Bác sĩ, điều dưỡng sẽ được hưởng phụ cấp cao hơn theo đề xuất mới của Bộ Y tế
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định mới về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập nhằm thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
Bộ Y tế cho biết, sau 13 năm thực hiện, Nghị định cũ đã bộc lộ nhiều bất cập do sự thay đổi trong mô hình bệnh tật, sự xuất hiện của các dịch bệnh mới với diễn biến phức tạp, và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.
Dự thảo Nghị định mới hướng đến việc thu hút và duy trì đội ngũ nhân viên y tế có trình độ cao, đặc biệt là các bác sĩ, dược sĩ, và điều dưỡng có trình độ đại học trở lên tại các đơn vị tuyến cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng. Mục tiêu là giải quyết tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, đồng thời tạo động lực để đội ngũ y tế gắn bó lâu dài với công việc, hạn chế tình trạng bỏ việc, thôi việc góp phần nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, y tế dự phòng giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế bảo đảm chất lượng.
Về đối tượng áp dụng, Nghị định sẽ được áp dụng cho viên chức và người lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Trong trường hợp một người được phân công nhiều công việc có mức phụ cấp khác nhau, họ sẽ chỉ được hưởng một mức phụ cấp cao nhất.
Dự thảo Nghị định đề xuất các mức phụ cấp chi tiết như sau: Mức cao nhất 70% được áp dụng cho viên chức trực tiếp làm việc với các bệnh nguy hiểm như phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, và bệnh truyền nhiễm nhóm A. Mức này cũng áp dụng cho công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần và nhân viên làm việc trong phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III. Đặc biệt, viên chức công tác tại trạm y tế thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như nhân viên y tế dự phòng cũng được hưởng mức này.
Mức phụ cấp 60% được áp dụng cho nhân viên làm việc trong lĩnh vực khám, điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm khác; cấp cứu và vận chuyển cấp cứu 115; xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; xạ trị, hóa trị, sinh học phân tử, y học hạt nhân.
Theo dự thảo, mức phụ cấp 50% áp dụng đối với viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau: khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, nhi, chống độc, bỏng, da liễu.
Đối với các công việc y tế thông thường như khám bệnh, chữa bệnh, dược phẩm, an toàn thực phẩm, và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, mức phụ cấp áp dụng là 40%. Với viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế, mức phụ cấp tối đa có thể được hưởng là 30%, tùy thuộc vào đặc thù công việc và nguồn thu của đơn vị.
Đối với người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ được phân công trực tiếp làm các công việc đã nêu trên thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu sự nghiệp để xem xét, quyết định cho hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề nhưng không vượt quá mức quy định tại các mục tương ứng nêu trên.
Dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp không được hưởng phụ cấp, bao gồm thời gian công tác, học tập ở nước ngoài từ 1 tháng trở lên, thời gian học tập trong nước liên tục trên 3 tháng, thời gian nghỉ không lương, thời gian nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, và các trường hợp tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn y tế.