Bác sĩ cảnh báo, cẩn trọng với hóc xương trong dịp lễ Tết

Mỗi dịp lễ Tết, mọi người đều mong muốn có những bữa tiệc sum vầy, quây quần bên gia đình và người thân. Tuy nhiên, trong niềm vui ấy lại tiềm ẩn một mối nguy hiểm mà nhiều người không để ý đến tình trạng hóc xương. Đây là tai nạn thường gặp, nhưng lại rất dễ bị bỏ qua cho đến khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Hóc xương là gì?

Hóc xương là hiện tượng khi một miếng xương từ thực phẩm bị mắc kẹt lại trong thực quản, gây cản trở đường ăn từ miệng thực quản đến dạ dày. Dù đây là sự cố rất phổ biến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về mức độ nguy hiểm và cách xử lý kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hóc xương, nhưng lý do chủ yếu là do thói quen ăn uống như ăn cả thịt lẫn xương, ăn không cẩn thận, vội vàng trong các bữa tiệc hay không chú ý đến các miếng xương nhỏ trong thực phẩm, vừa ăn vừa uống rượu, vừa nói chuyện. Cùng với đó, trẻ nhỏ và người lớn tuổi có thể gặp khó khăn trong việc nhai kỹ, khiến miếng xương dễ dàng mắc lại trong thực quản.

Đặc biệt, loại xương nguy hiểm nhất phải kể đến là xương gà “hóc xương gà, sa cành khế” do xương nhọn, khi chặt sẽ để lại nhiều đầu nhọn của ống xương vì thế rất dễ gây thủng và viêm vùng xương cắm nên hay gây biến chứng nếu không xử trí kịp thời.

Xử trí khi bị hóc xương

Khi bị hóc xương, hành động đầu tiên là không hoảng loạn. Điều này giúp mọi người có thể kiểm soát tình hình và tìm cách xử lý tốt hơn. Cụ thể:

- Tìm cách tự xử lý: Nếu mới bị hóc bạn có thể dùng thử nước ấm để nuốt hoặc nuốt cơm. Cách này có thể giúp xương trôi xuống dạ dày nếu xương cắm nông trong niêm mạc.

- Đến cơ sở Tai Mũi Họng ngay: Nếu các biện pháp trên không hiệu quả cần đưa người bị hóc đến ngay các cơ sở có chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc chuyên khoa tiêu hóa xử trí gắp xương sớm.

Bên cạnh đó, tình trạng hóc xương nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

- Tổn thương thực quản: Xương có thể làm rách niêm mạc thực quản, gây viêm nhiễm và đôi khi dẫn đến nhiễm trùng nặng.

- Tắc nghẽn đường thở: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất và có thể đe dọa tính mạng nếu xương làm tắc nghẽn đường thở do xương quá to.

- Nhiễm trùng: Nếu xương bị mắc lại lâu trong cổ họng hoặc thực quản mà không được lấy ra, có thể gây nhiễm trùng do vi khuẩn tích tụ tại vị trí này.

Cách phòng tránh hóc xương

Để tránh bị hóc xương trong những bữa tiệc Tết, chúng ta cần chú ý một số điều cơ bản:

- Kiểm tra kỹ xương trong thức ăn: Trước khi ăn, hãy kiểm tra kỹ các loại thực phẩm có thể chứa xương như cá, gà, vịt… và cắt bỏ các miếng xương nhỏ để tránh nguy cơ hóc xương.

- Ăn từ từ, nhai kỹ: Việc ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nuốt phải xương mà không nhận ra.

- Không ăn vội vàng: Trong các bữa tiệc, hãy chú ý không ăn quá nhanh hoặc khi nói chuyện, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ hóc xương.

- Giám sát trẻ em và người lớn tuổi: Đặc biệt với trẻ em và người lớn tuổi, cần có sự giám sát kỹ càng trong các bữa ăn, bởi họ có thể dễ dàng nuốt phải xương mà không nhận thức được.

Mặc dù hóc xương là tai nạn thường gặp, nhưng nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, trong dịp lễ Tết, khi mọi người thưởng thức những món ăn ngon, hãy luôn chú ý đến việc kiểm tra xương trong thực phẩm và ăn uống cẩn thận.

Đồng thời, cẩn trọng trong mỗi bữa ăn chính là cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, giúp mọi người tận hưởng một mùa lễ Tết an lành và vui vẻ.

PGS.TS. Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bac-si-canh-bao-can-trong-voi-hoc-xuong-trong-dip-le-tet-post400064.html
Zalo