷ đồng, vượt 110% kế hoạch quý đề ra. Con số này tương đương khoảng 22% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Chủ động giải bài toán quỹ đất trang trại

Ban lãnh đạo BAF Việt Nam dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, sản lượng thịt heo hơi trên cả nước đạt 5 triệu tấn năm 2024, tăng 3,7% so với năm 2023. Giá thịt heo hơi tăng mạnh từ 31 - 35% ở cả 3 miên, tăng từ mức 50.000 đồng/kg từ đầu năm lên gần 70.000 đồng/kg vào cuối năm. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi giảm. Các xu hướng thị trường này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi.

Đặc biệt, năm 2025 được xem là năm “bản lề” với ngành chăn nuôi trong nước khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi khu vực dân cư hoặc ngừng hoạt động, dẫn đến một cuộc “đại di dời” trong ngành nông nghiệp, định hình lại toàn bộ lĩnh vực chăn nuôi.

Trong đó, thị phần chăn nuôi của các nông hộ đã giảm từ 70% về còn 49% sau các đợt dịch bệnh và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới dưới tác động của các quy định mới. Thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp chăn nuôi là bài toán quỹ đất.

 Kể từ tháng 11/2024 đến nay, BaF Việt Nam đã tiến hành M&A 15 công ty, trang trại chăn nuôi tại nhiều địa phương trên cả nước.

Kể từ tháng 11/2024 đến nay, BaF Việt Nam đã tiến hành M&A 15 công ty, trang trại chăn nuôi tại nhiều địa phương trên cả nước.

“Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp có nguồn tài chính và quỹ đất lớn như BAF Việt Nam để đầu tư những trang trại quy mô lớn, đảm bảo đủ các điều kiện theo luật định, kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí”, bà Bùi Hương Giang nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, BAF Việt Nam đã đẩy nhanh việc mở rộng hệ thống trang trại thông qua việc thuê hoặc mua lại các doanh nghiệp chăn nuôi có sẵn quỹ đất hoặc đang hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai trang trại. Đồng thời, công ty thực hiện chặt chẽ các biện pháp thực hành an toàn sinh học, giúp đảm bảo quy mô đàn, tạo điều kiện hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh thời gian tới, ban lãnh đạo BAF Việt Nam cho biết.

Ban lãnh đạo BAF Việt Nam cũng công bố kế hoạch triển khai 13 trại/cụm trại mới, cùng 01 nhà máy cám tại Bình Định và 01 nhà máy chế biến thịt tại Bình Phước trong năm nay. Trong đó, dự án nhà máy cám và nhà máy chế biến thịt đã được khởi công.

Bà Bùi Hương Giang cho biết “Tổng trang trại đang vận hành của BAF là 40 trại, chưa tính các trại gia công. Công ty đang gấp rút chạy đua để đạt mục tiêu 10 triệu heo thương phẩm vào năm 2030. Công ty cũng đã xin phép đầu tư nhà tầng nuôi heo, công suất 64.000 heo nái, mô hình chăn nuôi này có thể giải quyết được hàng triệu heo thương phẩm”.

Dự kiến đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2030

Cũng tại Đại hội, HĐQT BaF Việt Nam đã trình cổ đông thông qua kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2024 và không chi trả cổ tức, do công ty cần huy động thêm vốn để xây dựng trang trại và mở rộng quy mô hoạt động. BaF Việt Nam dự kiến cũng không chia cổ tức cho đến hết năm 2026.

Về vấn đề này, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam cho biết: “Tôi thành thật xin lỗi cổ đông vì chưa thể chia cổ tức bằng tiền mặt. Chúng tôi đã có cam kết khi hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, đó là không chia cổ tức đến năm 2026. Các cổ đông chiến lược như IFC rất quan tâm đến chuyện dành mọi lợi nhuận để lại nhằm tái đầu tư, tăng trưởng công ty. Để đạt mục tiêu chiến lược 10 triệu heo thương phẩm vào năm 2030, công ty cần tổng số vốn đầu tư lên tới khoảng 53.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 23.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, còn lại là vốn vay. Chính vì thế, công ty cần giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư”.

Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.

Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.

Chia sẻ thêm về tiềm năng của ngành chăn nuôi heo, ông Trương Sỹ Bá cho biết, chi phí cho 1 kg heo hơi trung bình của BaF Việt Nam hiện chỉ vào khoảng 45.000 đồng. Với giá bán bình quân năm 2024 vào khoảng 65.000 đồng/kg thì mỗi kg heo hơi lãi khoảng 20.000 đồng.

“Đây là mức lãi khủng khiếp”, ông Trương Sỹ Bá chia sẻ và dự báo trong năm 2025 và những năm tiếp theo giá heo sẽ tiếp tục giữ được sự ổn định mở mức cao, đảm bảo sự tăng trưởng nhanh và bền vững cho BaF Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về rủi ro cạnh tranh với thịt nhập khẩu, Chủ tịch BaF Việt Nam khẳng định vấn đề này không đáng ngại khi 80-90% người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen ăn thịt nóng, tươi và phân khúc thịt đông lạnh chủ yếu dành cho kênh HOREA (khách sạn, nhà hàng, bếp ăn dịch vụ ẩm thực).

Bà Bùi Hương Giang cũng nhấn mạnh năng lực cạnh tranh của BaF Việt Nam sẽ ngày càng được củng cố trong thời gian tới khi công ty chủ động theo đuổi các giải pháp phát triển bền vững với chuỗi giá trị chăn nuôi.

“Trong xu thế hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều cam kết, hiệp định, phải trung hòa carbon. Nếu các doanh nghiệp muốn đi xa, phát triển bền vững, nếu không chuyển đổi thì không tồn tại được. BaF Việt Nam đã xác định phát triển xanh, bền vững là xu thế tất yếu. Ý thức của người Việt cũng đã thay đổi, các thế hệ sau quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường. Tương ứng, công ty bỏ ra giá trị đầu tư để tạo ra sản phẩm xanh, bền vững, thì người tiêu dùng cũng cần trả một chi phí cao hơn so với một sản phẩm không xanh”, Tổng Giám đốc BaF Việt Nam phân tích.

Kết thúc Đại hội, toàn bộ tờ trình của HĐQT BaF Việt Nam đã được thông qua.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/baf-viet-nam--baf-muc-tieu-lai-tang-gap-doi--can-53-000-ty-dong-von-dau-tu-tu-nay-den-2030-139800.htm
Zalo