Bắc Ninh: Nhiều nhà có nguy cơ sạt lở, chính quyền khẩn cấp sơ tán người dân
Mưa kéo dài khiến nhiều ngôi nhà của người dân sống ven đê tả sông Cầu (đoạn qua xã Hợp Thịnh, tỉnh Bắc Ninh) có nguy cơ sạt lở xuống sông. Chính quyền đã sơ tán khẩn cấp người dân đến khu an toàn.



Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7, đê tả sông Cầu đoạn qua xã Hợp Thịnh, tỉnh Bắc Ninh xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng, khiến nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.

Ông Ngô Văn Trường (trú thôn Bảo Tân, xã Hợp Thịnh) cho biết, diện tích đất gần sông Cầu của gia đình xuất hiện sạt lở từ ngày 30/6.



“Đất vườn, sân gạch cùng cây xanh nhà tôi bị sạt lở xuống sông cầu từ 30/6. Hôm qua và hôm nay (2/7), thời tiết tiếp tục mưa lớn, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra. Diện tích đất bị sạt lở của gia đình ước tính 200m2”, ông Trường nói.



Không chỉ bị thiệt hại đất và cây xanh, công trình phụ và ngôi nhà 3 tầng của gia đình ông Trường cũng có nguy cơ bị “hà bá” nuốt chửng.



“Ngay trong đêm 30/6, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, gia đình tôi đã được chính quyền địa phương, nhân dân hỗ trợ di dời đến nhà người thân ở tạm. Hôm nay, tôi ra dọn nốt một số đồ dùng thiết yếu đến chỗ ở tạm. Mong rằng công trình phụ và ngôi nhà này không bị sạt lở”, ông Trường cho hay.

Tượng tự, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (thôn Bảo Tân, xã Hợp Thịnh) cũng bị ảnh hưởng, phải di dời tài sản đi chỗ khác.



“Sáng nay, nhiều mét tường bao và công trình phụ nhà tôi bị sạt lở xuống sông Cầu. Gia đình đã đi ở nhờ nhà người thân từ mấy ngày trước. Nhìn tài sản, đất cát nhà mình mỗi ngày lại bị dòng sông 'nuốt chửng', chúng tôi rất xót ruột, mong chính quyền có biện pháp xử lý khắc phục hiện tượng sạt lở này để người dân giảm thiệt hại về tài sản”, bà Tâm chia sẻ.

Ông Ngô Văn Biên, Trưởng thôn Bảo Tân cho biết, địa phương có 18 hộ dân sống ở ven đê sông Cầu.

“Trong đó, 9 hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi sạt lở, phải di dời tài sản và đi ở chỗ khác để đảm bảo an toàn”, ông Biên thông tin.



Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh, tỉnh Bắc Ninh, cho biết, ngay sau khi phát hiện sự cố sạt lở, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân, tự vệ, đội an ninh trật tự cơ sở tham gia ứng cứu, hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ, thực hiện di dời các hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.

“Cùng đó chúng tôi trải bạt xếp bao cát thẩm thấu tại cung sạt lở, đắp đất mở rộng thân đê ở những nơi xung yếu”, ông Thắng nói.

Cũng tại đê tả sông Cầu, đoạn qua trạm bơm Bầu (xã Xuân Cẩm, tỉnh Bắc Ninh) xuất hiện sự cố mạch đùn, mạch sủi ảnh hưởng an toàn đê.

Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm Hoàng Văn Thái cho hay, sau khi phát hiện mạch sủi, UBND xã chỉ đạo lực lượng dân quân tại chỗ phối hợp Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Hiệp Hòa tập trung xử lý mạch sủi. Đến nay, sự cố này cơ bản được xử lý xong.



“Tuy nhiên, tuyến đê tả Cầu tại khu vực kè Bầu (từ vị trí Km 20+400 - Km 20+800) tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xuất hiện các mạch đùn, mạch sủi gây ảnh hưởng kết cấu đê, đặc biệt trong mùa mưa bão khi mực nước sông Cầu lên cao”, ông Thái nói.

Trước ảnh hưởng của mưa lớn, lũ trên sông Thương, sông Cầu đang lên, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa gửi văn bản đến Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, yêu cầu triển khai công tác hộ đê, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trong bối cảnh mưa lớn diễn biến phức tạp.