Chuyên gia Argentina đánh giá cao việc Việt Nam trở thành quốc gia đối tác của BRICS

Việc Việt Nam chính thức trở thành quốc gia đối tác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) là một bước đi có ý nghĩa chiến lược, góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.

Giáo sư Ezequiel Ramoneda trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Argentina. Ảnh tư liệu: Ngọc Tùng/PV TTXVN tại Argentina

Giáo sư Ezequiel Ramoneda trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Argentina. Ảnh tư liệu: Ngọc Tùng/PV TTXVN tại Argentina

Đây là khẳng định của Giáo sư Ezequiel Ramoneda, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ Latinh về nghiên cứu châu Á và châu Phi (ALADAA) tại Argentina trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Buenos Aires.

Giáo sư Ramoneda nhận định việc mở rộng số lượng thành viên là một trong những dấu ấn quan trọng nhất của BRICS trong thời gian qua. Từ nhóm 5 nước sáng lập ban đầu, đến nay số lượng thành viên chính thức và liên kết của BRICS đã tăng nhanh, gấp 4 lần chỉ trong vòng một năm. Đây là cơ hội để mở rộng đối thoại chính trị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy phối hợp lập trường giữa các nước về những vấn đề quốc tế quan trọng.

Đánh giá về việc Việt Nam trở thành quốc gia đối tác của BRICS, Giáo sư Ramoneda khẳng định đây là bước đi phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa mà Việt Nam kiên trì theo đuổi suốt gần 40 năm qua. Quyết định này phản ánh rõ quyết tâm của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc trở thành đối tác tin cậy và tích cực đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Đây cũng là sự khẳng định cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương công bằng và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, ông Ramoneda cho rằng sự hiện diện của Việt Nam sẽ góp phần nâng cao uy tín của BRICS nhờ vai trò, vị thế cũng như kinh nghiệm hợp tác lâu năm của Việt Nam với các nước đang phát triển, đặc biệt tại Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Với tư cách là đại diện tiêu biểu của Đông Nam Á trong BRICS, Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy định hướng hợp tác khu vực mà BRICS đang chú trọng.

Đề cập đến khả năng tăng cường quan hệ hợp tác giữa BRICS và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Giáo sư Ramoneda thừa nhận tiến trình hợp tác giữa hai cơ chế này vẫn còn nhiều trở ngại mang tính thể chế. Ông lý giải ASEAN là một tổ chức quốc tế với cơ cấu rõ ràng, có các thiết chế nội bộ và thỏa thuận chính trị cụ thể, trong khi BRICS được xem như một diễn đàn hợp tác liên chính phủ, không phải là tổ chức quốc tế theo nghĩa truyền thống. Do đó, việc kết nối chính thức giữa hai cơ chế còn hạn chế.

Dù vậy, theo Giáo sư Ramoneda - người cũng là điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CESEA) thuộc Viện quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, lãnh đạo hai bên đã thể hiện rõ ý chí chính trị trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu. Minh chứng là hiện nay Indonesia là thành viên chính thức và Việt Nam là quốc gia đối tác của BRICS.

Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, nhiều Hội nghị cấp cao ASEAN đã chứng kiến sự tham dự của lãnh đạo các nước BRICS như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil. Indonesia, hiện là thành viên BRICS, từng giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào các năm 2000, 2022 và 2023. Malaysia, Chủ tịch ASEAN hiện tại, cũng là quốc gia đối tác chính thức của BRICS.

Giáo sư Ramoneda nhận định rằng tuy còn khác biệt về thể chế, BRICS và ASEAN vẫn có thể bổ trợ cho nhau, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng một trật tự quốc tế đa cực, công bằng và có lợi hơn cho các nước đang phát triển.

Diệu Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/chuyen-gia-argentina-danh-gia-cao-viec-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-doi-tac-cua-brics-20250704092603207.htm
Zalo