13 tuổi lấy chồng, ngoài 30 có cháu bồng ở 'làng siêu đẻ' tỉnh Đắk Lắk

Ở ngôi làng vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nạn tảo hôn khi các bé gái lấy chồng ở tuổi 13, đến 30 tuổi đã lên chức bà ngoại.

Vượt qua cây cầu treo cũ đã xuống cấp vắt ngang sông, phóng viên PLO tìm đến thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, nơi được ví là "làng siêu đẻ" ở tỉnh Đắk Lắk.

Thôn Cư Rang nằm sát núi với hàng trăm căn nhà thấp lè tè. Dọc đường, phóng viên bắt gặp nhiều nhóm trẻ í ới gọi nhau, em nào cũng lấm lem bùn đất, mải miết chơi đùa dưới mưa.

Đẻ 10 lần ráng kiếm con trai nối dõi

Lúc này, chị Dương Thị Tơ (49 tuổi, ngụ thôn Cư Rang) đang ngồi trước hiên, tỉ mẩn khâu lại chiếc áo rách cho chồng. Trước mặt chị Tơ là cả chục đứa trẻ, đứa lớn tầm 9 tuổi, đứa nhỏ mới lên ba ríu rít nô đùa.

Vì đám trẻ đông nên cứ khâu được vài đường chỉ, chị Tơ lại phải đảo mắt quan sát, trông chừng chúng.

 Nhóm trẻ nô đùa ven đường. Ảnh: T.T

Nhóm trẻ nô đùa ven đường. Ảnh: T.T

Chị Tơ kể năm 13 tuổi chị lấy chồng, sau đó sinh "liền tù tì" 10 đứa con. Hỏi vì sao sinh đẻ nhiều vậy? Chị cười nói với vẻ ngại ngùng: “Do muốn có con trai để nối dõi nên cứ đẻ miết. Tôi đẻ 9 đứa con gái rồi mới có con trai”.

 Chị Tơ (áo thun hồng) có cháu bồng khi bà mới 33 tuổi. Ảnh: T.T

Chị Tơ (áo thun hồng) có cháu bồng khi bà mới 33 tuổi. Ảnh: T.T

Cũng theo lời chị Tơ, lấy chồng sớm, sinh đẻ nhiều nên suốt ngày chị chỉ quanh quẩn trong nhà lo chăm con, nội trợ, làm việc vặt. Chồng chị đầu tắt mặt tối làm thuê để trang trải cuộc sống, nuôi ngần ấy miệng ăn.

“Con đông, đất ít, cuộc sống cực lắm. Biết đẻ nhiều khổ nhưng muốn kiếm con trai nên vợ chồng tôi phải ráng” - chị Tơ nói.

"Tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên ở trên địa bàn xã còn nhiều, đặc biệt là ở các thôn Cư Rang, Cư Tê, Ea Rớt... nơi tập trung nhiều đồng bào người H'Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn"- ông Y Lai Niê.

Mới 32 tuổi song chị Lò Thị Sơ (cùng thôn Cư Rang) đã có 4 mặt con. Trong đó, con trai đầu đang học lớp 9, bé út mới được 2 tháng tuổi. Chị Sơ tâm sự vì nhà đã có hai trai, một gái nên chị ráng kiếm thêm đứa con gái nữa.

“Người ta kiếm con trai, còn vợ chồng tôi kiếm con gái cho cân bằng. May mà sinh được con gái, nếu không được tôi còn đẻ nữa” - chị Sơ cười. Chị cho hay nhà nghèo con đông, chồng chị phải qua tỉnh Lâm Đồng làm công nhân, mình chị ở nhà chăm sóc 4 đứa nhỏ.

Ngoài 30 lên chức ông bà, cả chục đứa cháu

Mới sang tuổi 32 nhưng chị Dương Thị Dính đã có sáu đứa con. Chị lấy chồng năm 19 tuổi và cũng vì muốn có con trai nên... ráng đẻ.

 32 tuổi, chị Dính có 6 đứa con. Ảnh: T.T

32 tuổi, chị Dính có 6 đứa con. Ảnh: T.T

“Mai mốt con gái đi lấy chồng, chỉ có con trai ở với mình nên vợ chồng tôi ráng kiếm con trai. Giờ đã có con trai, chúng tôi không đẻ nữa” - chị Dính nói.

Theo chị Dính, vì liên tục sinh đẻ và phải nuôi con nhỏ nên gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên vai người chồng. Những thời điểm như vụ mùa cà phê, chị Dính gửi con cho người thân để đi làm thuê, kiếm thêm thu nhập phụ với chồng.

Có lẽ do sinh đẻ nhiều, cuộc sống lam lũ nên chị Tơ, chị Sơ, chị Dính đều trông già trước tuổi.

 Chị Sơ vừa hạ sinh bé gái cho đủ 2 trai, 2 gái trong nhà. Ảnh: T.T

Chị Sơ vừa hạ sinh bé gái cho đủ 2 trai, 2 gái trong nhà. Ảnh: T.T

Bà Dương Thị Dung, Hội trưởng Hội phụ nữ thôn Cư Rang, cho biết tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên trong thôn rất nhiều. Trong đó, có nhiều cặp vợ chồng sinh 6-7 con. Vì nhà nào cũng đông con nên thôn có 186 hộ nhưng hơn 1.000 nhân khẩu.

Ngoài sinh đẻ nhiều, trong thôn vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn, một số cặp vợ chồng mới ngoài 30 tuổi lên chức ông nội, bà ngoại.

 Cảnh thường gặp ở xã Cư Pui. Ảnh: T.T

Cảnh thường gặp ở xã Cư Pui. Ảnh: T.T

“Ở thôn, có trường hợp chị Tơ năm 13 tuổi lấy chồng, năm 33 tuổi lên chức bà ngoại. Đến nay, mới 49 tuổi nhưng chị Tơ đã có 10 đứa cháu. Ngoài ra còn nhiều người khác nhưng tôi không nhớ hết” - bà Dung nói.

Theo bà Dung, người dân trong thôn đẻ nhiều vì nhận thức còn hạn chế, vẫn giữ quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”. Ngoài ra, có người vì nhu cầu muốn tìm con trai hoặc con gái nên liên tục sinh đẻ vượt kế hoạch.

Áp dụng nhiều biện pháp giảm tỉ lệ sinh con thứ 3

Ông Y Lai Nie - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông, cho hay theo thống kê của trạm y tế xã Cư Pui, trong năm 2024, toàn xã có 149 trẻ em được sinh ra là con thứ ba trở lên trong gia đình.

"Cũng vì nghèo mà sinh đẻ nhiều khiến cho tỉ lệ hộ nghèo ở các thôn như Cư Rang, Cư Tê… còn rất cao" - ông Y Lai Nie nói.

Chính quyền cắm bảng tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình ở thôn Cư Rang. Ảnh: T.T

Nhằm giảm tỉ lệ sinh con thứ ba ở xã Cư Pui, ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, cho biết những năm qua, trung tâm đã phối hợp với các đoàn thể địa phương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Theo ông Vũ, ngoài những đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, trung tâm đã vận động những phụ nữ đã sinh con thứ hai thực hiện các biện pháp tránh thai như: đặt vòng tránh thai, cấy que ngừa thai…. hoàn toàn miễn phí.

Bên cạnh đó, trung tâm vận động những phụ nữ mang thai nên khám, siêu âm thai định kỳ nhằm chăm sóc sức khỏe cho thai phụ và thai nhi.

“Hiện tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên ở Cư Pui vẫn xảy ra nhưng đã giảm nhiều so với trước. Đặc biệt, ý thức của bà con về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đã tăng lên đáng kể.

Nhiều người đã chủ động áp dụng biện pháp tránh thai, ngừa thai, chủ động siêu âm, chú trọng hơn về việc chăm sóc sức khỏe của thai nhi và thai phụ” - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông nói.

TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/13-tuoi-lay-chong-ngoai-30-co-chau-bong-o-lang-sieu-de-tinh-dak-lak-post826007.html
Zalo