Người phụ nữ 'sốc' nặng vì sau 2 năm niềng răng phát hiện chân răng bật ra khỏi xương
Chị B.T.T. (35 tuổi, Hà Nội) từng nghĩ rằng việc niềng răng rất đơn giản, tuy nhiên sau khoảng 2 năm niềng răng, chị đã vô cùng thất vọng và bản thân chị đã phải trải qua một ca phẫu thuật lại.
Sợ hãi, ám ảnh vì... niềng răng
Gần đây, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau quá trình niềng răng kéo dài.
Bệnh nhân là chị B.T.T (35 tuổi, Hà Nội) cho biết, ban đầu chị nghĩ rằng việc niềng răng khá đơn giản, tuy nhiên sau khoảng 2 năm niềng răng, chị đã rơi vào tình trạng thất vọng trầm trọng và buộc phải trải qua hai ca phẫu thuật.
Theo lời chị T., sau thời gian dài niềng răng, chị nhận thấy răng không đóng khoảng hết. Khi đi chụp phim, kết quả cho thấy khớp cắn vẫn còn hô, thậm chí một số chân răng đã bị bật ra khỏi xương ổ răng. Điều đáng nói là bác sĩ chỉnh nha không hề phát hiện ra vấn đề này trong quá trình điều trị. Đến khi phát hiện thì đã quá muộn.
Chị T đã đến Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội để khám và điều trị. Tại đây, sau khi thăm khám bác sĩ kết luận, chị T. bị sai khớp cắn loại II do xương, kèm sang chấn khớp cắn do chỉnh nha bù trừ quá mức. Chị T được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình xương hàm, sau đó nắn chỉnh răng lại.
Chị T. đã phải trải qua hai cuộc phẫu thuật liên tiếp trong vòng 6 tháng (chỉnh xương hàm và tháo vít), chịu đựng những cơn đau kéo dài, khiến chị bị ám ảnh và lo sợ. Hiện tại, chị đang tập ăn nhai và cần thêm thời gian để hàm phục hồi, đồng thời vẫn tiếp tục điều trị nắn chỉnh răng.

Chị T. sau cuộc phẫu thuật. Ảnh: NVCC.
Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi niềng răng
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình xương hàm mặt - Ths.Bs Phạm Quang Dương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội cho biết, niềng răng là phương pháp chỉnh nha phổ biến giúp sắp xếp lại răng đều đặn, khớp cắn chuẩn. Tuy nhiên, khi không được thực hiện đúng cách hoặc do chăm sóc răng miệng kém trong quá trình niềng, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Cụ thể:
Tổn thương mô quanh răng, răng lung lay: Lực kéo quá mạnh hoặc kéo liên tục, không cho răng thời gian ổn định có thể làm tổn thương mô quanh răng, có thể dẫn đến tiêu xương ổ răng. Điều này khiến răng lung lay, giảm độ chắc chắn, gây khó khăn trong việc ăn uống và vệ sinh răng miệng.
Viêm nướu, tụt lợi: Vệ sinh răng miệng không đúng cách khi đeo mắc cài có thể làm vi khuẩn tích tụ xung quanh khí cụ, dẫn đến viêm nướu, tụt lợi. Người bệnh có thể gặp các biểu hiện như lợi sưng đỏ, phù nề, dễ chảy máu khi chải răng.
Sâu răng: Thức ăn dễ mắc lại xung quanh mắc cài, cộng với việc vệ sinh khó khăn khiến vi khuẩn dễ bám dính, gây sâu răng. Điều này có thể làm tổn thương men răng và tủy răng nếu không được xử lý kịp thời.
Lệch khớp cắn, răng di chuyển ngoài khu vực mong muốn: Việc chỉnh nha sai kỹ thuật có thể dẫn đến tình trạng lệch khớp cắn. Điều này thường xảy ra khi bác sĩ chỉnh nha không có đủ chuyên môn hoặc kinh nghiệm, hoặc do người bệnh không đến tái khám theo đúng hẹn.
Rối loạn khớp cắn thái dương hàm: Khi can thiệp sai vào cơ cấu khớp cắn hoặc lực kéo không đều, bệnh nhân có thể bị rối loạn khớp cắn thái dương hàm. Biểu hiện là đau khi há miệng, cảm giác lạo xạo ở xương hàm, ảnh hưởng đến khả năng nhai nuốt.
Tổn thương tủy răng: Nếu lực siết răng quá mạnh, mạch máu nuôi tủy răng có thể bị tổn thương, dẫn đến tình trạng hoại tử tủy. Người bệnh có thể thấy biểu hiện sưng lợi hoặc răng đổi màu nếu tình trạng không được phát hiện.
Theo Ths.Bs Phạm Quang Dương, tình trạng sai khớp cắn loại II do xương kèm sang chấn khớp cắn do chỉnh nha bù trừ quá mức, răng bật khỏi ổ xương sau khi niềng xảy ra chủ yếu do lực nắn chỉnh răng không phù hợp hoặc quá mạnh, làm răng bị đẩy ra ngoài giới hạn sinh lý của xương ổ răng.
Ngoài ra, có một số yếu tố góp phần gây ra tình trạng này, bao gồm:
Kế hoạch điều trị không phù hợp. Nếu không kết hợp phẫu thuật chỉnh hình xương hàm khi sai lệch giữa hai xương hàm quá lớn, răng sẽ phải dịch chuyển quá mức để bù đắp sai lệch hàm, gây nguy cơ bật khỏi ổ xương.
Xương ổ răng mỏng. Đặc biệt là răng cửa hàm dưới, khi cố gắng nắn chỉnh bù trừ, răng không được dịch chuyển thẳng mà bị nghiêng ra trước có thể dẫn đến chân răng không còn nằm trong khung xương, gây tiêu xương, tụt nướu hoặc lộ chân răng.
Hậu quả của tình trạng cố gắng điều trị chỉnh nha bù trừ ngụy trang trong thời gian kéo dài để lại hậu quả: Gây tụt lợi, lộ chân răng; Răng lung lay, mất ổn định; Đau hoặc ê buốt kéo dài; Trường hợp nặng có thể phải ghép xương, ghép nướu hoặc nhổ răng.
Làm gì để tránh biến chứng khi đi niềng răng?
Để tránh những biến chứng đáng lo ngại khi đi niềng năng, Ths.Bs Phạm Quang Dương cho hay, bản thân mỗi người cần tuân thủ một số nguyên tắc chăm sóc và theo dõi sức khỏe răng miệng như sau:
Lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín. Chọn bác sĩ có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chỉnh nha để đảm bảo quá trình niềng răng được thực hiện đúng kỹ thuật. Khi cần thiết có thể khám và tư vấn ở hai, ba cơ sở trước khi quyết định điều trị.
Tuân thủ lịch hẹn tái khám theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra tiến trình điều chỉnh răng. Nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình điều trị cần phản hồi lại sớm cho bác sĩ để được phát hiện điều chỉnh kịp thời ví dụ như đau nhức kéo dài, chảy máu lợi, lung lay răng. Không tự ý điều chỉnh dây cung hoặc đeo chun chỉnh nha tại nhà. Tránh tự ý dùng thuốc giảm đau mà không có chỉ định từ bác sĩ.
Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng. Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sử dụng bàn chải chuyên dụng cho người niềng răng. Kết hợp dùng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ và nước súc miệng để làm sạch kỹ các kẽ răng và mắc cài. Tránh dùng tăm vì có thể làm tổn thương nướu và gây lệch mắc cài.
Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống hợp lý. Hạn chế thức ăn cứng, dai hoặc dính như kẹo cứng, thịt dai, bánh dẻo vì dễ làm bung mắc cài. Tránh đồ ăn quá ngọt, có gas vì dễ gây sâu răng và mảng bám quanh mắc cài. Cắt nhỏ thức ăn để giảm lực nhai, tránh làm lệch mắc cài.
Đeo dụng cụ bảo vệ hàm khi tham gia các hoạt động thể thao mạnh để tránh va đập gây hỏng mắc cài.