Bắc Ninh: Đô thị hóa ven sông gắn với bảo tồn di sản, phát triển không gian văn hóa
Ngày 10/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai và triển khai kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn dự và phát biểu tại Hội nghị.
Triển khai kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi
Hội nghị tập huấn được tổ chức theo Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 29/3/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh về Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh năm 2024 và Kế hoạch số 2067/KH-UBND ngày 13/6/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh về kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo các cấp về công tác hộ đê, phòng chống thiên tai, cũng như triển khai các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và thủy lợi. Đây là hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và công trình trong mùa mưa bão, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Ninh Nguyễn Song Hà đã nêu lên những thách thức lớn về thiên tai mà Việt Nam và Bắc Ninh phải đối mặt trong thời gian qua.
Năm 2023, cả nước ghi nhận 1.964 trận thiên tai với 21/22 loại hình (trừ sóng thần), gây thiệt hại nặng nề. Tại Bắc Ninh, năm 2023 và 6 tháng năm 2024, mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão hay áp thấp nhiệt đới, nhưng các hiện tượng thiên tai khác như sạt lở đất, rét đậm, rét hại, mưa lớn, dông lốc và sét cũng gây ra những thiệt hại đáng kể. Đặc biệt, vụ sạt lở nghiêm trọng tại phường Vạn An đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, tỉnh đã phải huy động nguồn lực lớn để khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Dự báo tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với số lượng bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn có thể tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm đê điều, công trình thủy lợi ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Để ứng phó với những thách thức này, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Ninh nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đê điều, thủy lợi, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là trong việc xử lý vi phạm pháp luật. Hội nghị tập huấn hôm nay là cơ hội để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thống nhất các giải pháp phòng chống thiên tai, xử lý vi phạm về đê điều, thủy lợi, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Ninh yêu cầu các đại biểu tham gia tích cực và đóng góp ý kiến để hội nghị đạt được kết quả tốt nhất.
Kiến tạo không gian văn hóa - lịch sử ven sông, tôn vinh di tích Kinh Dương Vương
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã biểu dương những nỗ lực của Sở NN&PTNT trong công tác phòng chống thiên tai, đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT tăng cường xử lý các vi phạm về đê điều, thủy lợi.
Đánh giá tình trạng tồn đọng lớn các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn tỉnh, với các trường hợp chưa được giải quyết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Sở NN&PTNT và các địa phương khẩn trương rà soát, phân loại và đề ra lộ trình xử lý cụ thể đến năm 2026.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, không được buông lỏng quản lý. Giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và quyết liệt hơn, tăng cường xử lý các vi phạm còn tồn tại, nhất là trường hợp vi phạm mới phát sinh.
Các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả định kỳ tới Sở NN&PTNT theo thẩm quyền, nếu vượt thì trình UBND tỉnh. Với các trường hợp vượt thẩm quyền của tỉnh sẽ trình lên Trung ương để báo cáo, đề xuất.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đề cập đến Quyết định số 728/QĐ-TTg năm 2023, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó là việc quy hoạch 7 khu vực vui chơi sân golf; đề nghị Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất các giải pháp đảm bảo hài hòa giữa phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án và cho biết, khi thực hiện xong, dự án này sẽ là cơ sở, tiền đề để thực hiện các dự án tiếp theo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh, việc học hỏi kinh nghiệm từ Hà Nội và các địa phương khác để nâng cấp đường đê thành đường đô thị kết hợp với bảo tồn di tích Kinh Dương Vương; và kỳ vọng Kế hoạch 2067/KH-UBND sẽ góp phần quan trọng trong việc lập lại trật tự, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi, phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ cuộc sống người dân. Qua đó, thực hiện tốt việc đô thị hóa ven sông gắn với bảo tồn di sản, phát triển không gian văn hóa.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận từ các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện công tác hộ đê, phòng chống thiên tai, cũng như các vi phạm pháp luật về đê điều và thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Các báo cáo đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã dành thời gian để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm giữa các đại biểu. Qua đó, các đại biểu đã có thêm những kiến thức, kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào thực tiễn công việc tại địa phương.
Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai và triển khai kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi năm 2024 của tỉnh Bắc Ninh có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Đồng thời, hội nghị góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đê điều và thủy lợi của người dân, doanh nghiệp, từ đó bảo vệ an toàn cho người dân, công trình và môi trường.