'Bắc nhịp cầu' giúp trò miền núi
Dạy học ở địa bàn vùng sâu, xa nhiều năm, nữ nhà giáo ở Quảng Trị luôn trăn trở khi nhận thấy học sinh thiếu thốn nhiều mặt...
Gắn bó với địa bàn vùng khó nhiều năm, thấu hiểu điều kiện sống còn không ít thiếu thốn của học sinh Vân Kiều (Hướng Hóa, Quảng Trị), cô giáo Nguyễn Thị Hải đã quyết tâm bám bản, bám trường, giúp học sinh trên chặng đường tìm chữ.
“Cô giáo của những chú chim sâu”
Cô Nguyễn Thị Hải - giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) là một trong những đại sứ của Chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT khởi xướng. Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, niềm vui đến với cô Hải khi nằm trong danh sách 19 giáo viên trẻ được Tỉnh đoàn Quảng Trị trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2024” và được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng Giấy khen vì những đóng góp trong hoạt động “trồng người”.
Trong lễ vinh danh các nhà giáo, cô Hải cũng chia sẻ về hành trình thiện nguyện những năm qua. Nữ nhà giáo cho biết, biệt danh “Cô giáo của những chú chim sâu” do đoàn công tác của Báo Giáo dục và Thời đại đặt cho cô trong một lần đến công tác ở vùng miền núi Hướng Hóa, bắt gặp hình ảnh học sinh đang đi bắt chim sâu và cơ duyên cô được nhận làm đại sứ chương trình “Điều ước cho em”.
“Vào năm 2020, trong chuyến công tác đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Miết (trú tại thôn Mã Lai - Pun, xã Hướng Phùng), đoàn công tác của Báo bắt gặp hình ảnh học sinh đầu trần đi chân đất đang len lỏi vào các nhành cây ven đường để bắt chim sâu và ve sầu. Xúc động trước hình ảnh đó, Đoàn đồng ý hỗ trợ nhận nuôi 3 em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập đến hết năm học lớp 12”, cô Hải chia sẻ.
Ba học sinh được chương trình nhận hỗ trợ lúc đó là em Hồ Hải Yến, Hồ Thị Nao và Hồ Văn Thiên. Theo cô Nguyễn Thị Hải, gia đình em Hồ Thị Hải Yến đông anh em, nhà ở cách xa trường 11km nên điều kiện học tập rất khó khăn. Em Hồ Thị Nao có mẹ bị bệnh hiểm nghèo. Nao là chị cả trong nhà, sau còn 4 đứa em nhỏ. Trước đây, do hoàn cảnh nên Nao hay nghỉ học để phụ bố làm việc gia đình kiếm tiền mua gạo và cho các em đi học. Gia đình Hồ Văn Thiên cũng rất khó khăn.
Trước hoàn cảnh của 3 học sinh, chương trình “Điều ước cho em” đã đồng ý hỗ trợ cho các em đến lớp 12. Trở thành đại sứ chương trình, hằng tháng cô Hải đều trao học bổng cho các em. Lúc nghỉ hè, các em không đến trường thì cô lặn lội tìm đến tận nhà. Nhà của 3 học sinh cách xa nhau, có khi đến nơi thì các em lên nương theo bố mẹ, buộc cô phải ngồi chờ. Không chỉ trao học bổng, cô còn kiểm tra tình hình học tập, động viên, trao đổi về việc học tập và sự tiến bộ của các em.
Theo cô Nguyễn Thị Hải, nhiều năm tiếp nhận hỗ trợ, học sinh có thêm động lực để phấn đấu trong học tập. Qua chương trình “Điều ước cho em”, các em cũng nâng cao ý thức để cố gắng học tập thật tốt, sau này trở thành người có ích cho xã hội. Hiện em Thiên học lớp 6, Hải Yến lên lớp 8, còn Nao học lớp 9 Trường PTDTBT-THCS Hướng Phùng. Các em chăm ngoan và đạt kết quả tốt trong học tập.
“Khi thấy các em tiến bộ, cố gắng hơn mỗi ngày là niềm vui không chỉ của tôi mà của nhiều thầy cô. Tôi hạnh phúc khi đã giúp con đường đến trường của các em tươi sáng hơn”, cô Hải chia sẻ.
Không những là đại sứ của chương trình “Điều ước cho em”, cô Hải còn thường xuyên kết nối các nhà hảo tâm để giúp đỡ học sinh từ quần áo, sách vở, bút mực... Nhờ sự giúp đỡ, kết nối của cô Hải, nhiều em có thêm điều kiện để theo đuổi việc học.
Em Hồ Thị Hải Yến (lớp 8C, Trường Phổ thông DTBT-THCS Hướng Phùng) luôn ghi nhớ những tình cảm của cô Hải dành cho mình. Nhờ cô Hải “bắc nhịp cầu” mà em Yến được hỗ trợ nhiều năm qua để có thêm kinh phí trang trải việc học tập.
“Hàng tháng, cô Hải đều tận tình đến nhà để trao học bổng cho em. Cô luôn động viên, an ủi chúng em vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập. Cô như người mẹ thứ hai dìu dắt chúng em trên con đường chạm tới ước mơ. Em cũng chân thành cảm ơn chương trình “Điều ước cho em” đã quan tâm, hỗ trợ học sinh khó khăn trong những năm học vừa qua”, em Yến cho hay.
Là đồng nghiệp cùng trường, cô Nguyễn Thị Nga cũng dành cho cô Hải những tình cảm chân tình. “Cô Hải là một trong những giáo viên trẻ có lòng yêu nghề, mến trẻ, luôn hết mình về công việc. Hơn 5 năm qua, cô luôn đồng hành cùng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp con đường đến trường của các em được rộng mở hơn. Nhờ có sự kết nối, hỗ trợ của cô Hải mà các em đã có nhiều tiến bộ trong học tập”, cô Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Tận tâm vì học trò
Tròn 10 năm gắn bó với địa bàn miền núi và Trường Tiểu học Hướng Phùng, cô Hải cống hiến cả thanh xuân để bám trường, bám bản dạy chữ cho học sinh. Cô là một trong những giáo viên luôn nhiệt huyết, yêu nghề, tận tâm vì học trò, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà trường giao.
Cô Nguyễn Thị Hải chia sẻ, ban đầu con đường đến với sự nghiệp nhà giáo của cô gặp không ít khó khăn. Qua 5 năm dạy hợp đồng, với nhiều vất vả, nhưng bằng tình yêu nghề, mến trẻ, cô đã gạt qua tất cả để dạy học với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều năm sinh sống, học tập ở địa bàn miền núi, cô có cơ hội hiểu thêm về đời sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.
Ngôi trường cô Hải công tác có hơn 2/3 học sinh Vân Kiều. Đa số gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn và ở xa trường. “Lúc mới vào nghề, tôi được nhà trường phân công dạy học ở các điểm lẻ, vùng bản xa. Học sinh nơi đây chủ yếu con em đồng bào Vân Kiều nên vô cùng nhút nhát vì ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Thời gian đầu, tôi chưa biết tiếng bản địa, lại là giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, được gia đình và đồng nghiệp động viên, tạo mọi điều kiện giúp đỡ nên tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”, cô Hải chia sẻ.
Dạy học ở địa bàn vùng sâu, xa nhiều năm, nữ nhà giáo luôn trăn trở khi nhận thấy học sinh thiếu thốn nhiều mặt. Trước đây, vì cuộc sống khó khăn nên tình trạng học trò nghỉ học dài ngày thường xuyên xảy ra. Đây cũng là điều khiến nhiều giáo viên lo lắng, vì không duy trì tỷ lệ chuyên cần sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Do đó, ngoài dạy trên lớp, thầy, cô giáo phải tìm đến nhà học sinh để nắm bắt tâm tư, trò chuyện với phụ huynh và động viên các em. Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của địa phương và các ngành nên học sinh đến trường tích cực hơn.
“Nỗi lo học sinh bỏ học, nghỉ học vơi đi nhưng phần lớn cuộc sống học sinh vẫn vất vả. Vì vậy, tôi mong có nhiều nhà hảo tâm quan quan tâm, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để các em được tiếp thêm niềm tin, động lực, cố gắng vươn lên trong học tập, thực hiện được ước mơ nhỏ và trở thành người có ích cho xã hội”, cô Nguyễn Thị Hải chia sẻ.
“Điều ước cho em” là chương trình nhân đạo nhằm kết nối, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để thúc đẩy hỗ trợ phát triển giáo dục tại địa bàn vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại địa bàn khó khăn, theo nội dung trọng tâm: Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học (điểm trường, nhà nội trú, nhà vệ sinh, điện, hệ thống nước sạch); dinh dưỡng học đường (bữa ăn trưa cho học sinh); thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt thiết yếu (sách vở, dụng cụ học tập, quần áo)…