Các giải pháp ngăn chặn hành vi trục lợi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp, và hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, do số lượng người thụ hưởng ngày càng tăng, không thể tránh khỏi trường hợp trục lợi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho lao động mất việc. Ảnh: Nhật Dương.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho lao động mất việc. Ảnh: Nhật Dương.

Mới đây, theo kết quả thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ năm 2024 đến hết tháng 4/2025 tại gần 23.000 đơn vị, đã cho thấy nhiều sai phạm trong quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

TRỤC LỢI BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP NGÀY CÀNG TINH VI

Qua kết quả thanh tra, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã truy thu tiền đóng của khoảng 17.500 lao động thuộc nhóm phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, song chưa đóng với số tiền trên 130 tỷ đồng.

Đồng thời, ngành cũng yêu cầu truy thu hơn 127 tỷ đồng đóng thiếu của gần 39.000 lao động. Riêng năm 2024, cơ quan Bảo hiểm xã hội yêu cầu thu hồi về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 980 triệu đồng do lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định.

Theo các chuyên gia, trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Đây là hành vi người lao động hoặc người sử dụng lao động sử dụng các thủ đoạn gian lận, làm giả hồ sơ, thông tin để được hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định, gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và những người lao động khác.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), cho biết nhiều trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định vẫn được giải quyết, do hồ sơ ban đầu bị làm sai lệch hoặc không được kiểm tra kỹ. Có những người lao động thuộc diện không đủ điều kiện hưởng, hoặc đã có việc làm nhưng không khai báo, dẫn đến việc tiếp tục được nhận trợ cấp đến khi bị phát hiện qua thanh tra.

Theo ông Tú, đáng lẽ người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc phải chấm dứt hưởng thì vẫn tiếp tục nhận tiền, đến khi thanh tra vào cuộc mới phát hiện sai phạm. Thậm chí, có trường hợp lợi dụng chế độ hỗ trợ đào tạo nghề để lập danh sách, ký nhận nhưng không thực hiện đúng vẫn được thanh toán.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng nhìn nhận, tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp xuất phát từ nhiều phía.

Nhiều người lao động thiếu tự giác và chưa hiểu biết pháp luật, dẫn đến sai phạm trong việc khai báo tình trạng việc làm, trong khi theo quy định, trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải khai báo nếu có việc làm mới.

Còn ở phía người sử dụng lao động, có trường hợp doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, hoặc khai báo không đúng thực trạng sử dụng lao động nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng. Điều này, theo bà Ngân sẽ không chỉ gây thất thoát quỹ, mà còn khiến người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi về sau.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Trong bối cảnh tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn ra, các chuyên gia cho rằng nếu không kiểm soát tốt, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có nguy cơ mất cân đối, chính sách mất đi ý nghĩa.

Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để cả người lao động và người sử dụng lao động hiểu đúng và thực hiện đúng quy định về bảo hiểm thất nghiệp.

Lao động thất nghiệp được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: Nhật Dương.

Lao động thất nghiệp được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: Nhật Dương.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Nội vụ Hà Nội), cho rằng người lao động cần hiểu đúng bản chất của bảo hiểm thất nghiệp.

Đó là, trợ cấp thất nghiệp chỉ là phần ngắn hạn, quan trọng và lâu dài hơn là hỗ trợ việc làm và học nghề miễn phí. “Nếu người lao động có việc làm thì nên thông báo ngay với Trung tâm dịch vụ việc làm để được bảo lưu thời gian đã đóng, đó mới là cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp”, bà Liễu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Kim Ngân bổ sung thêm, nên áp dụng cơ chế khai báo mở, tức là bất kỳ ai phát hiện vi phạm cũng có thể báo với Trung tâm dịch vụ việc làm, mà không cần chờ thanh tra.

Cùng với các chính sách đã và đang thực hiện để ngăn chặn gian lận bảo hiểm thất nghiệp, ông Trần Tuấn Tú cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan sẽ là bước quan trọng để ngăn chặn trục lợi. Theo ông Tú, dữ liệu này không chỉ giúp kiểm soát, mà còn là nền tảng để xây dựng chính sách, đảm bảo tính minh bạch.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-giai-phap-ngan-chan-hanh-vi-truc-loi-quy-bao-hiem-that-nghiep.htm
Zalo