Bác sĩ của những 'thiên thần nhí' bị bệnh hiếm, dị tật bẩm sinh tại Đồng Nai
Có nhiều trẻ vừa sinh ra đã mang trên mình dị tật, nhưng dưới bàn tay phẫu thuật khéo léo của bác sĩ Vũ Công Tầm, Khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, nhiều bé đã thoát khỏi lưỡi hái 'tử thần' và có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Bác sĩ Tầm tái khám cho trẻ mắc dị tật bẩm sinh sau ca mổ. Ảnh: Bích Nhàn
* Từ bỏ giấc mơ làm kỹ sư
Sinh năm 1965 và tuổi thơ gắn bó với vùng đất Gia Kiệm của huyện Thống Nhất, bác sĩ Tầm kể, ngày còn học phổ thông trung học, các môn toán, lý, hóa luôn có “sức hút” đặc biệt với ông. Và ngày ấy, niềm yêu thích của bác sĩ Tầm là học cơ khí bách khoa nhưng ba của ông lại luôn ao ước trong nhà sẽ có người làm nghề y để cứu người.
“Ba tôi làm nghề buôn bán, là người yêu gia đình và rất quan tâm đến các con. Tôi vừa yêu quý và khâm phục ba. Vì vậy, tôi đã biến ao ước, kỳ vọng của ba thành hiện thực. Thay vì trở thành kỹ sư của máy móc, tôi đã trở thành “kỹ sư” của con người” - bác sĩ Tầm tâm sự.
Ngay khi còn là sinh viên Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian chủ yếu của bác sĩ Tầm là quanh quẩn trong các bệnh viện mà mình thực tập. Có khi vài ngày, chàng sinh viên ấy mới về nhà một lần vì mải mê “theo chân” các bác sĩ ngoại khoa để học hỏi từ các ca mổ. Có lẽ vì vậy, khi còn là sinh viên năm thứ 5, ông đã được các bác sĩ cho mổ ruột thừa ngay tại bệnh viện mà mình thực tập.
Ra trường năm 1991 và 2 năm sau khi đi làm, bác sĩ Tầm quyết định đi học chuyên về ngoại khoa nhi vì lúc đó chuyên khoa này vừa thiếu, vừa mới. Cứ như vậy, bác sĩ Tầm gắn bó với phẫu thuật cho những đứa trẻ không may bị bệnh tật, dị tật bẩm sinh ngay khi mới sinh.
* Những bệnh nhân “khó tính”
Dành cả quãng thời gian hành nghề gắn liền với phẫu thuật nhi, bác sĩ Tầm chia sẻ, ngày mới ra trường, ngành phẫu thuật nhi vẫn còn “non trẻ” ở trên cả nước và Đồng Nai. Sau 33 năm gắn bó, ông thấy rằng, “phục vụ” được các bệnh nhi là vô cùng khó và phải yêu trẻ lắm mới gắn bó được với nghề.
Vài năm trước, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi N.T.V., 4 tuổi, ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa mổ cắt da bao quy đầu. Nhưng khi vừa nghe chuẩn bị vào phòng mổ, bé V. đã la khóc và vùng chạy. Cả người nhà và nhân viên y tế phải đi tìm nhưng bé cầm cán chổi sẵn sàng tấn công những người đến gần mình.
“Ca mổ không thể thực hiện do bé không chịu phối hợp. Gia đình cũng đành phải đưa bé ra về dù chương trình mổ đã lên trước đó từ lâu” - bác sĩ Tầm kể.
Dù trẻ biết hay chưa nói được, các bác sĩ cũng khó chẩn đoán bệnh. Tất cả phải dựa vào thông tin người nhà hoặc bác sĩ phải “lén” khám bệnh khi bé ngủ.
Bác sĩ Vũ Công Tầm nhớ lại, mới sinh được 1 tháng tuổi, bé V.Q.T. (ngụ xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) đã phải vào viện vì tình trạng ói ra sữa và dịch nhầy vàng, sút cân. Khi bé tỉnh, các bác sĩ không thể khám vì bé gồng bụng, khóc nên khó thấy khối u trong bụng.
Các bác sĩ phải chờ lúc bé ngủ say mới dám đến khám. Nhờ vậy, bác sĩ mới phát hiện bé bị u cơ môn vị và phải phẫu thuật.
“Khối u cơ môn vị mới phát triển, còn nhỏ nên không thể hiện rõ trên hình ảnh Xquang, siêu âm. Chúng tôi phải khám kỹ bằng tay và phát hiện một mảng cứng ở cuối dạ dày. Sau mổ, bé phục hồi rất nhanh” - bác sĩ Tầm cho hay.
Cần kiên nhẫn với bệnh nhi
Bác sĩ Vũ Công Tầm rút ra bài học, khi khám cho bệnh nhi, bác sĩ cần phải thực sự toàn tâm, không nghĩ đến bất cứ việc gì khác và phải kiên nhẫn với trẻ. Phẫu thuật viên phải luôn ứng biến nhanh, chính xác tuyệt đối với các bất ngờ có thể xảy ra trong cuộc mổ.
* "Năn nỉ" để được chữa bệnh cho trẻ em
2 năm sau ca phẫu thuật tạo hậu môn, mẹ của bé T.Q.T., hơn 2 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ đưa con tái khám trong niềm vui mừng vì hậu môn của bé T. không khác người bình thường.
Vừa mới sinh ra, bé T. đã không có hậu môn. Khi gặp bác sĩ Tầm, ban đầu, gia đình bé T. vẫn còn băn khoăn, muốn tiếp tục đưa con đi các bệnh viện lớn khác để chữa trị. Nhưng bác sĩ Tầm đã cố gắng thuyết phục, thậm chí "năn nỉ" gia đình bệnh nhân rằng, ông và đồng nghiệp của bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca như trường hợp của bé và kết quả rất tốt.

Bác sĩ Tầm thăm khám cho một bệnh nhi sau ca phình đại tràng bẩm sinh. Ảnh: Bích Nhàn
“Sau nhiều băn khoăn, gia đình tôi cũng quyết định để con ở lại bệnh viện tiếp tục điều trị. Từ sau khi mổ đến giờ, con tôi hoàn toàn khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao trẻ khác. Thật may mắn, lúc ấy, tôi đã tin tưởng vào bác sĩ Tầm” - mẹ của bé T. xúc động nói.
Trong hơn 30 năm hành nghề, bác sĩ Tầm cùng ê-kíp mổ đã gặp rất nhiều ca bệnh khác nhau. Có những ca thành công và thất bại cũng rất khó tránh. Nhưng trước những bệnh nhi bé bỏng, lại mang trên mình nhiều dị tật, tấm lòng người bác sĩ không thể đứng nhìn dù cơ hội sống của trẻ là rất ít.
Đó là ca mổ cho bé C.T.B.C. (6 ngày tuổi) mắc chứng tắc tá tràng hiếm gặp. Ngày 25-3-2015, bé C. nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, cân nặng yếu (1,4kg), ói dịch trong, 4 ngày không ăn được, không đi ngoài được...
Sau khi thăm khám, bác sĩ Tầm đã chẩn đoán, bé bị tắc tá tràng D4 rất hiếm gặp (tỷ lệ 1/40 ngàn bé sơ sinh). Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị tắc. Tuy nhiên, ba bé C. không đồng ý vì gia đình nghèo không đủ điều kiện lo chi phí phẫu thuật.
“Tôi và nhiều bác sĩ của khoa đã phải gặp mặt trực tiếp ba của bé C., (dân tộc Dao, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) để “năn nỉ” ông chấp thuận cho phẫu thuật cứu bé C. Cuối cùng, ba của bé C. đã đồng ý” - bác sĩ Tầm nhớ lại.
Tại Hội nghị ngoại nhi toàn quốc lần thứ 10 do Bệnh viện Nhi Đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào năm 2015, bác sĩ Tầm đã báo cáo một trường hợp trẻ có đến 3 tinh hoàn. Đó là trường hợp của bé N.V.T., 4 tuổi. Đa tinh hoàn là một dị tật bẩm sinh niệu dục hiếm gặp, chỉ có khoảng 200 ca trong y văn. Cách điều trị đa tinh hoàn thời điểm này chưa thống nhất. Do đó, bác sĩ Tầm quyết định điều trị bảo tồn và chỉ cắt tinh hoàn phụ khi nghi ngờ bị ung thư.
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Anh Phong, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho rằng, bác sĩ Tầm là người đầu tiên “mở ra” mổ dị tật bẩm sinh cho trẻ tại bệnh viện. Ông là người đặt nền tảng cho phẫu thuật nhi sơ sinh, nhẹ ký và mắc dị tật bẩm sinh… Đây là những ca bệnh khó, đòi hỏi rất cao về tay nghề của bác sĩ. Bệnh nhi càng nhỏ tuổi, ca mổ càng khó thực hiện.
“Bác sĩ Tầm cũng là người có công dẫn dắt thế hệ bác sĩ trẻ của bệnh viện. Hơn 30 năm làm việc, bác sĩ Tầm luôn nhiệt huyết với bệnh nhân, bất cứ lúc nào bệnh nhân cần, bác sĩ Tầm đều có mặt” - bác sĩ Phong nhấn mạnh.