Bắc Sơn: Bảo tồn di tích, phát triển du lịch về nguồn
Thời gian qua, nhờ những nỗ lực không ngừng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Bắc Sơn đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những người yêu thích du lịch về nguồn.
Huyện Bắc Sơn có 29 điểm, khu di tích gồm: 1 khu di tích cấp quốc gia đặc biệt (có 12 điểm di tích), 3 điểm di tích cấp quốc gia và 14 điểm di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, nhận thức được vai trò, giá trị, tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn, các cấp, ngành của tỉnh nói chung và chính quyền huyện Bắc Sơn nói riêng đã có sự quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo di tích, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn thông qua các cuộc họp của xã, thị trấn, các khu dân cư và qua các phương tiện truyền thông.
Ông Đặng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng cho biết: Trên địa bàn xã có 2 điểm di tích nằm trong Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn gồm: Trường Vũ Lăng và đèo Thâm Thoông – Dập Dị. Hằng năm, chúng tôi đều tuyên truyền đến người dân về Luật Di sản văn hóa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong các cuộc họp thôn, xã. Hằng tuần, chúng tôi đều cử cán bộ, người dân vệ sinh sạch sẽ các điểm di tích.
Ngoài thực hiện tốt công tác tuyên truyền, từ năm 2019 đến nay, một số di tích trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, tôn tạo như: di tích đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài (xã Hưng Vũ), chùa Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh), các hạng mục công trình thuộc di tích đèo Tam Canh… Ước tổng kinh phí cho công tác tôn tạo các di tích trên từ nguồn ngân sách và xã hội hóa trong 5 năm qua là trên 20 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện cũng tích cực phối hợp với ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn.
Cùng với đó, các điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ, đầu tư xây dựng các bia tưởng niệm, bia ghi dấu sự kiện, cắm biểu tượng, tượng đài chiến thắng, góp phần tuyên truyền, giới thiệu nội dung, ý nghĩa của di tích đến Nhân dân. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức của người dân đối với bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn.
Ông Hoàng Đình Khoai, Tổ trưởng Tổ thường trực đình Nông Lục cho biết: Việc bảo tồn và phát huy giá trị của đình không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân chúng tôi. Vì thế, 10 thành viên trong Hội Người cao tuổi xã cư trú gần di tích đã tình nguyện làm thành viên của tổ thường trực đình. Hằng ngày, chúng tôi đều thay phiên nhau trực mở cửa tiếp đón du khách và trông coi, bảo vệ di tích. Chúng tôi mong muốn du khách đến đây không chỉ để tham quan mà còn để hiểu hơn về văn hóa và lịch sử đấu tranh cách mạng của người dân nơi đây.
Từ các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy các hoạt động du lịch về nguồn trên địa bàn huyện phát triển. Từ năm 2022 đến nay, huyện Bắc Sơn đã kết nối với nhiều công ty du lịch tổ chức khảo sát và xây dựng tour, tuyến du lịch đưa các địa điểm di tích lịch sử cách mạng của Bắc Sơn kết hợp linh động với các địa điểm sinh thái, nghỉ dưỡng, tiêu biểu như: làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn – cầu Rá Riềng – đèo Tam Canh – Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn – rừng gỗ nghiến – núi Nà Lay...
Đặc biệt, hiện nay huyện Bắc Sơn là địa bàn nằm trong vùng công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Tại đây, nhiều điểm tham quan tiềm năng là các di tích đã được các chuyên gia về CVĐC của UNESCO và của Việt Nam lựa chọn đầu tư, phát triển và đánh giá cao như: Trung tâm Thông tin CVĐC tại Bảo tàng Khởi Nghĩa Bắc Sơn; làng ngói âm dương xã Long Đống; làng văn hóa Tày tại điểm du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc xã Bắc Quỳnh.
Thông qua việc chú trọng phát huy các giá trị di tích gắn với khai thác phát triển du lịch đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách tới huyện. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, Bắc Sơn đã đón trên 231 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu ước đạt khoảng 127,2 tỷ đồng.
Với những tiềm năng sẵn có và sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân, du lịch Bắc Sơn hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần đưa Bắc Sơn trở thành một điểm đến hấp dẫn của khu vực.